Người công nhân truyền tải làm dân vận khéo

Thứ hai, 16/9/2019 | 13:03 GMT+7
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh công tác dân vận là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Người khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Đối với nghề truyền tải điện, do đặc điểm các đường dây chạy dài qua nhiều địa hình, địa bàn dân cư khác nhau, nên để làm tốt công tác quản lý vận hành, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công nhân không chỉ giỏi về kỹ thuật chuyên môn mà còn phải là những cán bộ dân vận khéo. Mỗi người công nhân phải luôn trau dồi kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động khi tiếp xúc, quan hệ với nhân dân từ lời nói đến việc làm, nhằm thông tin hình ảnh, văn hoá doanh nghiệp truyền tải điện với xã hội; có nghĩa vụ tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn hành lang đường dây; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ lưới điện cao áp.

Tuyên truyền người dân ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang an toàn lưới điện

Mặc dù công tác dân vận được coi là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ bắt buộc, nhưng để vận dụng thực tế khi tiếp xúc, giải quyết những va chạm, vướng mắc với người dân, không phải ai cũng có thể làm tốt. Nhiều năm qua, anh Cao Ngọc Huyền, công nhân bậc 6/7 của Đội Truyền tải điện Đồng Hới, Truyền tải điện Quảng Bình là người nổi bật trong công tác tuyên truyền vận động nhân nhân, luôn được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý các “điểm nóng” trên tuyến.

Khi trò chuyện với anh Ngô Văn Quyết, Đội trưởng Đội Truyền tải điện Đồng Hới về tấm gương làm dân vận khéo của đơn vị, anh kể: Anh Huyền thuộc thế hệ “lính 500 mạch 1”, có thâm niên tuổi nghề, tuổi đời thuộc lứa đàn anh trong Đội. Với tính tình điềm đạm, gương mặt hiền lành, đôn hậu, cách nói chuyện chân thành dễ tạo cảm giác thân thiện khi tiếp xúc với mọi người… Những vụ việc nổi bật về công tác tuyên truyền vận động nhân dân mà a Huyền được giao nhiệm vụ có thể kể đến, đó là: Năm 2005, khi đường dây 500kV mạch 2 mới đưa vào vận hành, toàn tuyến Truyền tải điện Quảng Bình quản lý còn vướng mắc về việc giải phóng đền bù hành lang với bốn hộ dân khu vực phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới. Đặc biệt, vườn bạch đàn nằm ngay dưới tuyến đường dây của hộ gia đình bà Nguyễn Thị H. Sau những nỗ lực vận động của chính quyền và các ban ngành liên quan, gia đình chỉ đồng ý cho chặt ngọn đảm bảo khoảng cách theo quy định. Việc này gây khó khăn rất lớn cho đơn vị quản lý khi phải thường xuyên theo dõi khoảng cách vi phạm, vì với cây bạch đàn khi chặt ngọn sẽ đâm cành phát triển tốc độ rất nhanh. Lúc này anh Cao Ngọc Huyền được giao nhiệm vụ quản lý đoạn tuyến. Sau một thời gian ngắn, kiên trì qua lại, tạo sự gần gũi thân tình và thuyết phục, gia đình bà H. đã đồng ý cho chặt sát gốc toàn bộ số cây vi phạm mà không đòi hỏi gì thêm.

Đến năm 2008, khi đường dây 500kV mạch 2 đã đi vào vận hành được hơn ba năm, nhưng đoạn tuyến qua khu vực dân cư thôn 3A, Thị trấn Nông trường Lệ Ninh lại xảy ra vướng mắc với một số hộ dân liên quan việc hỗ trợ đền bù, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Có hộ dân dựng lại nhà ở trong hành lang, cản trở công nhân kiểm tra phát dọn tuyến và để cây trồng phát triển cao có nguy cơ vi phạm an toàn vận hành đường dây. Vụ việc nghiêm trọng đến mức chính quyền phải thực hiện cưỡng chế giải toả toàn bộ số cây trong hành lang, di dời nhà ra khỏi hành lang. Từ đó, cũng gây ảnh hưởng đến tình cảm, mối quan hệ giữa các hộ dân xung quanh với đơn vị quản lý vận hành đường dây. Một lần nữa, anh Huyền lại được phân công quản lý đoạn tuyến khu vực khó khăn này. Bằng khả năng thuyết phục khéo léo của mình, trong thời gian quản lý đoạn tuyến anh đã gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ những bức xúc và tuyên truyền cho bà con hiểu và ủng hộ việc bảo về an toàn hệ thống lưới truyền tải điện. Từ đó đến nay, mọi việc liên quan đến công tác quản lý vận hành qua khu vực này đều được bà con nhiệt tình ủng hộ.

Đo kiểm tra khoảng cách điểm giao chéo, nhắc nhở biện pháp an toàn với đơn vị thi công dưới đường dây.

Và gần đây nhất là trường hợp vướng mắc do không thống nhất giá cả đền bù cây cao ngoài hành lang theo quy định, liên quan đến cả hai đường dây 500kV mạch 1 và 2 với hộ dân ông Hoàng Ngọc X. thuộc xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Những hàng keo tràm trồng dọc sát ngoài hai phía hành lang đã lên cao, khi mùa mưa bão đến gần có nguy cơ gây mất an toàn cho đường dây. Đã rất nhiều lần, đơn vị phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an tỉnh, huyện thuyết phục vận động nhưng vẫn không đạt kết quả. Đến mức, đơn vị đã phải dùng cáp chằng néo từng cây để đề phòng cây đổ. Lúc này anh Huyền đã trực tiếp đề xuất với lãnh đạo và đưa ra biện pháp giải quyết. Một lần nữa anh lại được đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ. Vận dụng các mối quan hệ bạn bè với những người con ông X. và dần dà tác động. Cuối cùng anh đã thuyết phục được gia đình đồng ý cho đơn vị đền bù số cây ngoài hành lang theo giá quy định của UBND tỉnh. Thành tích này được Lãnh đạo Truyền tải khen ngợi và đánh giá cao trong công tác dân vận, được thưởng điểm lao động xuất sắc trong tháng…Đó là những vụ việc điển hình, là bài học kinh nghiệm quý báu cho đơn vị trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải.

Khi được hỏi: Theo anh, công tác dân vận có tầm quan trọng như thế nào đối với công việc quản lý đường dây?

Anh Huyền tâm sự: Đối với nghề truyền tải, mỗi mét dây đi qua đều liên quan đến tài sản, đến hoạt động dân sinh của nhân dân. Vì vậy, phải làm sao đảm bảo hài hoà lợi ích của hai bên, đồng thời phải tuyên truyền cho bà con hiểu được tầm quan trọng của lưới điện truyền tải Quốc gia, về các quy định  an toàn điện,… Mặt khác, do bán kính quản lý rộng nên khó có thể trực tiếp và thường xuyên có mặt trên tuyến. Việc quan hệ tốt với nhân dân dọc tuyến để bà con tham gia nắm bắt và thông tin kịp thời những tình hình bất thường về thiết bị, xâm phạm hành lang an toàn, ngăn ngừa các biểu hiện phá hoại, vi phạm đến công trình là hết sức cần thiết.

Từ thực tế trong công việc, anh có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tế khi tiếp xúc vận động nhân dân tham gia bảo vệ đường dây? Anh chia sẻ: Tôi nghĩ Dân vận tốt đơn giản chỉ là những lời nói, việc làm của mình sao cho thấu tình, đạt lý để bà con tin tưởng, ủng hộ công việc của mình. Và muốn như vậy, trước hết phải đảm bảo hài hoà lợi ích hai bên, tôn trọng tài sản của nhân dân. Khi thường xuyên qua lại kiểm tra, sửa chữa đoạn tuyến, cần tìm hiểu các hộ dân liên quan, dành thời gian gặp gỡ, lâu dần trở thành quen thân với gia đình họ. Từ đó, ân cần thăm hỏi gia đình khi có công việc, lễ tết. Khi đã có được mối quan hệ tốt, bà con tin tưởng, quý mến, thì họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ mình như thông tin tình hình trên tuyến, tham gia bảo vệ thiết bị công trình, thậm chí giúp đỡ các công việc khác như phát quang móng cột, hành lang, v.v…

Có thể nói, công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ lưới điện luôn được các đơn vị quản lý vận hành xác định là nhiệm vụ quan trọng, song song với công tác quản lý kỹ thuật. Mỗi người công nhân là một tuyên truyền viên, phải nắm vững địa bàn, có mối quan hệ tốt với nhân dân xung quanh đoạn tuyến được giao quản lý. Những việc làm hiệu quả, thiết thực như anh Cao Ngọc Huyền xứng đáng là tấm gương tiêu biểu, điển hình dân vận khéo, góp phần động viên người dân tích cực tham gia bảo đảm an toàn vận hành hệ thống lưới điện truyền tải điện Quốc gia.

Đoàn Mạnh Hùng