
Xuất tuyến ĐZ 500kV từ TBA 500kV
Sơn La đi NMTĐ Lai Châu
Sau gần 2 năm
kể từ ngày khởi công Dự án đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu (22/12/2013), đến
nay, toàn bộ công trình (với 311 vị trí cột với 158km đường dây 500kV mạch kép
từ NMTĐ Lai Châu đến Trạm biến áp 500kV Sơn La cũng như việc mở rộng 02 ngăn lộ
500kV tại TBA 500 kV Sơn La để phục vụ đấu nối với Đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu)
đã đạt được gần 90% khối lượng công việc. Theo ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch
Công đoàn Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), những ngày cuối tháng 8 và tháng 9 này đang là thời gian cao
điểm của đợt phát động thi đua 50 ngày đêm nước rút nhằm quyết tâm hoàn thành
toàn bộ công trình trong tháng 10/2015.
Kỹ sư Nguyễn Hồng Quân (thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp
điện 1) - Chủ huy trưởng công trường thi công gói thầu số 14 và 15 của Đường
dây Sơn La - Lai Châu cho biết, đơn vị thi công 62 vị trí móng cột (từ vị trí
257-319) với hơn 27km đường dây mạch kép đi qua địa bàn 2 huyện là Mường Lay
(thuộc tỉnh Điện Biên) và Nậm Nhùn (thuộc tỉnh lai Châu) và đã hoàn thành được
hơn 80% khối lượng. “Các vị trí của DZ 500kV thường đi trên các đồi cao và vượt
qua nhiều cây cối, thung lũng, suối sâu nên trong quá trình thi công mà gặp các
đợt mưa như tháng 7, tháng 8 vừa rồi thì ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự
án. Mặt khác, trong quá trình thi công, một số khoảng néo giao chéo với đường
điện, việc cắt điện của các địa bàn rộng cũng rất khó và chỉ thực hiện được vào
ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần nên cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Trên tuyến
này đang được tăng cường nhân lực. Hiện tại có khoảng 300 cán bộ, kỹ sư và công
nhân trong đó hơn 250 lao động trực tiếp thi công. Mọi khó khăn cơ bản đã vượt
qua, dự kiến Công ty CP Xây lắp điện 1 sẽ hoàn thành việc kéo dây và nghiệm
thu, bàn giao cho chủ đầu tư đoạn tuyến này vào ngày 10/10/2015” - Kỹ sư Nguyễn
Hồng Quân cho biết.
Tại vị trí cột số 193 sang vị trí 194 vượt sông thủy
điện Nậm Mức, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ân - Trưởng ban chỉ huy trên công trường của
nhà thầu Công ty CP Xây dựng điện 4 (VNECO4) cho biết, đơn vị đang thi công một
trong những cung đoạn được cho là khó nhất của đường dây 500kV Sơn la - Lai
Châu, bởi “đoạn này vượt qua tới 4 đường dây 35kV, 1 đường dây 110kV, vượt sông
Nậm Mức và thủy điện Nậm Mức. Hiện nay khối lượng cũng đạt 97% công việc rồi. Chỉ
còn chờ thời gian xử lý việc cắt điện đường dây 35kV để thi công. Dự kiến cắt
điện được thì sẽ thi công trong khoảng 3 ngày là xong” - kỹ su Nguyễn Ngọc Ân
quả quyết.
Mặc dù đang là giai đoạn nước rút, nhưng chất lượng
công trình luôn được đặt lên hàng đầu. Kỹ sư Lê Viết Hùng (thuộc Truyền tải
điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1) thực hiện giám sát 2 lô thầu, lô 12
và lô 13 là đoạn dài nhất của tuyến đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu cho biết
“trong quá trình các đội thi công tất cả anh em giám sát đều có mặt trên tuyến
để hướng dẫn và giám sát các đội thi công làm theo đúng thiết kế và theo đúng
quy trình quy phạm ngành điện đề ra. Không quản ngày đêm, mưa gió hay tắc
đường, lúc nào anh em cũng có mặt để các đội thi công thực hiện đúng theo tiến
độ”.
Kiểm tra thực tế tiến độ tại công trường và động viên
cán bộ, công nhân các đơn vị thi công, Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng
thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia khẳng định, mặc dù
khối lượng công việc là rất lớn, toàn tuyến đường dây đi qua các khu vực đồi
núi cao, đèo dốc, suối sâu, hiểm trở của địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và
Lai Châu (gồm các huyện Mường La, Thuận
Châu của tỉnh Sơn La; các huyện Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Lay của tỉnh Điện
Biên; huyện Nậm Nhùn của
tỉnh Lai Châu) song, về cơ bản mọi
khó khăn cũng đã qua. Công trình chắc chắn sẽ hoàn thành
tiến độ trước kế hoạch, kịp thời giải tỏa công suất Nhà máy thủy điện Lai Châu.
“Đây là dự án cấp bách theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đây
cũng là công trình mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Truyền
tải điện Quốc gia thống nhất đăng ký với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương
là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Hiện nay chúng tôi
đang quyết tâm bằng mọi cách để hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời đóng điện để
giải tỏa công suất NMTĐ Lai Châu. Ngoài việc giải tỏa công suất NMTĐ Lai Châu
thì dự án này cũng có ý nghĩa là để giải tỏa công suất của các NMTĐ vừa và nhỏ
trong khu vực Tây Bắc, ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Vì các nhà máy
trong khu vực này thường là các nhà máy không có hồ chứa nên khi có đường dây
này thì sẽ nâng cao hiệu quả của các nhà máy thủy điện này” - ông Đặng Phan
Tường nhấn mạnh./.