25 năm đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1

Thứ hai, 13/5/2019 | 12:00 GMT+7
​Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 như một mốc son đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam có trục xương sống 500kV chạy suốt từ Bắc vào Nam.

Bài 1: Hệ thống điện hòa chung “nhịp đập”

Bnews_500M1_130519_1.jpg
Công nhân Truyền tải điện Gia Lai kiểm tra thiết bị tiếp địa đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngày 27/5 tới sẽ đánh dấu kỷ niệm tròn 25 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1  (27/5/1994 - 27/5/2019).

Đường dây này có vai trò rất quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam. Nó như một mốc son đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam có trục xương sống 500kV chạy suốt từ Bắc vào Nam.

Sự quyết tâm  sau 2 năm xây dựng thần tốc cũng đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành truyền tải điện quốc gia trong việc luôn đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, truyền tải điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

*Dấu ấn lịch sử 

Bnews_500M1_130519_2.jpg
TBA 500kV Pleiku là trạm biến áp đầu tiên nhận hòa lưới điện 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Với chủ trương đổi mới theo Đại hội VI của Đảng, tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do vậy, ngày 5/4/1992, công trình đường dây 500kV mạch 1 đã được khởi công xây dựng. 

Đến ngày 27/5/1994, trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku được đóng điện, hai hệ thống điện Nam – Bắc được hòa chung một nhịp, nối liền hệ thống điện trên toàn quốc.

Hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam và TBA 500kV Pleiku chính thức được đưa vào vận hành từ đây. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống điện Việt Nam đã có “trục xương sống” 500kV chạy suốt từ Bắc vào Nam. 

Giám đốc Truyền tải điện Gia Lai Đinh Văn Cường, người đã từng đảm nhiệm vị trí Trạm trưởng TBA 500kV Pleiku nhiều năm nhớ lại, trước năm 1994, hệ thống điện vận hành rời rạc, có vùng thừa, vùng thiếu điện.

Khi đường dây 500kV mạch 1 đi vào vận hành đã tạo sự phân bổ đồng đều và sản lượng điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng được truyền tải qua đường dây này để cấp điện cho miền Nam. 

Đội trưởng Đội Truyền tải điện Chư Sê, Truyền tải điện Gia Lai, ông Nguyễn Tài là người đã gắn bó với đường dây này từ khi đi vào vận hành. Với nhận thức đây là công trình quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế bắt đầu thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện  đại hóa đất nước, ông Tài chia sẻ: “Từ năm 1994, chúng tôi đã được đào tạo để tiếp quản  vận hành đường dây.

Lúc đầu quản lý còn nhiều bỡ ngỡ vì lần đầu tiên đất nước có một đường dây ở cấp điện áp 500kV, điều kiện quản lý khó khăn như địa bàn toàn dân di cư tự do; đường dây đi qua các khu vực trồng cây cao su, cà phê, tiêu nên phải tuyên truyền đến tận người dân để thay đổi nhận thức bảo vệ đường dây.

Chưa kể thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa thì lầy, mùa nắng thì bụi, ảnh hưởng lớn đến quá trình quản lý và vận hành đường dây.” 

Và đến bây giờ vẫn thế, sau 25 năm, người công nhân truyền tải vẫn phải “sống chung” “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với người dân, để thuyết phục họ chặt tỉa các cây vi phạm khoảng cách, hành lang an toàn đường dây, hay cùng tham gia bảo vệ an toàn đường dây. 

Các chuyên gia năng lượng đánh giá hệ thống truyền tải điện 500kV mạch 1 đi vào vận hành đã phát huy ngay vai trò quan trọng trong Hệ thống điện Quốc gia.

Lượng điện năng rất lớn cung cấp cho miền Nam và miền Trung từ miền Bắc đã được truyền tải qua Trạm 500kV Pleiku, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là khu vực miền Nam. 

* Khó khăn trong vận hành 

Bnews_500M1_130519_3.jpg
Sử dụng Flycam để giám sát thiết bị đường dây 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Trong suốt 25 năm qua, đặc biệt là thời gian 10 năm đầu (khi chưa có đường dây 500kV mạch 2) đường dây 500kV mạch 1 luôn vận hành đầy tải, có lúc quá tải nên áp lực càng đặt lên trọng trách của những người lính truyền tải điện.

Phó Giám đốc  Công ty Truyền tải điện 3, ông Hồ Công cho biết, một trong những khó khăn khi quản lý vận hành đường dây là địa hình rất khó khăn hiểm trở, hầu hết đi qua rừng núi cao, sông suối sâu, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên.

Mùa mưa thì mưa xối xả, rồi lũ quét, lún sụt, sạt lở đất. Mùa khô thì gió lốc bụi mù trời, nắng như đổ lửa, cháy đen da.... Nguy cơ xảy ra cháy lan dưới hành lang gây sự cố luôn thường trực…

Khó khăn lớn nhất theo ông Công là vấn đề hành lang đi qua các vườn trồng cây công nghiệp, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Cao su, bời lời, điều, thông, tràm….

Mặc dù cây trồng nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn lưới điện nhưng vào mùa mưa cành nhánh phát triển nhanh, vi phạm khoảng cách an toàn và có nguy cơ ngã đổ vào đường dây, dễ gây sự cố gián đoạn cung cấp điện.

Toàn  bộ điểm nút tại Gia Lai, cụ thể là TBA 500kV Pleiku là điểm trung chuyển cho các luồng công suất từ tất cả các nguồn thủy điện trên dòng sông Sê San để cung cấp điện cho miền Nam.

Nhưng qua 25 năm vận hành đã bộc lộ những khiếm khuyết, như thiết bị nhiều chủng loại, không đồng bộ, có nhiều thiết bị đã vận hành lâu năm nên ảnh hưởng không nhỏ đến độ tin cậy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Hiện nay Công ty Truyền tải điện 3 đã có kế hoạch thay thế các thiết bị tại trạm để đảm bảo vận hành không bị sự cố.

Sau này TBA 500kV Pleiku 2 được xây dựng thêm đã giải quyết được tình trạng nút thắt cổ chai tại đây, đưa công suất từ phía Bắc vào, Giám đốc Cường cho biết.

Giám đốc Truyền tải điện Kon Tum (Công ty Truyền tải điện 2), ông Trần Hoàng Đạo cho biết, đường dây 500kV mạch 1 vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, 6 tháng nóng và 6 tháng mùa mưa.

Bên cạnh đó, đặc thù của Kon Tum là cây cao su nhiều, độ cao lên đến 25m, nên để đảm bảo cho an toàn hành lang đường dây cao áp thì việc giải tỏa mất rất nhiều công sức do cả mạch 1 và sau này là mạch 2 đều thiết kế độ võng dây thấp.

Chưa kể trình độ dân trí trong khu vực thấp, chủ yếu là dân tộc Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, thường có thói quen đốt rẫy làm nương nên cần đầu tư vào công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức, tập tục của người dân.

Nhiều trường hợp công nhân truyền tải  phải xuống tận nơi để cùng người dân dọn đốt rẫy có kiểm soát để không cháy lan làm ảnh hưởng đến đường dây.

Một khó khăn nữa theo ông Đạo là hầu hết những người công nhân làm mạch 1 nay đã lớn tuổi, giờ sắp nghỉ hưu nên tiếp thu công nghệ  mới khó khăn, phải chuyển sang các công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Trong khi đến năm 2020, chủ trương của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là không tuyển người nên buộc Truyền tải điện Kon Tum phải nâng cao năng suất lao động, tăng cường đào tạo về kỹ năng, áp dụng công nghệ mới và triển khai kế hoạch một cách khoa học hơn.

Còn ở khu vực Quảng Nam, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam cho biết, có 159 km đường dây 500kV mạch 1, mạch 2 đi qua, nhất là khu vực Tam Kỳ thường trồng keo nguyên liệu gây khó khăn trong giải tỏa cây cao hành lang.

Mùa mưa hay bị sạt lở, chia cắt địa bàn thành 4 vùng. Khu vực Chà Và có núi đá vôi nhiều, điện trở đất cao do khai thác rừng nhiều, đất khô nhanh nên có mật độ giông sét lớn… gây khó khăn trong quản lý vận hành.

Sau 25 năm, để có được hơn 8.000 km đường dây truyền tải 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, chúng ta nhớ đến những hy sinh, vất vả lặng thầm, kể cả máu xương của hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân xây dựng và vận hành đường dây, vượt qua biết bao khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình hiểm trở, thi công khó khăn trên các sườn đồi, rừng núi.

Và trong suốt 25 năm qua, kể từ ngày thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, các thế hệ công nhân lao động tiếp nối truyền thống đó để quản lý, vận hành an toàn, thông suốt Hệ thống truyền tải điện Quốc gia.

Bài 2: Hệ thống năng lượng huyết mạch

Với tăng trưởng truyền tải điện khoảng 10%/năm trong những năm về sau, đường dây 500kV mạch 1 chủ yếu truyền tải điện từ Bắc vào Nam.

Bnews_500M1_130519_4.jpg
Áp dụng công nghệ sửa chữa nóng trên đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Hồ Công, Phó Giám đốc  Công ty Truyền tải điện 3, đơn vị quản lý lưới điện truyền tải từ cấp điện áp 220kV đến 500kV thuộc 9 tỉnh Nam miền Trung, Tây Trung cho biết, đến giai đoạn 2000-2005, đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 chủ yếu truyền tải điện từ Bắc vào Nam. 

Theo ông Hồ Công, với mức tăng trưởng truyền tải điện khoảng 10%/năm trong những năm về sau, khi nhu cầu cấp điện cho miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên ngày càng lớn, việc xây dựng các đường dây 500kV mạch 2, mạch 3 ngày càng cấp thiết để đảm bảo an ninh năng lượng thì đường dây mạch 1 vẫn làm nhiệm vụ then chốt, là xương sống truyền tải điện Bắc - Nam.

10 năm liền, đường dây từ Pleiku đến Tp. Hồ Chí Minh không bị sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. 

Công ty Truyền tải điện 3 cho biết, sau năm 2000, nền kinh tế đã có bước phát triển rõ rệt, nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng cao và đòi hỏi mức độ an toàn và tin cậy càng cao.

Bnews_500M1_130519_5.jpg
Sử dụng thiết bị đo phát nhiệt tại TBA 500kV Đà Nẵng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ngày 23/10/2005, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 tiếp tục được đưa vào vận hành, đảm bảo hệ thống truyền tải điện 500kV có hai mạch song song, tạo liên kết vững chắc, vận hành an toàn, tin cậy cho Hệ thống truyền tải điện Quốc gia. 

Đến ngày 5/5/2014, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (mạch 3).

Việc đóng điện và đưa vào vận hành đường dây này cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, kịp thời cung cấp đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo. 

Như vậy nếu năm 2014, tổng điện năng truyền tải qua TBA 500kV Pleiku là hơn 57,1 tỷ kWh thì sau 10 năm (tính từ năm 2004), lượng điện năng truyền tải đã tăng gần 33,8 tỷ kWh. 

Với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là mùa khô nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tiếp tục tăng.

Khi đó tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thuỷ điện như Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A, An Khê – KaNak, nhà máy Xekaman 1 của nước bạn Lào về Việt Nam, nhà máy nhiệt điện Sinh khối … với công suất lên đến hơn 1.000 MVA. 

Để truyền tải hết lượng công suất của các nhà máy thuỷ điện trên dòng sông Sê San và khu vực miền Trung cùng với nhà máy thuỷ điện phía Lào lên  hệ thống điện 500kV Bắc – Trung – Nam, mặc dù đã được xây dựng và mở rộng Trạm 500kV Pleiku với nhiều giai đoạn, nhưng TBA 500kV Pleiku vẫn phải thường xuyên làm việc quá tải, dẫn đến nguy cơ sự cố có thể xảy ra. 

Ông Hồ Công nhớ lại, trước tình hình đó, TBA 500kV Pleiku 2 được đầu tư xây dựng và đóng điện vận hành vào ngày 4/3/2016 với mục tiêu đảm bảo trục truyền tải 500kV Bắc - Trung – Nam vận hành an toàn, tin cậy và giảm tổn thất điện năng.

Đồng thời, tăng năng lực truyền tải của đường dây 500kV mạch kép Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông; giảm nguy cơ sự cố và giảm áp lực vận hành cho TBA 500kV Pleiku hiện có.

Ngoài ra trạm mới còn tăng cường lưới điện truyền tải Việt Nam - Lào; trong đó có việc đấu nối để tiếp nhận nguồn công suất từ Lào về Việt Nam. 

Đến năm 2018, tổng lượng điện năng truyền tải qua 2 TBA 500kV Pleiku và Pleiku 2 là 72,1 tỷ kWh.

Sau 25 năm, tổng lượng điện năng truyền tải đã tăng từ 801 triệu kWh (năm 1994)  lên đến 72,1 tỷ kWh (năm 2018).

Trong những tháng đầu năm 2019, lượng điện năng truyền tải qua hai TBA 500kV này vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo ông Công, sau 25 năm, công nghệ đã thay đổi như các thế hệ bảo vệ rơ le nhiều tính năng, SCADA, hệ thống định vụ sự cố, đo đếm năng lượng, các máy đo xa phát nhiệt, khoảng cách đo xa phát hiện các sự cố có thể xảy ra… để đáp ứng công tác vận hành, dự báo, điều hành quản lý. Tuy nhiên, người công nhân truyền tải lại có kinh nghiệm vận hành nhiều hơn. 

Qua gần 25 năm các đơn vị truyền tải ra đời và vận hành lưới điện 500kV trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư hạn chế trong khi cần thay thế nhiều thiết bị đã vận hành lâu năm.

Các Công ty truyền tải điện còn phải nâng cao hoạt động truyền tải theo pháp luật điện lực trong việc phối hợp tham gia đầu tư hoặc giám sát đưa vào vận hành các đường dây 220kV đấu nối gần 2.000 MW công suất các nguồn thủy điện ở miền Trung tại các vùng tây Thừa thiên - Huế, tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

Các Công ty truyền tải điện cũng phải giám sát và khai thác các đường dây 220kV đấu nối sau các trạm 500kV để góp phần tiếp nhận nguồn thủy năng, cung cấp điện cho các trạm 220-110kV trên địa bàn. 

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, trong giai đoạn này cùng với việc tiếp nhận vận hành thêm 2 trạm 500kV Dốc Sỏi  (công suất 450 MVA) và Thạnh Mỹ (900 MVA), Công ty trang bị nâng cấp hệ thống tụ bù dọc 2000 A và kháng bù ngang ở các trạm 500kV Hà Tĩnh, Vũng Áng, Đà Nẵng, Pleiku, Thạnh Mỹ để tăng khả năng tải của hệ thống 500kV và đảm bảo ổn định điện áp của các đoạn đường dây 500kV Bắc - Nam và đường dây 500kV mạch 2 Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng. 

Trong 25 năm vận hành đường dây 500kV mạch 1, ngoài việc thường xuyên theo dõi, kịp thời phản ánh đến các cấp điều độ điều chỉnh phương thức phù hợp nhằm giảm tổn thất cũng như hạn chế truyền tải quá cao trên đường dây 500kV và hạn chế điện áp thấp tại các nút 220kV, 500kV, Công ty còn tập trung quán triệt các đội đường dây, công nhân vận hành chấp hành các quy trình vận hành, sửa chữa đường dây. 

“Bên cạnh đó, Công ty còn tập trung quản lý, sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các đường dây truyền tải 500kV, 220kV, đặc biệt là đường dây 500kV trong bối cảnh công suất truyền tải cao liên tục để cấp điện cho hai miền Nam - Bắc và khu vực”, ông Phong cho biết.

Bài 3: Nâng cao trách nhiệm phối hợp và bảo vệ

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 vào vận hành không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất mà còn là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hệ thống điện Việt Nam.

Bnews_500M1_130519_7.jpg
Các công ty truyền tải điện thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền bào vệ an toàn đường dây 500kV. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào vận hành là công trình không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất, đây còn là bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. 

Những kỷ lục được lập nên như về độ dài của đường dây lên đến 1.500 km, thời gian xây dựng chỉ có 2 năm…, xứng đáng là kỳ tích, là những mốc son trong lịch sử phát triển, xây dựng của ngành truyền tải nói riêng và của ngành điện nói chung. 

Song song với quản lý vận hành đường dây, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác bảo vệ công trình hệ thống điện 500kV, các Công ty truyền tải điện còn phối hợp cùng Ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, Sở Công Thương, Phòng An ninh kinh tế - Công an các tỉnh tổ chức các hội nghị nhằm đề ra việc triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ hành lang lưới điện cao áp.

Đồng thời ký cam kết bảo vệ an toàn lưới điện cao áp với các cá nhân, tập thể nơi có đường dây truyền tải điện đi qua, lắp đặt biển báo tuyên truyền và phát tờ rơi đến từng hộ dân. 

Bà Yến Lan, Phó Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết, từ khi đường dây 500kV mạch 1 được thi công đến nay, Công an thành phố đã phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 triển khai 7 chốt bảo vệ.

Hàng quý, hai bên đều họp giao ban thông báo tình hình liên quan đến an ninh đường dây để đưa ra các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm. 

“Đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1944/QĐ-TTg  về việc đưa hệ thống truyền tải điện 500kV vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Công an thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Đề án đảm bảo an ninh an toàn hệ thống truyền tải điện 500kV trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bnews_500M1_130519_8.jpg
Phòng An ninh kinh tế-Công an thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát TBA 500kV Đà Nẵng với Công ty Truyền tải điện 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Dự kiến tháng 9 năm nay sẽ ban hành Đề án này, góp phần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo vệ an toàn đường dây”, bà Lan khẳng định. 

Đại úy Phạm Xuân Minh, Đội trưởng Đội An ninh kinh tế tổng hợp (Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Kon Tum) cũng cho biết, sau khi có Quyết định 1944/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 triển khai đề án đảm bảo an ninh, bảo vệ đường dây.

Theo đó, Công tỉnh Kon Tum đã phối hợp xử lý 88 cây cao su nằm ngoài hành lang có nguy cơ ngã đổ vào đường dây 500kV mạch 1.

Đơn vị còn thống kê, rà soát, đánh giá tình trạng của các cây cao su dễ gây sự cố đến đường dây truyền tải thuộc Nông trường cao su Plei Kần, huyện Ngọc Hồi để có biện pháp phối hợp xử lý. 

Từ tháng 3, khu vực Tây Nguyên bước vào mùa làm nương rẫy, do vậy, đơn vị lên kế hoạch phối hợp, tuyên truyền đến đồng bào dân tộc Ba Na, Ê Đê viết các bản cam kết không phát dọn thực bì trong hành lang tuyến đường dây 500kV, không trồng cây cao ảnh hưởng đến an toàn đường dây và xử lý nghiêm các vi phạm. 

Thiếu tá trinh sát an ninh kinh tế Trần Công Hải, Phòng An ninh kinh tế - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, xác định được nhiệm vụ quan trọng của đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói riêng và của đất nước nói chung nên ngay từ đầu khi đường dây đi vào vận hành, Công an thành phố Đà Nẵng đã cử cán bộ cùng với Công ty Truyền tải điện 2 tham mưu, khảo sát và có ý kiến đồng hành cùng bảo vệ an toàn đường dây.

Công ty Truyền tải điện 2 phát hiện các phương thức thủ đoạn ảnh hưởng đến an toàn đường dây và Công an thành phố kiểm chứng, hỗ trợ, cung cấp các biện pháp phòng ngừa. 

Đặc biệt, từ tháng 8/2018, sau khi công bố quyết định 1944/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Công an thành phố Đà Nẵng đã thành lập chốt bảo vệ TBA 500kV Đà Nẵng với 8 cán bộ chiến sỹ trực 24/24 giờ, chia làm 3 ca, 5 kíp.

Thượng úy Trần Phước Vinh, Đội trưởng Tiểu đội chốt bảo vệ TBA này cho biết, Tiểu đội có nhiệm vụ hỗ trợ an ninh trong trạm và bảo vệ an ninh trật tự vòng trong, vòng ngoài trạm. Do vậy, an ninh trong khu vực TBA 500kV Đà Nẵng luôn được đảm bảo. 

Một khó khăn theo như lời Thiếu tá Trần Công Hải nhắc đến đây là công trình an ninh quốc gia nên các vấn đề pháp lý rất quan trọng.

Nếu người dân vẫn sinh sống dưới hành lang an toàn đường dây thì sẽ phải cấu thành yếu tố hình sự nhưng hiện nay thì chúng ta vẫn tập trung tuyên truyền là chính. Do vậy rất khó có để người dân tuân thủ không vi phạm. 

Bnews_500M1_130519_9.jpeg
Cán bộ Phòng An ninh kinh tế-Công an tỉnh Kon Tum cùng công nhân Truyền tải điện Kon Tum kiểm tra, bảo vệ đường dây 500kV mạch 1. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nhìn nhận lại qua hơn 20 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện, đặc biệt trong phối hợp bảo vệ Hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia  (EVNNPT) và Tổng cục An Ninh - Bộ Công An cùng lực lượng công an các cấp đã đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện lưới điện 500kV nói riêng và Hệ thống truyền tải điện Quốc gia nói chung. 

Qua công tác phối hợp với lực lượng công an, một số đối tượng trộm cắp phụ kiện lưới điện đã bị bắt và đưa ra xét xử với các mức án khác nhau, qua đó đã có tác động tích cực trong việc tuyên truyền người dân không vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, phòng, ngừa được các đối tượng xấu phá hoại, trộm cắp, gây mất an toàn lưới điện cao áp. 

Gần một phần tư thế kỷ trôi  qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến đường dây 500kV mạch 1 trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, Hệ thống điện Quốc gia đã có thêm 2 đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia. 

Có thể nói nếu như tuyến đường dây mạch 1 là bản hùng ca của ý chí và khí chất của con người Việt, thì mạch 2, rồi mạch 3 đã thể hiện được sự tiếp nối thành công của các thế hệ những con người đi nối kết mạch điện trên toàn quốc.

Đó là sự trưởng thành vượt bậc khi cả hai công trình mạch 2 và mạch 3 đều do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu. 

Câu trả lời từ thực tế đã khẳng định đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao như thế./. ​

Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện