Đo hệ thống tiếp địa đường dây truyền tải hiện có nhằm tìm giải pháp cải tiến hơn

Thứ năm, 27/8/2015 | 08:00 GMT+7
​Ngày 21/8/2015, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và công ty SEFTIM của Pháp đã có chuyến công tác hiện trường, tiến hành đo đạc hệ thống tiếp địa tại một số vị trí cột của đường dây (ĐZ) 220kV Tràng Bạch - Hoành Bồ (mạch 2). Cùng với chuyên gia SEFTIM, Đoàn công tác EVNNPT gồm có Ban Kỹ thuật, Ban Hợp tác quốc tế, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), Truyền tải điện Đông Bắc 1 và Đội Truyền tải điện Hạ Long.

SEFTIM là công ty có trên 50 năm kinh nghiệm về nghiên cứu chống sét, quản lý rủi ro về sét, đại tu, bảo dưỡng hệ thống điện, sản xuất thiết bị chống sét trên lưới điện cao áp. Công tác thực địa này được thực hiện dựa trên kết quả chuyến công tác của lãnh đạo EVNNPT làm việc với các Doanh nghiệp Pháp vào tháng 7/2015. SEFTIM cử chuyên gia đến Việt Nam hỗ trợ EVNNPT thực hiện đo đạc nhằm nghiên cứu, phân tích hệ thống tiếp địa, chống sét hiện có của EVNNPT và đề xuất giải pháp nhằm cải tiến hệ thống.

Với ĐZ 220kV Tràng Bạch - Hoành Bồ (mạch 2), Đoàn công tác đã thực hiện đo đạc hệ thống tiếp địa tại một vài vị trí cột có địa hình khác nhau: 84, 96 và 111. Vị trí cột 84 cho kết quả đo tốt, do có điều kiện địa hình thuận lợi, nằm ở đồng bằng. Vị trí 96 và vị trí 111 cho kết quả kém hơn, chưa sát với quy định theo như nhận định của chuyên gia SEFTIM. Tuy nhiên, đây là hai vị trí đặc biệt, nằm ở vùng đồi cao, địa hình phức tạp, thời gian đo thực hiện vào thời điểm nắng nóng cao điểm trong ngày (>420C) do vậy kết quả đo cho thấy tổng trở ở mức cao. Theo đánh giá ban đầu của ông Anthony Bergot - chuyên gia kỹ thuật của công ty SEFTIM, dưới các chân cột thuộc vị trí 111 có nhiều than đá, ít đất, dẫn đến tiếp địa kém, khả năng chống sét của các dây tiếp địa chưa đạt chuẩn. Chuyên gia SEFTIM đưa ra một số khuyến cáo ban đầu như: cần tạo mạch vòng đối với các dây tiếp địa dưới lòng đất, thay đổi địa chất, bổ sung lượng đất thích hợp dưới các chân cột nhằm làm tăng khả năng tiếp địa và giảm tổng trở, và nếu đã tạo mạch vòng tiếp địa mà số liệu đo được chưa cho kết quả tốt thì cần thêm cọc tiếp địa để đạt kết quả khả quan hơn.

Tuy nhiên, đánh giá nêu trên chỉ là nhân định ban đầu dựa trên kinh nghiệm thực tế của chuyên gia SEFTIM. Kết luận chuẩn xác có thể được đưa ra sau khi SEFTIM có báo cáo về kết quả phân tích các chỉ số đo đạc gửi cho EVNNPT, bao gồm các khuyến cáo nhằm cải tiến hệ thống tiếp địa đường dây. Kết quả cuối cùng thu được sau chuyến công tác và khuyến cáo của SEFTIM sẽ là cơ sở để EVNNPT xem xét, nghiên cứu áp dụng nếu phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cũng như xem xét khả năng hợp tác lâu dài hơn giữa hai bên trong tương lai./.

Một số hình ảnh làm việc tại hiện trường:

SEFTIM_2682015_1.jpg
SEFTIM_2682015_2.jpg
SEFTIM_2682015_3.jpg
SEFTIM_2682015_6.jpg

SEFTIM_2682015_5.jpg

Nguyễn Thị Anh - Ban HTQT