Ðể miền Nam không thiếu điện vào mùa khô

Thứ sáu, 19/6/2015 | 14:00 GMT+7
​Sự tăng trưởng đột biến của phụ tải tại khu vực miền nam trong những ngày qua đang tạo ra sức ép lớn lên hệ thống truyền tải điện 500 kV. Bên cạnh đó, do nắng nóng sớm, lượng mưa ít tại khu vực các tỉnh miền nam và Tây Nguyên càng gây thêm khó khăn cho công tác điều hành hệ thống điện quốc gia.
Ðể vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện cao áp (500/220 kV) trong mọi tình huống, vừa bảo đảm cung cấp điện đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2015, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).

Về đích sớm

Ðóng trên địa bàn khu vực Thới Lợi (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), Trạm biến áp (TBA) 500 kV Ô Môn với tổng công suất thiết kế 1.050 MVA có nhiệm vụ chủ yếu là truyền tải điện năng từ lưới điện 500 kV quốc gia, cung cấp cho nhu cầu điện sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của người dân miền Tây Nam Bộ. Theo kế hoạch của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT, đến năm 2017 công suất của trạm sẽ được nâng cấp lên 1.800 MVA, Tuy nhiên, trào lưu công suất qua hai máy biến áp (MBA) của trạm 500 kV Ô Môn hiện nay đã thường xuyên đạt từ 90% trở lên, nhiều thời điểm phải chạy hết tải.

Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) Võ Ðình Thủy cho biết: Năm 2014, PTC4 đã nhận khoảng 12 tỷ kW giờ điện từ đường dây (ÐZ) 500 kV bắc - nam. Con số này theo dự báo sẽ còn tăng cao trong các tháng cao điểm mùa khô năm nay khi chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm, sản lượng điện đã truyền tải qua ÐZ 500 kV theo chiều bắc - nam và trung - nam đã tăng gần 42% so cùng kỳ năm trước. Phụ tải tăng đột biến trong các tháng cao điểm mùa khô ở miền nam khiến hệ thống truyền tải điện vận hành hết công suất. Bên cạnh đó, nguồn cấp điện chính cho khu vực này là Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau lại thường xuyên phải giảm phát do sự cố và bảo trì, cộng thêm các nguồn điện mới trong khu vực chưa đưa vào vận hành kịp, càng gây thêm nhiều khó khăn cho nhiệm vụ bảo đảm đáp ứng cấp điện, ổn định vận hành hệ thống trong mùa khô năm nay. Trước tình hình đó, EVNNPT quyết định sớm triển khai đầu tư tăng cường công suất TBA 500 kV Ô Môn lên 1.500 MVA. 

Khởi công từ tháng 3-2015, với sự nỗ lực hết mình của đội ngũ công nhân PTC4 cùng đội ngũ thợ tay nghề cao huy động thêm từ một số đơn vị truyền tải lân cận, vào ngày 24-5 vừa qua, MBA AT2 có dung lượng 900 MVA của TBA 500 kV Ô Môn đã được đóng điện thử nghiệm thành công để đưa vào vận hành. Trưởng Phòng Ðầu tư xây dựng PTC4 Võ Thanh Cường bộc bạch: Ngay từ đầu, đơn vị đã đặt ra mục tiêu phải rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án ở mức cao nhất có thể. Với quyết tâm đó, Công ty đã tổ chức anh em công nhân làm việc liên tục ba ca, kể cả ngày chủ nhật và những ngày nghỉ lễ; đúc kết kinh nghiệm để cải tiến quy trình trong một số bước lắp đặt cho phù hợp với thực tế... đã giúp quá trình lắp đặt các MBA, cả thí nghiệm hiệu chỉnh rút ngắn lại còn hơn một tháng.

Công tác giải phóng mặt bằng, di dời hai cột cổng 220 kV cũng được giảm thiểu tối đa. Ðặc biệt, hạng mục ép cọc móng chính đã giảm từ 53 ngày xuống chỉ còn 23 ngày. Nhờ vậy, dự án đã cán đích sớm hơn một tháng so kế hoạch. Giám đốc PTC4 Võ Ðình Thủy hồ hởi cho biết: Riêng việc rút ngắn thời gian thi công, đưa vào vận hành sớm công trình nâng công suất TBA 500 kV trước một tháng đã giúp tiết kiệm khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra, theo tính toán, tổng sản lượng điện chênh lệch trong một năm do việc nâng công suất tại TBA 500 kV Ô Môn sẽ tăng khoảng 122 triệu đến 133 triệu kW giờ điện, tính với chênh lệch đơn giá điện do phát điện bằng dầu khoảng 2.400 đồng/kW giờ điện sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300 tỷ đồng. Ðây thật sự là điều rất có ý nghĩa khi toàn ngành điện đang thực hiện chủ trương tối ưu hóa chi phí. Quan trọng hơn, miền Tây Nam Bộ sẽ được cung cấp điện an toàn, ổn định hơn trong mùa khô này.

De mien Nam khong thieu dien vao mua kho_19-6-2015.jpg
Gấp rút hoàn thiện lắp đặt máy biến áp 500kV tại Trạm biến áp 500kV Ô Môn.

Ứng phó linh hoạt

Theo Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (EVN NLDC), dự báo trong các tháng cao điểm mùa khô năm nay, nhu cầu phụ tải của toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm 2014, tương đương gần 77,5 tỷ kW giờ. Phó Ban Kiểm tra giám sát mua bán điện thuộc Tổng Công ty Ðiện lực miền nam (EVNSPC) Tạ Nguyên Phương cho biết: bốn tháng đầu năm, EVNSPC đã nhận từ lưới điện quốc gia tổng sản lượng hơn 16,2 tỷ kW giờ, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2014. Sản lượng tối đa đạt gần 157 triệu kW giờ, tăng 10,5% so cùng kỳ; công suất tối đa đạt 7.553 MW (tăng 8,8%). Sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn từ đầu năm đến nay cũng tăng khoảng 10% và còn tiếp tục tăng trong các tháng cao điểm mùa khô còn lại.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố từ 9,5 đến 10%, nhu cầu sử dụng điện trong năm 2015 trên địa bàn chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng với sản lượng điện thương phẩm dự báo đạt từ 19,5 tỷ đến 19,8 tỷ kW giờ điện, tăng khoảng 6,2 đến 7,8% so thực hiện năm 2014. Bên cạnh đó, năm nay do nắng nóng sớm, mùa khô kéo dài, lượng mưa tại khu vực các tỉnh miền nam và Tây Nguyên ít càng làm tăng mức độ tiêu thụ điện và hạn chế khả năng phát thủy điện, khiến hệ thống truyền tải điện vận hành càng căng thẳng do phải truyền tải công suất lớn từ miền bắc và miền trung vào miền nam.

Ðể giải quyết tình hình nêu trên, đồng thời đạt mục tiêu bảo đảm cung ứng đầy đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn trong mùa khô năm 2015, EVNSPC và Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã xây dựng phương án cụ thể, nhằm ứng phó sự mất cân đối cung cầu của hệ thống điện.

Theo thông tin từ EVNSPC, tại các tỉnh miền nam, hiện nay về lưới truyền tải, nhiều TBA 220 kV bắt đầu vận hành rất "căng", đạt hơn 80% công suất như TBA Cao Lãnh 2, Cai Lậy, Long Bình, Long Thành... Ngoài ra, một số khu vực cũng cần cấp bách sớm đưa TBA 220kV vào vận hành như ở Tây Ninh, Vũng Tàu nhằm chống quá tải ÐZ 110kV, bảo đảm ổn định điện áp. Chính vì vậy, EVNSPC đang gấp rút thực hiện các công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới lưới điện để tăng cường khả năng cung cấp điện, chống quá tải như xây dựng mới ba TBA 220 kV với tổng mức đầu tư 419 tỷ đồng, 104 công trình lưới điện 110 kV với kinh phí đầu tư 1.926 tỷ đồng và tiếp tục hoàn thiện lưới điện phân phối với số vốn khoảng 1.800 tỷ đồng,... Ngoài ra, EVNSPC còn thực hiện việc nâng công suất để chống quá tải tại các TBA 110kV Cần Thơ, Ðông Xuyên, Vĩnh Long, Vũng Liêm. 

Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Lý cho biết: EVNHCMC đã lên kế hoạch rất chi tiết cho công tác sửa chữa, bảo trì, nâng cấp lưới điện; đẩy mạnh việc thi công sửa chữa điện nóng (hot-line) và nghiên cứu thi công bằng phương pháp đấu nối tắt (jumper) nhằm hạn chế tối thiểu gián đoạn điện trong quản lý vận hành; hoàn tất thực hiện đóng kết mạch vòng trên lưới điện trung thế để giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng trong công tác bảo trì định kỳ cũng như xử lý sự cố. Ngoài ra, Tổng công ty cũng cho tăng cường kiểm tra, rà soát các khu vực có khả năng quá tải trong mùa khô; đồng thời, trang bị và sử dụng hiệu quả các thiết bị hiện đại như máy đo PD tủ trung thế, ca-mê-ra nhiệt, thiết bị kiểm tra rơ-le,... nhằm phát hiện sớm các điểm yếu trên lưới điện để xử lý nhằm ngăn ngừa trước sự cố...

Việc giảm thiểu, loại trừ các ảnh hưởng bên ngoài hệ thống điện như áp dụng thí điểm thiết bị chống sét không tiếp địa, khảo sát và đưa vào sử dụng các thiết bị giám sát thi công (ca-mê-ra quan sát) tại các công trình gần lưới điện truyền tải... cũng đang được EVNHCMC triển khai trên diện rộng. Ngoài việc lên kế hoạch cắt điện luân phiên hợp lý giữa các đơn vị quản lý vận hành, xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện ổn định trong điều kiện hệ thống điện thiếu từ 1 đến 10% sản lượng và công suất hệ thống; EVNHCMC còn tập trung nhiều vào công tác tiết kiệm điện với một số giải pháp cơ bản như tổ chức đào tạo kiến thức về tiết kiệm điện, quản lý năng lượng và kỹ năng tuyên truyền tiết kiệm điện cho đội ngũ tuyên truyền viên các cơ quan, doanh nghiệp quan trọng trên địa bàn quản lý; phối hợp tổ chức, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả... Nhờ vậy, trong thời gian qua, hệ thống điện của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tuy phải chịu sức ép lớn, vẫn luôn được vận hành an toàn, chất lượng điện cung ứng được nâng cao, mỹ quan hệ thống điện được cải thiện... 

Thời gian tới, với việc tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, EVNHCMC và EVNSPC phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, ổn định, an toàn và liên tục cho sản xuất, thương mại - dịch vụ và sinh hoạt thiết yếu của người dân địa phương, cũng như góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước./.

 
Việt Hưng