Đoàn công tác EVN làm việc với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam về tình hình cung ứng điện và triển khai ĐTXD dự án ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2

Thứ bảy, 18/3/2017 | 21:35 GMT+7
Trong các ngày từ 14 - 16/3/2017, Đoàn công tác Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) do ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND  các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam về tình hình cung ứng điện và đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn các tỉnh.

 

Tham gia Đoàn công tác về phía EVN có ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc và đại diện lãnh đạo các Ban chức năng của EVN; về phía Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) có ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc, đại diện lãnh đạo các Ban, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) và lãnh đạo các Công ty Truyền tải điện 2, 3; về phía Tổng công ty Điện lực Miền Trung có ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc và đại diện Lãnh đạo các Công ty điện lực Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam .​

Tại tỉnh Kon Tum, tình hình cung ứng điện sản xuất kinh doanh: Giai đoạn 2011-2015, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 12,47%/năm; điện thương phẩm thực hiện năm 2016 là 316,4 triệu kWh (tăng 10,42% so với năm 2015). Kế hoạch điện thương phẩm năm 2017 là 350 triệu kWh, tăng 10,4% so với 2016.

Về tình hình cung cấp điện nông thôn, tính đến nay: 102/102 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỉ lệ 100%; số hộ có điện 130.243/130.486 hộ chiếm tỷ lệ 99,81%, trong đó số hộ nông thôn có điện là 82.417/82.660 hộ, đạt 97,71 %.

Về tình hình đầu tư xây dựng các công trình điện trên địa bàn, EVN đã chủ động đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, điện nông thôn toàn tỉnh. Trong các dự án đang triển khai ĐTXD thì dự án ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi – Pleiku 2 là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII và yêu cầu đẩy sớm tiến độ lên giai đoạn 2016 - 2020 tại văn bản số 47/TTg-CN ngày 16/01/2017, dự án dự kiến sẽ khởi công trong tháng 9/2017 và hoàn thành đưa vào vận hành quý I/2019. Trong đó đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Kon Tum dài 81,37 km, gồm: huyện Kon Plong (32,18 km), huyện Kon Rẫy (32,85 km) và thành phố Kon Tum (16,34 km), với diện tích đất thu hồi móng trụ hơn 9,04 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến 260,38 ha.

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của EVN về chủ trương thực hiện ĐTXD ĐZ mạch 3, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở ban ngành và UBND các huyện Kon Rẫy, Kon Plong và thành phố Kon Tum phối hợp chặt chẽ với EVNNPT và CPMB trong suốt quá trình triển khai. Tuy nhiên, về phía Chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình khảo sát mặt bằng, xem xét kỹ khi thiết kế chi tiết để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về rừng cũng như hạ tầng cơ sở; ghi nhận hiện trạng và cam kết khắc phục hư hỏng đường liên thôn, liên xã, liên huyện… để đảm bảo lưu thông và hoàn trả hiện trạng ban đầu ngay sau hoàn thành công trình.

CTEVN-Tinh-M3_180317_1.jpg
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN và ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND KonTum ký biên bản làm việc

Tại tỉnh Gia Lai, trong thời gian vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân, trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; điện thương phẩm thực hiện năm 2016 là 936,1 triệu kWh (tăng 9,73% so với năm 2015); kế hoạch điện thương phẩm năm 2017 là 1.033 triệu kWh, tăng 10,4% so với 2016.

Tình hình cấp điện nông thôn tính đến nay: 222/222xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỉ lệ 100%; số hộ có điện 353.014/358.058 hộ chiếm tỷ lệ 98,59% tổng số hộ, trong đó số hộ nông thôn có điện là 239.124/243.645 hộ, đạt 98,14 % số hộ nông thôn.

Về đầu tư xây dựng công trình ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài 41,44 km, gồm: huyện Chư Păh (19,59 km), huyện Ia Grai (15,79 km) và thành phố Pleiku (6,06 km). Dự kiến tổng vị trí trụ điện là 96 vị trí; diện tích đất thu hồi móng trụ: 3,91 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến 132,61 ha.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Thành -  Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ sự vui mừng với những đóng góp của EVN trong sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời mong muốn thời gian tới, Tập đoàn có những hoạt động hỗ trợ xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị bổ sung, xử lý sớm các nguồn vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn, cung ứng điện kịp thời cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đối với những đề xuất, kiến nghị của EVN liên quan tới dự án ĐZ  500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân cũng như công tác phối hợp với chủ đầu tư; xử lý nghiêm, có hình thức xử lý các đối tượng vi phạm. Về phía EVN nên có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên phối hợp với địa phương để kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện; sớm bàn giao tuyến cho các địa phương để triển khai thực việc quản lý.

CTEVN-Tinh-M3_180317_2.jpg
Ông Võ Ngọc Thành -  Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại cuộc họp

Tại Quảng Ngãi, về cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân: Giai đoạn 2011-2015, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 9,58%/năm; điện thương phẩm thực hiện năm 2016 là 936,1 triệu kWh (tăng 9,8% so với năm 2015); kế hoạch điện thương phẩm năm 2017 là 1.030 triệu kWh, tăng 10,2% so với 2016. 

Tình hình cấp điện nông thôn tính đến nay: 184/184 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỉ lệ 100%; Số hộ có điện 331.269, hộ chiếm tỷ lệ 98,9% tổng số hộ, trong đó, số hộ nông thôn có điện là 281.533 hộ, đạt 98,7 % số hộ nông thôn.

Về đầu tư xây dựng công trình ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, đoạn tuyến ĐZ đi qua tỉnh Quảng Ngãi dài 85,83 km, gồm huyện: Bình Sơn (16,8 km), Trà Bồng (0,73 km), Sơn Tịnh (13,6 km), Sơn Hà (39,4 km), Ba Tơ (15,3 km). Dự kiến tổng vị trí trụ điện là 198 vị trí, diện tích đất thu hồi móng trụ và mở rộng trạm 500kV Dốc Sỏi là 30,6 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến 311,4 ha.

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những đóng góp của EVN trong việc cung cấp điện cho Quảng Ngãi thời gian qua, đặc biệt là công trình kéo điện ra Lý Sơn. Về phía địa phương, để việc đầu tư các công trình điện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 tỉnh sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan để bố trí quỹ đất, việc giải phóng mặt bằng cũng sẽ thực hiện đúng thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai dự án.

CTEVN-Tinh-M3_180317_3.jpg
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN và ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND Quảng Ngãi ký biên bản làm việc

Tại tỉnh Quảng Nam, cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân: Giai đoạn 2011-2015, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 11,9%/năm; điện thương phẩm thực hiện năm 2016 là 1.496,8 triệu kWh (tăng 9,3% so với năm 2015); kế hoạch điện thương phẩm năm 2017 là 1.648 triệu kWh, tăng 10,2% so với 2016.

Tình hình cấp điện nông thôn tính đến nay: 240/244 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỉ lệ 98,36%; Số hộ có điện 407.311 hộ, chiếm tỷ lệ 97,82% tổng số hộ, trong đó số hộ nông thôn có điện là 316.046 hộ, đạt 97,2% tổng số hộ nông thôn.

Về đầu tư xây dựng công trình ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam tổng chiều dài 121,61 km, gồm: huyện Đại Lộc (28,27 km), huyện Nông Sơn (13,38 km), huyện Hiệp Đức (17,34 km), huyện Tiên Phước (25,48 km), huyện Bắc Trà My (15,91 km) và huyện Núi Thành (21,22 km). Dự kiến tổng vị trí trụ điện là 291 vị trí, diện tích đất thu hồi móng trụ là ~ 22 ha; diện tích ảnh hưởng trong hành lang tuyến ~ 390 ha.

Phát biểu tại cuộc họp Ông Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những đóng góp của EVN trong việc cung cấp điện cho Quảng Nam trong thời gian qua, đặc biệt là công trình kéo điện ra Cù Lao Chàm. Về phía địa phương, để việc đầu tư các công trình điện trên địa bàn tỉnh sớm đi vào hoạt động đặc biệt triển khai công tác BTGPMB ĐZ 500kV mạch 3, Tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan bố trí quỹ đất, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đển bàn giao cho chủ đầu tư đúng thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn triển khai dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị EVN cần quan tâm đầu tư các Trạm biến áp để phục vụ điện cho các vùng Phước Sơn, Hiệp Đức, cần quan tâm hơn nữa việc cung cấp điện, hỗ trợ các xã khó khăn, các hộ ngèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My.

CTEVN-Tinh-M3_180317_4.jpg
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN và ông Đinh Xuân Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký biên bản làm việc

Trước đó trong các ngày từ 27/02/2017 đến ngày 02/3/2017, Đoàn công tác EVN do ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV làm Trưởng đoàn đã làm việc với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng về tình hình cung ứng điện và triển khai ĐTXD công trình ĐZ 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi – Pleiku 2.

Tại các buổi làm việc ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cùng Chủ tịch UBND 07 tỉnh đã ký biên bản biên bản ghi nhớ và thống nhất giải pháp, chủ trương thực hiện dự án ĐZ mạch 3. Trong đó UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo và tạo điều kiện thực hiện các nội dung:

- Chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện/thành phố trực thuộc phối hợp hoàn thành các thủ tục về thỏa thuận và bàn giao chi tiết tuyến, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã thỏa thuận; phê duyệt đơn giá bồi thường GPMB.

- Chỉ đạo thành lập Hội đồng bồi thường GPMB/Ban chỉ đạo các huyện/ thành phố ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được duyệt.      

- Tạo điều kiện tối đa cho Chủ đầu tư trong công tác bồi thường GPMB, đáp ứng mục tiêu tiến độ dự án; đảm bảo đủ quỹ đất cho thực hiện dự án.

- Cho phép thực hiện một số cơ chế để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB:

+ Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Bố trí quỹ đất để sử dụng cho dự án và chỉ đạo chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp dân lấn chiếm gây khó khăn cho việc GPMB sau này; phê duyệt Hồ sơ đo đạc giải thửa theo từng giai đoạn để phục vụ công tác thông báo thu hồi đất; cho phép các địa phương lập thủ tục thu hồi đất để GPMB thi công dự án song song với việc lập thủ tục đăng ký kế hoạch sử dụng đất bổ sung.

+ Về các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa và các thủ tục liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: (i) Chỉ đạo các Sở ngành liên quan: (i.1) Hỗ trợ và phối hợp chủ đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến rừng; (i.2) Cho phép Chủ đầu tư triển khai thi công song song với việc lập thủ tục trồng rừng thay thế, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa; (ii) Giao UBND các địa phương đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất trên.

+ Về trách nhiệm của Chính quyền địa phương các cấp, các Sở ngành liên quan: Chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường GPMB và các công việc khác nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án; tạo điều kiện cho Chủ đầu tư được lập hồ sơ đo đạc giải thửa ngay sau khi BCNCKT được duyệt và thẩm định hồ sơ theo từng đoạn, từng địa phương phù hợp với tiến độ GPMB, thi công dự án; đảm bảo tiến độ GPMB dự án theo tiến độ Chính phủ giao.

+ Sau khi lập xong phương án bồi thường phần móng trụ hoặc hành lang tuyến để trình các cấp thẩm định, cho phép Chủ đầu tư tạm ứng chi trả tiền trước cho các tổ chức, cá nhân để triển khai thi công.

+ Tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị thi công liên quan đến công tác đền bù phục vụ thi công; Cho phép các đơn vị thi công sử dụng đường liên thôn, liên xã, liên huyện... vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công. Nếu có hư hỏng đơn vị thi công có trách nhiệm sửa chữa để đảm bảo lưu thông và hoàn trả theo hiện trạng ban đầu sau khi hoàn thành công trình./.   

THÔNG TIN DỰ ÁN ĐƯỜNG DÂY 500KV MẠCH 3 VŨNG ÁNG - DỐC SỎI - PLEIKU 2

Khái quát chung dự án:​

- Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII và yêu cầu đẩy sớm tiến độ từ giai đoạn 2020 - 2030 lên giai đoạn 2016 - 2020 tại văn bản số 47/TTg-CN ngày 16/01/2017.

- Dự án được EVN giao cho EVNNPT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) thay mặt chủ đầu tư quản lý dự án.

Mục tiêu dự án: Nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500kV Bắc - Nam để đảm bảo cấp điện cho miền Nam và truyền tải công suất của các nhà máy điện (trong đó có cả dự án TBK Miền Trung tại Quảng Nam).

​Quy mô dự án: Xây dựng mới ĐZ 500kV mạch kép tổng chiều dài trên 700 km, đi trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai). Dự án bao gồm 03 dự án thành phần:

- ĐZ 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng (dài 32km);

- ĐZ 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi (dài khoảng 495km);

- ĐZ 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 (dài khoảng 209km).

 

Tiến độ dự án: Dự kiến khởi công tháng 9/2017 và hoàn thành đưa vào vận hành trong quý I/2019 (trước mùa khô năm 2019).​

Phóng sự về các buổi làm việc trên Đài PT&TH Phú Yên lúc 20h ngày 29/3/2017:

CPMB