Đề tài “Vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện bằng nước áp lực cao”

Thứ tư, 16/5/2012 | 16:00 GMT+7
Hệ thống truyền tải điện 220 – 500 kV của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) hầu hết chạy theo dọc dãy Trường Sơn và vùng núi cao. Nơi đây do đặc thù thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, độ ẩm cao cùng với bụi đất đỏ Bazan nên rêu và bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hệ thống, trong khi đó bảo đảm cho hệ thống lưới điện truyền tải vận hành an toàn, liên tục là nhiệm vụ hàng đầu của PTC3.​

Anh Nguyễn Văn Xuân – Phó Giám đốc PTC3 và anh Nguyễn Trí Dũng đã ngày đêm trăn trở tìm biện pháp làm thế nào để vệ sinh được cách điện nhiễm bẩn, giảm được phóng điện, tránh được sự cố, nhưng không để hệ thống bị gián đoạn. Cuối cùng, anh Xuân và các các cộng sự của mình mạnh dạn đăng ký nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao” nhằm mục đích giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm bẩn cách điện. Chính những chủ động sáng tạo trong lao động, đề tài khoa học này đã được ghi dấu ấn khi đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2011.
Theo anh Nguyễn Văn Xuân – Phó giám đốc PTC3: Trước khi thực hiện đề tài này, biện pháp duy nhất hiện nay để giải quyết việc nhiễm bẩn cách điện  là Cắt điện đường dây, công nhân vệ sinh thủ công từng bát sứ một. Việc vệ sinh thủ công này rất tốn kém và tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn là bài toán nan giải của những người làm công tác quản lý kỹ thuật lưới điện quốc gia vì gây bất lợi cho vận hành hệ thống, đặc biệt là đường dây 500 kV, nếu tách lưới sẽ tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết ở các nước phát triển việc vệ sinh cách điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện), bằng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao. Trong khi đó điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, kinh phí của ngành Điện còn eo hẹp, việc đầu tư trang bị công nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh cách điện hotline hiện đại của nước ngoài là bất khả thi trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu một giải pháp vệ sinh cách điện hotline lưới truyền tải, phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả năng tài chính của ngành Điện là hướng suy nghĩ táo bạo và đầy sáng tạo của những cán bộ kỹ thuật PTC3.
Trong quá trình triển khai ứng dụng đề tài khoa học này, thường xuyên làm việc với điện luôn nguy hiểm và trong môi trường làm việc với điện siêu cao áp càng nguy hiểm gấp bội phần. Vì vậy, vấn đề an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị phải luôn đặt lên hàng đầu và đây chính là yếu tố quyết định khi áp dụng đề tài. Việc vệ sinh sứ cách điện bằng giải pháp hotline trên lưới điện truyền tải Quốc gia là công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, nên chưa có qui trình qui phạm để tuân thủ, chưa có tài liệu kỹ thuật để tham chiếu. Vì vậy, đòi hỏi PTC3 phải đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu từ đầu. Từ cơ sở lý thuyết đến thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, từ thử nghiệm điều khiển từ xa không người đến thử nghiệm thực tế có người tiếp xúc tại hiện trường.
Sau hơn hai năm nghiên cứu và thực nghiệm thành công trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 220 kV, 500 kV đang mang điện, nhóm đề tài đã mạnh dạn đề xuất triển khai thực hiện vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng công nghệ bắn rửa nước áp lực cao tại các loại cột đỡ, néo của đường dây và các thiết bị, máy biến áp 220 – 500 kV. Cụ thể ngày 21/4/2010, tại Trạm biến áp 220 kV Nha Trang, PTC3 đã thử nghiệm thành công vệ sinh cách điện đường dây 220 kV Tuy Hoà – Nha Trang đang mang điện; ngày 3/5/2010, tại TBA 500 kV Pleiku, đã thử nghiệm thành công vệ sinh hotline cấp điện áp 500 kV; ngày 18/6/2010, thử nghiệm thành công vệ sinh hotline thiết bị trong TBA 220 kV Nha Trang (bao gồm máy cắt, chống sét van, dao cách ly, biến điện áp, biến dòng điện và MBA 220/110 kV).

Ve sinh hotline MBA 220kV.jpg

Công nhân PTC3 vệ sinh máy biến áp 220 kV bằng đề tài Vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện bằng nước áp lực cao”

 

Để có cơ sở tổ chức kiểm tra, xem xét công nhận đề tài khoa học của nhóm tác giả của PTC3, ngày 16/6/2010, tại Ban Mê Thuột, ông Nguyễn Đức Cường – Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến NPT, ông Ngô Kế Nghiệp – chuyên viên Cục An toàn Bộ LĐTB&XH cùng các ban chuyên môn của NPT đã đến hiện trường trực tiếp kiểm tra, theo dõi PTC3 thực hiện đề tài vệ sinh sứ cách điện tại vị trí 56 đường dây 220 kV Krông Bút – Buôn Kuốp và vị trí 2702 đường dây 500 kV Pleiku – Phú Lâm khi đường dây đang mang điện. Công việc được công nhân PTC3 thực hiện nhanh chóng, thành công và an toàn tuyệt đối (mỗi chuỗi cách điện 500 kV chỉ bắn rửa trong 30 giây và chuỗi 220 kV trong 15 giây).

 

giai nhi .jpg

Đồng tác giả Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Trí Dũng – Công ty Truyền tải điện 3 nhận giải Nhì Đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam Vifotec năm 2011.


Đảm bảo vận hành an toàn liên tục lưới điện truyền tải chính là là kết quả của đề tài “Vệ sinh sứ cách điện khi đang mang điện bằng nước cao áp” của đồng tác giả Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Trí Dũng PTC3. Ngoài giải nhì, đề tài còn được trao tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo, Kỷ niệm chương Tuổi trẻ sáng tạo.
 

Quang Thắng