Cụm giải tỏa nhà máy điện BOT Vân Phong 1, bàn giao mặt bằng trước ngày 20-5

Thứ sáu, 13/5/2022 | 18:23 GMT+7
Sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong 1, ngày 11-5 Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) đã gặp các địa phương nhằm đốc thúc tiến độ.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong 1, ngày 11-5 Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) đã có chương trình làm việc với lãnh đạo thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa).

Nhiều vướng mắc trong đền bù giải tỏa cũng như trong thi công đã được các bên đặt ra. Về phía chủ đầu tư, lãnh đạo CPMB cam kết, ngay sau khi địa phương bàn giao mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ để dự án hoàn thành trong tháng 12 năm nay.

Nhiều hạng mục đã hoàn thành

Là một trong những địa phương có dự án đi qua, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là vùng thi công chủ yếu nhiều hạng mục của dự án truyền tải điện (gồm trạm biến áp (TBA) 500 kV Vân Phong và đấu nối, đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân và mạch 2 đường dây 220 kV Krông Búk - Nha Trang) nhằm giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, kịp thời cung ứng điện cho miền Nam.

Tại buổi làm việc với CPMB, UBND thị xã Ninh Hòa cho biết trong 3 công trình trên, mới có đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân cơ bản hoàn thiện phương án đền bù với 53/53 vị trí đào móng đã được chi trả tiền đền bù cho người dân. Riêng về hành lang lưới điện mới thực hiện chi trả 48/53 vị trí do một số trường hợp chưa phê duyệt phương án đền bù vì có đơn xin tái định cư, một số trường hợp nơi đường dây đi qua vắng chủ đang được bổ sung hồ sơ, bổ sung cây trái hoa màu bị ảnh hưởng…

Trong khi đó, tại dự án TBA 500kV Vân Phong và đấu nối, phần mặt bằng TBA đã xong, nhưng phần đường dây đấu nối vẫn còn 5/62 vị trí móng chờ bàn giao. Theo chính quyền địa phương, do hành lang tuyến đi qua địa bàn đông dân cư, phương án, chính sách đền bù chưa thống nhất dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng. Riêng mạch 2 đường dây 220kV Krông Búk - Nha Trang đã thực hiện chi trả 89/93 vị trí móng, các vị trí còn lại người dân chưa đồng ý nhận tiền bàn giao mặt bằng.

Kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất còn chậm

Tại buổi làm việc sáng 11-5, ông Nguyễn Minh Thư - phó chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) - xác nhận: "Địa phương ý thức rất rõ sự cấp bách của cụm dự án điện Vân Phong 1, nhất là các hạng mục đi qua địa bàn. Vì vậy ngay từ đầu địa phương đã ban hành một nghị quyết về đền bù giải tỏa cho dự án này. Có thể nói cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc, tuy nhiên tiến độ đến nay vẫn chưa đạt như cam kết".

Theo ông Thư: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư là do công tác kiểm kê và xác minh nguồn gốc đất còn chậm. Cái này trách nhiệm thuộc về Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Hòa".

"Việc chậm bàn giao mặt bằng của một số vị trí móng có nguy cơ dẫn đến trượt tiến độ thi công của một vài hạng mục trong cụm giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong 1. Điều này nếu xảy ra sẽ gây hậu quả rất lớn do phải đền bù cho đối tác Nhật Bản như cam kết trước đó. Vì vậy chúng ta phải bằng mọi cách bàn giao mặt bằng sớm trước ngày 20-5 như công văn chỉ đạo", ông Thư nói.

Trước áp lực trên, tại cuộc làm việc với tất cả các đơn vị liên quan sáng 11-5, ông Thư đã yêu cầu: "Ngay sau buổi làm việc này, các đơn vị liên quan phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến đề bù giải tỏa. Hộ dân nào còn bị thiệt thòi thì đề xuất phương án bổ sung ngay, phải chi trả tiền đền bù cho dân trước 20-5.

Riêng với những hộ dân không hợp tác thì xã, phường nơi dự án đi qua phải vận động, tuyên truyền, thậm chí buộc phải cưỡng chế để kịp bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ mà công điện của Ban chỉ đạo vừa ký, chứ không thể chờ mãi được. Địa phương sẽ lên phương án bảo vệ thi công".

Sẽ dùng flycam để kéo dây mồi

Trước kiến nghị của địa phương trong việc "làm sao hạn chế tối đa những hư hại không đáng có (cây cối, vật kiến trúc...) của người dân trong quá trình thi công rải, kéo dây điện?", giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung Nguyễn Đức Tuyển khẳng định: Ban sẽ làm việc với các đơn vị để trong đầu tuần tới có một phương án thi công kéo dây hợp lý nhất.

Theo đó, với các cung đường dây có băng qua khu dân cư và ruộng, vườn... sẽ yêu cầu nhà thầu dùng thiết bị flycam bay để kéo dây mồi, sau đó sẽ dựng giàn giáo để tổ chức kéo dây trên không. "Phương án này tốn kém kinh phí hơn nhưng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tài sản của người dân nơi dự án đi qua", ông Tuyển nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thuận (Công ty cổ phần Sông Đà 11) - chỉ huy trưởng công trình xây lắp đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân: "Đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bay flycam để tổ chức kéo dây theo phương án tối ưu nhất mà chủ đầu tư yêu cầu".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết: việc thi công phần móng của toàn cụm dự án điện Vân Phong 1 phải được hoàn tất trong tháng 6 này, công tác dựng cột, rải, kéo dây phải được hoàn tất trong tháng 8, đảm bảo việc thi công xong đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân trước mùa mưa.

Riêng mạch đấu nối đường dây 220 kV vào nhà máy điện BOT Vân Phong 1 phải sớm hoàn tất vì đây là nguồn cung ứng điện cho nhà máy này chạy thử trước khi phát điện chính thức lên lưới điện quốc gia.

Ban chỉ đạo ra công điện khẩn

Ngày 10-5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã phát đi công điện khẩn số 29 gởi UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến việc khẩn trương bàn giao mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong 1.

Trong đó công điện khẩn nhấn mạnh tính cấp bách và đặc biệt quan trọng của dự án, thời gian hoàn thành không được chậm hơn tháng 12-2022. Vì vậy thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương vận động người dân chấp hành chính sách nhà nước, hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến dự án TBA 500kV Vân Phong và đấu nối đường dây 500kV nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân trước ngày 20-5.

Trường hợp các hộ dân cố tình chống đối, trong khi các cấp chính quyền đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan cương quyết thực hiện các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật.

 

CPMB