Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện - Bài 2... đến thực tiễn

Thứ sáu, 2/4/2021 | 09:38 GMT+7
Trên thực tế, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tiền đề của quá trình chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong 5 năm qua (2015-2020).

Để thực hiện nhiệm vụ này, EVNNPT đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều đề án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) và công nghệ thông tin (CNTT) như Đề án: “Lưới điện thông minh của EVNNPT”, “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại EVNNPT”; hoàn thành xây dựng và đang tích cực triển khai Chiến lược Ứng dụng và Phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết, nhiều dự án, đề án về ứng dụng KHCN đã được triển khai trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và mang lại hiệu quả cao như: Chuyển 60,8% trạm biến áp (TBA) 220kV sang vận hành theo tiêu chí không người trực; Ứng dụng thiết bị bay không người lái kiểm tra đường dây; Trang bị hệ thống định vị sự cố cho 69 đường dây quan trọng. Hay đưa vào ứng dụng hệ thống quan trắc cảnh báo sét, thiết bị giám sát bản thể máy biến áp cho 4 máy biến áp 500kV, giám sát dầu trực tuyến cho toàn bộ các máy biến áp và kháng điện 500kV, hoàn thành hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm; đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật...

Tổng công ty cũng xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành nhiều dự án CNTT quan trọng như xây dựng hệ thống WAN, Data Center.... Đồng thời triển khai các ứng dụng phần mềm nghiệp vụ như: Phân hệ Chấm công và phân hệ Quản lý hiệu quả công việc theo chỉ số KPIs; phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng; nâng cấp website; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và cổng thông tin nội bộ; triển khai hệ thống E-office phiên bản 3.0; xây dựng hệ thống quản lý giám sát từ xa hệ thống truyền dẫn quang. Hiện hệ thống hạ tầng CNTT và các phần mềm nghiệp vụ luôn ổn định, an toàn, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành của EVNNPT.

Nội dung về chuyển đổi số luôn được đề cập tại các buổi làm việc của lãnh đạo EVNNPT với các đơn vị truyền tải điện

Thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong EVNNPT”, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã chủ động triển khai số hóa toàn bộ dữ liệu và hồ sơ quản lý kỹ thuật trong vận hành đường dây; Số hóa dữ liệu bản vẽ thiết kế, cấu hình role bảo vệ, sơ đồ kênh bảo vệ, kênh thông tin SCADA, mạng WAN trong trạm biến áp (TBA). Đồng thời, xây dựng cẩm nang vận hành điện tử như: tổng hợp các kinh nghiệm vận hành, theo dõi, đánh giá thiết bị; tài liệu tổng hợp “sự cố, nguyên nhân và cách xử lý” để các đơn vị học tập, tra cứu, rút kinh nghiệm mang tính hệ thống. Công ty cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ tri thức chuyên gia trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật.

Ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc PTC1 cho biết, cùng với việc thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích hình ảnh phân tán cảnh báo hành lang (tự động gửi tin nhắn) hướng đến bài toán cụ thể là: phương tiện giao thông, vật thể diều bay, cảnh báo khói cháy rừng vi phạm hành lang đường đường dây; ứng dụng triệt để thiết bị bay không người lái (UAV) trong kiểm tra đường dây và thu thập ảnh mẫu, PTC1 còn quản lý kế hoạch đăng ký cắt điện, quản lý công tác xử lý sự cố với Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), quản lý thiết bị dự phòng trên lưới truyền tải điện, quản lý phiếu thao tác mẫu điện tử.

“Thời gian tới Công ty sẽ tập trung thử nghiệm ứng dụng mô hình máy học phân tích chuyên sâu trong theo dõi thống kê tổn thất dựa trên dữ liệu MDMS”, Giám đốc PTC1 cho hay.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ giám sát thiết bị Viễn thông và Công nghệ thông tin thông qua hệ thống HMI kết nối mạng WAN PTC1, số hóa trong quản trị tài sản viễn thông công nghệ thông tin; số hóa 100% dữ liệu và quản lý phòng cháy chữa cháy; số hóa theo dõi hồ sơ quản lý đất đai....

Hiện Công ty đã ứng dụng 100% các phần mềm dùng chung trong quản trị doanh nghiệp. Đồng thời có sử dụng các ứng dụng PTC1 phát triển trên cơ sở dữ liệu chung của EVNNPT. Phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS) dùng chung trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 100% gói thầu được thực hiện đấu thầu qua mạng; ứng dụng hệ thống hội nghị truyền hình cho 100% các cuộc họp giữa Công ty và đơn vị. 100% văn bản được phát hành và chỉ đạo thông qua hệ thống E-Office. Cập nhật dữ liệu hồ sơ lên hệ thống thư viện điện từ EVNNPT. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên web home.ptc1.evn.npt.vn; Bước đầu mobile hóa trang web.

Ngoài ra, Công ty đã phối hợp với các đơn vị ngoài nhằm từng bước hoàn thiện phương án chuyển đổi số. Cụ thể như phối hợp với khoa Điện tử viễn thông - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc lên phương án phân tích xử lý ảnh thiết bị và hành lang đường dây truyền tải điện. Tham khảo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội-Viettel trong quản lý và tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp. Hay tham khảo nội dung đào tạo chuyên gia trong AI, Bigdata, Cloud Computing…

Là đơn vị Truyền tải điện lớn thứ 2 trong PTC1, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã tập trung áp dụng KHCN vào mọi lĩnh vực của sản xuất, từng bước tiếp cận và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong toàn đơn vị.

Theo đó, Truyền tải điện Đông Bắc 3 cập nhật đầy đủ thông tin, báo cáo trên các phần mềm dùng chung như: PMIS, MDMS, phần mềm quản lý đường dây, quản lý phiếu thao tác mẫu, giám sát đầu tư xây dựng, quản lý sửa chữa lớn, sữa chữa thường xuyên…, góp phần giảm các báo cáo liên quan đến thống kê dữ liệu. Hiện nay toàn bộ các trạm biến áp (TBA) của đơn vị đã sử dụng sổ thông số vận hành điện tử, các dự liệu về thông số lưu trữ đầy đủ trên phần mềm PMIS.

Ông Vũ Tất Thành, Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 cho biết, toàn bộ văn bản đều được ký số và chuyển theo đường E-Office. Các văn bản, tài liệu hầu hết đã được lưu trữ ở dạng file mềm (SCAN).

Trong giám sát thiết bị TBA, đối với các TBA đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát, đơn vị phát huy tối đa hệ thống này trong việc kiểm tra thiết bị trạm, giám sát an ninh. Đồng thời sử dụng thiết bị giám sát dầu online cho các máy biến áp (MBA), máy kháng 500kV và các MBA 220kV có hàm lượng khí tăng. Đối với MBA 220kV sử dụng thiết bị giám sát online có thể di chuyển được để có thể thay đổi khi cần thiết.

Đối với giám sát tổng thể thiết bị, hiện nay Truyền tải điện Đông Bắc 3 đang lắp đặt thí điểm đối với MBA 500kV AT1 và máy cắt K501 tại trạm 500kV Hiệp Hòa; MBA 220kV AT1, AT2 tại trạm 220kV Phú Bình.

Hiện nay Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã mua sắm, cấp cho các TBA bộ camera di động có kết nối 3G phục vụ giám sát các đội công tác nhằm có thể giám sát từ xa, hỗ trợ nhân viên giám sát tại chỗ, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề nguy cơ mất an toàn.

Truyền tải điện Đông Bắc 3 cũng lắp đặt 7 camera giám sát tại 7 vị trí cột trên 5 đường dây (khu vực có phong trào người dân chơi thả diều). Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 cho rằng việc sử dụng camera giám sát có hiệu quả cao trong việc kiểm tra, giám sát đường dây thường xuyên và từ xa. Tuy nhiên nhược điểm là chi phí đầu tư cao do khối lượng đường dây lớn và phải trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời, ắc quy công suất lớn mới đáp ứng được vận hành vào ban đêm và trong điều kiện trời mưa.

Đơn vị còn áp dụng flycam trong kiểm tra đường dây. Hiện nay Truyền tải điện Đông Bắc 3 có 1 flycam đang sử dụng cho kiểm tra các vị trí khó quan sát bằng mắt, các khiếm khuyết trên đường dây mang điện. Việc sử dụng flycam kiểm tra đường dây sẽ giảm được công sức công nhân trong kiểm tra đường dây và có thể kiểm tra chi tiết phụ kiện mang điện trong điều kiện không cắt điện. Tuy nhiên flycam phải đáp ứng được yêu cầu về quãng đường di chuyển và thời gian vận hành (sau mỗi lần sạc pin) nhằm có thể áp dụng với các đường dây khu vực miền núi.

Cùng với đó, ngay từ năm 2015, đơn vị còn áp dụng chụp ảnh kiểm tra định kỳ đường dây. Qua thực hiện cho thấy hiệu quả trong việc kiểm soát kiểm tra định kỳ của các nhóm công tác, sử dụng hình ảnh để lãnh đạo đội Truyền tải điện, đơn vị kiểm soát tình hình trên các tuyến đường dây.

Với đặc điểm địa bàn các đơn vị trực thuộc xa, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã trang bị 7 bộ thiết bị phục vụ họp trực tuyến tại trụ sở đơn vị và 6 đơn vị trực thuộc là Thái Nguyên, Bảo Lâm, Cao Bằng, Hà Giang, Hiệp Hòa, Bắc Giang, góp phần giảm thời gian di chuyển và đảm bảo sản xuất tại các đơn vị. Đồng thời, đơn vị còn tạo các nhóm Zalo nhằm chuyển các chỉ đạo, thông tin nhanh chóng cũng như nhận kịp thời các báo cáo, phản hồi từ các đơn vị trực thuộc.

Lãnh đạo các Truyền tải điện  cũng cho rằng với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng KHCN như hiện nay trong lĩnh vực truyền tải điện sẽ tiến tới các đơn vị giảm được khối lượng kiểm tra, giám sát tăng theo các năm và giảm được định mức lao động, vấn đề các Truyền tải điện đang gặp khó hiện nay.

“Thời gian tới các đơn vị trong Tổng công ty cũng tiếp tục ứng  dụng KHCN từng bước trong quản lý, vận hành nhưng vấn đề quan trọng vẫn là yếu tố con người khi ứng dụng như thế nào để đảm bảo chất lượng và an toàn”, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng nhấn mạnh./.

Mai Phương