Bảo đảm nguồn vốn cho phát triển lưới điện truyền tải

Thứ sáu, 22/5/2015 | 10:00 GMT+7
​Theo kế hoạch được giao, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có trách nhiệm đầu tư phát triển lưới điện truyền tải (LÐTT) bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng năm 2015 khoảng 11,16% và giai đoạn 2016-2019 khoảng 10,8%/năm. Trong giai đoạn 2015-2019, tổng vốn đầu tư xây mới, cải tạo, nâng công suất các công trình LÐTT 500 - 220 kV ước tính 86.715 tỷ đồng, trong đó năm 2015 cần 15.599 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2019 cần tổng nguồn vốn lên tới 71.116 tỷ đồng. Ðây là một bài toán khó đối với EVNNPT.
Bao dam nguon von cho phat trien luoi dien truyen tai_22-5-2015.jpg 
Kiểm tra thông số vận hành máy biến áp tại Trạm biến áp 220 kV Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) do Công ty Truyền tải điện 4 quản lý

Áp lực nặng nề

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Ðặng Phan Tường cho biết, trong năm 2015 và bốn năm tiếp theo, EVNNPT sẽ phải hoàn thành xây dựng mới và cải tạo 43 công trình LÐTT 500 kV với tổng chiều dài đường dây (ÐZ) khoảng 2.450 km và tổng dung lượng trạm biến áp (TBA) khoảng 16.500 MVA; 231 công trình LÐTT 220 kV với tổng chiều dài ÐZ khoảng 6.771 km và tổng dung lượng TBA khoảng 29.425 MVA. Trong đó, có nhiều dự án quan trọng đồng bộ với các nguồn điện đang đầu tư xây dựng, các dự án cải tạo, nâng cao năng lực LÐTT và các dự án có trong danh mục các công trình LÐTT cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua EVNNPT đã tích cực, chủ động tìm kiếm và làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để thu xếp vốn cho các dự án. Từ nay đến năm 2019, bình quân hằng năm EVNNPT đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng cho LÐTT quốc gia, qua đó cho thấy nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, công tác thu xếp vốn của EVNNPT vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như:

Suốt thời gian dài, giá truyền tải điện chỉ bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất hợp lý tối thiểu, chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ, không đủ lợi nhuận để đầu tư phát triển. Do đó, EVNNPT không đủ vốn đối ứng để tham gia các dự án LÐTT dẫn đến tài sản của EVNNPT chủ yếu hình thành từ vốn vay, khả năng tự chủ về tài chính thấp. Kể từ năm 2009 đến nay, giá truyền tải của EVNNPT luôn tăng chậm hơn so với giá bán điện bình quân của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), tỷ trọng giá truyền tải so với giá bán điện ngày càng giảm. Khả năng tự đầu tư của EVNNPT không đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ. Theo Quyết định số 854/QÐ-TTg của Chính phủ yêu cầu từ năm 2015 tỷ lệ tự đầu tư của EVN, trong đó có EVNNPT phải lớn hơn 30%; Nghị định số 75/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định chỉ cho vay tối đa 70%; Luật Quản lý nợ công quy định tỷ lệ đầu tư tối thiểu phải đạt 20%, các ngân hàng yêu cầu EVNNPT có tỷ lệ tự đầu tư từ 20 đến 25%. Trong khi đó, do giá truyền tải quá thấp, không đủ lợi nhuận để đầu tư phát triển. Vì vậy khi các ngân hàng yêu cầu chứng minh nguồn vốn tự có tham gia dự án theo tỷ lệ yêu cầu sẽ gặp khó khăn.

Khả năng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn tại các ngân hàng trong nước bị hạn chế. Các dự án LÐTT của EVNNPT thường có giá trị đầu tư lớn, trung bình khoảng 500 tỷ đồng/dự án, do đó việc tiếp cận vay vốn các ngân hàng trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các ngân hàng nhỏ và trung bình, trong khi đó các ngân hàng lớn có thể xem xét cho EVNNPT vay vốn thì gặp vướng mắc về hạn chế tín dụng theo Luật các tổ chức tín dụng (các ngân hàng không được cho vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng đối với một khách hàng, vượt 25% vốn tự có của ngân hàng đối với một nhóm khách hàng liên quan). Hiện nay, dư nợ của EVNNPT tại một số ngân hàng lớn như: BIDV, Agribank, VCB, Vietinbank, ACB, An Bình, Indovina... đã vượt các giới hạn tín dụng. Khi xem xét cho vay vốn, các ngân hàng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ phê duyệt từng dự án cụ thể.

Việc tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài có thời gian kéo dài và để giải ngân được các nguồn vốn này (trung bình 20 tháng làm thủ tục) thì phải hoàn thiện nhiều thủ tục vay chặt chẽ, liên quan sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, thời gian kéo dài, do đó đối với các dự án cấp bách thì rất khó sử dụng nguồn này nếu không có kế hoạch chuẩn bị trước trong khi việc đầu tư các dự án LÐTT thường hay bị động, phụ thuộc nhiều tiến độ các dự án nguồn điện.

Coi trọng ngoại lực

Trên cơ sở nhu cầu vốn đầu tư trung bình mỗi năm từ 700 đến 900 triệu USD của EVNNPT từ năm 2016 trở đi, theo tính toán, các nguồn vốn ngoại, kể cả nguồn ODA sẽ chiếm tỷ trọng ít nhất 60% tổng nguồn vốn. Việc huy động vốn vay của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)... hiện tương đối thuận lợi. Hiện tại, vốn vay nước ngoài chiếm tỷ trọng 65% tổng nguồn vốn vay của EVNNPT. Tổng công ty được các tổ chức cho vay vốn đánh giá cao bởi thực hiện các dự án đúng tiến độ, chất lượng, giải ngân nhanh, do đó EVNNPT được ưu tiên tiếp cận các khoản vay. Do nhu cầu đầu tư LÐTT lớn, trong khi các nguồn vốn vay trong nước còn hạn chế thì với chi phí vốn thấp và thời gian dài, các nguồn vốn nước ngoài rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu đầu tư LÐTT, góp phần duy trì tình hình tài chính của EVNNPT ổn định, vững mạnh.

Trưởng Ban Hợp tác quốc tế của EVNNPT Lương Lan Dung cho biết, trong các cuộc đàm phán mới đây, các nhà tài trợ chính như ADB và Ngân hàng Tái thiết Ðức (KfW) đều cam kết xem xét tài trợ cho các dự án đấu nối nguồn điện (trước đây hoàn toàn từ chối) với điều kiện xem xét tính tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của ADB đối với các dự án của EVNNPT và của nhà máy điện. ADB có thể xem xét tài trợ cho EVNNPT lên tới 1,2 tỷ USD giai đoạn từ 2016-2025 trên cơ sở EVNNPT cung cấp nhu cầu đầu tư tổng thể của toàn giai đoạn bên cạnh việc triển khai phân kỳ 3 và phân kỳ 4 của khoản vay MFF. Trước mắt, trong giai đoạn 2017-2019, ADB sẽ tài trợ khoảng 600 triệu USD cho EVNNPT chia thành hai khoản vay. Ngân hàng BNP Paribas chấp thuận trước mắt cắt giảm 0,05% lãi suất biên từ 1,45% xuống còn 1,4%; trong tương lai sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể tiếp tục giảm lãi suất biên ở mức cao hơn. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, sẽ xem xét tài trợ cả phần xây lắp của các dự án do EVNNPT đề xuất thay cho việc chỉ tài trợ phần mua sắm vật tư thiết bị như các dự án AFD đã từng tài trợ cho EVNNPT trước đây. AFD cũng có thể sẽ áp dụng hình thức cho vay trực tiếp không cần bảo lãnh của Chính phủ đối với EVNNPT trong vòng hai năm nữa trên cơ sở kiểm chứng kết quả thử nghiệm với EVN và xem xét kết quả hợp tác kỹ thuật tương đương 500 nghìn ơ-rô do AFD cung cấp cho EVNNPT.

Vốn phải đi trước một bước

Ðể đáp ứng yêu cầu đầu tư LÐTT thì công tác thu xếp vốn phải đi trước một bước, đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết là đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án. Trên cơ sở kế hoạch các công trình đóng điện giai đoạn 2015-2019 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hằng năm căn cứ vào thực tế đầu tư của các dự án nguồn điện và phụ tải, thực hiện rà soát để xác định các dự án cần khởi công cho hai năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, trình Bộ Công thương phê duyệt danh mục dự án cấp bách đối với các dự án chưa nằm trong danh mục cấp bách để phục vụ thu xếp vốn. Cần duyệt dự án đầu tư trước thời điểm khởi công là 12 tháng đối với các dự án vay vốn nước ngoài, trước sáu tháng đối với các dự án vay vốn trong nước. Một giải pháp then chốt và căn bản về tài chính là điều chỉnh giá truyền tải điện ở mức hợp lý nhằm đáp ứng tỷ lệ tự đầu tư và tăng khả năng trả nợ của EVNNPT, vừa bảo đảm các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của Chính phủ.

Xác định nguồn vốn ODA đóng vai trò quan trọng, chủ yếu cho đầu tư LÐTT với chi phí vốn thấp và thời gian vay dài, Chính phủ và các bộ, ngành cần tạo điều kiện ưu tiên EVNNPT tiếp cận các nguồn vốn này thời gian tới, đồng thời hỗ trợ EVNNPT trong quá trình hoàn thiện các thủ tục vay vốn ODA, cụ thể: Cần có chính sách huy động vốn ODA phù hợp với đặc thù các dự án lưới điện, đặc biệt đối với các dự án cấp bách. Thông qua các nguồn vốn "vay bắc cầu" khi khoản vay ODA đang làm thủ tục thu xếp vốn như vốn trái phiếu, vốn vay ngân hàng trong nước. Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo điều kiện để các nhà tài trợ chấp thuận tài trợ các dự án mà EVNNPT chủ động phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu để bảo đảm tiến độ dự án.

Ðến thời điểm hiện nay, việc bảo lãnh của EVN cho EVNNPT vay vốn tại các tổ chức tín dụng đã tiệm cận vốn điều lệ của EVNNPT (lũy kế bảo lãnh là 22.255 tỷ đồng trên vốn điều lệ 22.260 tỷ đồng). Hầu hết đây là các khoản bảo lãnh của EVN cho EVNNPT để vay vốn ODA và các nguồn vốn nước ngoài theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Do đó, trong thời gian tới, nếu Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu phải có bảo lãnh của EVN cho EVNNPT để thực hiện các khoản vay nước ngoài thì EVNNPT sẽ không thể tiếp cận được các nguồn vốn này. Vì vậy, để kịp thời huy động vốn bảo đảm tiến độ các dự án, EVNNPT kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét không yêu cầu cấp bảo lãnh EVN cho EVNNPT khi thực hiện vay lại các khoản vay ODA và vay ưu đãi theo các hiệp định vay của Nhà nước, Chính phủ trong thời gian tới./.

Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2015 được dự báo sẽ đạt 140 tỷ kW giờ và tăng lên 211 tỷ kW giờ vào năm 2019. Trong đó, miền nam luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 50% tổng phụ tải cả nước, tiếp đó là hệ thống điện miền bắc. Khu vực miền trung có nhu cầu điện chiếm gần 10% toàn quốc. Ðiện sản xuất toàn hệ thống năm 2015 và 2019 dự kiến có mức 158 tỷ kW giờ và 240 tỷ kW giờ. Giai đoạn 2015-2019, điện sản xuất và thương phẩm toàn quốc tăng trưởng bình quân 10,8%/năm (trong đó các miền bắc, trung, nam tăng trưởng lần lượt là 11,5%, 11,6% và 10,1%/năm).

Bài và ảnh: Tùng Bảo
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện