Chủ tịch HĐTV EVNNPT tham dự Hội nghị cấp cao của Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) lần thứ 2

Thứ năm, 29/11/2018 | 22:55 GMT+7
​Chiều ngày 26/11/2018, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường đã tham dự Hội nghị cấp cao của Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) lần thứ 2 được tổ chức tại Khách sạn Melia – Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An; Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

VEPG được Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế chính thức thành lập vào tháng 6/2017 bao gồm Ban chỉ đạo, Ban Thư ký và 05 Nhóm Công tác Kỹ thuật (TWG) được thành lập theo từng chuyên đề trọng tâm trong 5 lĩnh vực ưu tiên, lần lượt: (i) Năng lượng tái tạo; (ii) Hiệu quả năng lượng; (iii) Tái cấu trúc ngành năng lượng; (iv)Tiếp cận năng lượng; và (v) Dữ liệu và thống kê năng lượng với mục tiêu chung là hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Các hội nghị cấp cao của VEPG được tổ chức hàng năm, tập trung vào thiết lập và duy trì đối thoại chính sách trong ngành năng lượng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong khuôn khổ hợp tác của VEPG.

Hội nghị là sự kiện quan trọng tập hợp các đối tác cao cấp trong ngành năng lượng Việt Nam nhằm mục tiêu thảo luận về các nội dung ưu tiên có liên quan đến chính sách năng lượng hiện nay cũng như trong tương lai và quá trình qui hoạch phát triển ngành.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 200 đại diện cấp cao bao gồm các đại sứ và đại diện các Bộ ngành, các tổ chức Quốc tế, đại sứ quán các nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng trong nước và quốc tế như: Bộ Công thương, Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới…

VEPG_291118_1.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chụp ảnh cùng đại biểu tại Hội nghị (Ảnh: laodongthudo.vn)

Đại diện cho Bộ Công thương, trong vai trò thành viên Ban chỉ đạo, Thứ Trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cùng với Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu khai mạc Hội nghị và ghi nhận giá trị của những đề xuất chính sách của các Nhóm Công tác Kỹ thuật đối với sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.

Tại Hội nghị, đại diện 05 Nhóm Công tác Kỹ thuật (nhóm 1 - 5 ) lần lượt trình bày các khuyến nghị chính sách cụ thể ứng với 05 chuyên đề trọng tâm đã được các nhóm nghiên cứu, tập hợp, đối thoại giữa các thành viên của các nhóm trong một năm qua.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành điện Việt Nam trong việc đấu nối với hệ thống truyền tải, quản lý cũng như sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này, các đại biểu đã dành nhiều thời gian tập trung trình bày, trao đổi các vấn đề xoay quanh nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời với những đề xuất cụ thể, hướng tới xây dựng ngành năng lượng Việt Nam theo cơ chế thị trường, có khả năng hội nhập và thích ứng cao:

+ Tập trung vào các nguồn năng lượng gió và năng lượng mặt trời như nguồn năng lượng tái tạo (RE) có tiềm năng cao nhất;

+ Rà soát cơ chế ưu đãi hiện hành (PPA và FiT cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời);

+ Các yếu tố thiết kế cơ bản đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong đấu giá;

+ Lộ trình chuyển đổi sang cơ chế đấu giá;

+ Tích hợp nguồn năng lượng tái tạo không ổn định vào lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần xem xét các yếu tố và giải pháp tổng thể từ góc độ vĩ mô để tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo:

- Việc đầu tư mở rộng lưới điện nên xem xét cơ hội phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại các vùng có tiềm năng kỹ thuật cao (đã tháo gỡ được các vướng mắc);

- Chỉ định các khu vực cho nguồn năng lượng tái tạo (ví dụ: phù hợp với chiến lược đấu giá);

- Qui hoạch điện lực và phát triển năng lượng tái tạo: tăng tần suất cập nhật qui hoạch điện lực quốc gia (PDP). PDP phải tuân theo một mô hình tối ưu hóa toàn diện và tích hợp bao gồm quy hoạch lưới điện và công suất RE;

- Việc rà soát các qui định về lưới điện cần xem xét các yếu tố về sự bất ổn định của RE. Hiện tại, tổng quy mô các dự án đề xuất đã vượt cả mục tiêu đặt ra tạo ra những thách thức lớn về vấn đề truyền tải các nguồn RE vào hệ thống điện quốc gia. Quy hoạch điện VII đã chỉ ra sự thiết yếu của việc đầu tư vào lưới truyền tải điện linh hoạt và tự động hóa cao cũng như việc phát triển các trạm biến áp và trạm biến áp không người trực… Khi Việt Nam chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng tái tạo vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán không liền mạch sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lưới truyền tải điện. Để giải quyết vấn đề này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trong các tài liệu về phát triển chính sách, mà còn cần lựa chọn công nghệ phù hợp. Công nghệ sẽ giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán và dòng điện đa hướng.

- Nên đưa các khoản đầu tư vào kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn để huy động đủ nguồn vốn công và nguồn vốn vay ưu đãi.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định hội nghị đã đưa ra những khuyến nghị chính sách, những thông điệp rất quan trọng và ý nghĩa góp phần phát triển ngành năng lượng Việt Nam đặt trong chiến lược lược phát triển bền vững và trong mối tương quan về trách nhiệm toàn cầu. Thứ trưởng cũng cho biết Việt Nam chính thức thông qua các khuyến nghị chính sách và cam kết thực hiện các khuyến nghị và sẽ lồng ghép những nội dung này trong quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển ngành năng lượng trong thời gian sắp tới./.

Lương Lan Dung – Trưởng Ban QHQT