Đường dây 500 kV đã hợp nhất
3 hệ thống điện Bắc-Trung-Nam hoạt động riêng lẻ trước đây thành hệ thống điện
quốc gia thống nhất với Trung tâm Điều độ (trong ảnh: Trạm biến áp 110kV tại Hà
Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Công trình của những quyết
định táo bạo
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ
tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam ông Trần Viết Ngãi (nguyên Phó trưởng ban
thường trực chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV) cho biết, việc hoàn
thành thi công công trình đường dây 500kV dài 1.487km trong vỏn vẹn 2 năm để
cấp điện cho miền Nam đang thiếu điện nghiêm trọng là một kỳ tích không chỉ với
những người thợ ngành điện Việt Nam mà cả với thế giới. Tại thời điểm đó, các
nước như Pháp, Úc, Mỹ khi xây dựng đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700km-800km
và phải mất tới 7-8 năm thi công.
Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào
tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ
thuật, với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm (trong khi các đơn vị nước
ngoài tính toán thời gian thi công phải mất từ 8 đến 10 năm). Do thời gian khẩn
cấp nên công trình được đặc cách cho phép vừa thực hiện xây dựng vừa song song
thực hiện khảo sát, thiết kế, nhập vật tư, thiết bị. Cũng lần đầu tiên những
thiết bị bù hiện đại, hệ thống các dụng cụ đo lường, bảo vệ, điều khiển và tự
động kỹ thuật số của các nhà sản xuất nổi tiếng của Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển,
Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Nga, Hàn Quốc...được đưa vào sử dụng trong hệ thống
điện Việt Nam.
“Chỉ nhìn vào hướng tuyến của đường dây đi,
không đơn vị thi công nước ngoài nào dám cam kết làm. Các tuyến đường dây phần
lớn đi trên đồi núi. Đặc biệt, tuyến đường từ Hải Vân lên hết đèo Lò Xo là
tuyến kinh khủng nhất. Toàn bộ cả khu vực là rừng già với vô vàn cây cổ thụ
đường kính hàng mét. Việc chặt cây, mở tuyến đã vô cùng vất vả nhưng việc đúc
các móng cột đường dây trên đỉnh đồi, trên lưng chừng núi còn vất vả gấp nhiều
lần.Mọi thứ đều thiếu thốn. Hàng vạn bộ đội của quân khu 4, quân khu 5, binh
đoàn 12, 15, quân đoàn 1, 3 và hàng vạn đồng bào các dân tộc đã ngày đêm đổ mồ
hôi, công sức, và cả máu để tham gia mở đường. Chỉ riêng việc lo cung ứng thực
phẩm, lo cơm ăn, nước uống cho hàng vạn người tham gia “chiến trường” mở đường
kéo dây đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng”, ông Ngãi nhớ lại.

Ghép 230 thuyền đánh cá để
kéo dây vượt sông Gianh đưa điện từ miền Bắc vào miền Trung. Ảnh: Bích
Liên
Theo phương án của nhiều nhà
khoa học, chuyên gia nước ngoài, để thi công các tuyến đường dây theo đúng tiến
độ, sẽ phải dùng trực thăng vận chuyển thân cột, các thanh kết nối tới các vị
trí móng rồi dùng bulông bắt từng thanh để tạo cột. Bài toán khó với các đơn vị
thi công: Doanh nghiệp xây lắp trong nước lấy đâu ra trực thăng? Thuê của quân
đội thì cũng khó, chưa kể tiền đâu mà trả? Để đảm bảo tiến độ cũng như tiết
kiệm chi phí cho đất nước, một “chiến dịch sức người” được huy động để thực
hiện vận chuyển thiết bị. Ban chỉ huy cũng họp bàn và quyết định sang Tổng công
ty Than vay 7 triệu USD mua một máy kéo dây của Nhật Bản để kéo dây cáp qua các
thung lũng và các khu rừng già. Máy được chuyển về công trình, 4 đơn vị xây lắp
ngành điện được giao nhiệm vụ mới: “Copy” và chế ra các máy kéo dây theo đặc
thù công việc của từng đơn vị. Nhờ vậy tốc độ thi công đường dây đã được đẩy
nhanh rất nhiều.
“3.674 móng cột đã được thi
công trong những thời gian kỷ lục. Để đảm bảo tiến độ, mỗi hố móng cột (nhỏ
nhất khoảng 300m3 bê tông), móng cột néo bình quân 1.000 - 1.500 m3 bê tông
phải được hoàn thành trong vòng 15 ngày. Riêng việc đục 700 móng cột vào các
vách núi đá granit, đoạn từ Đại Lộc qua đèo Hải Vân, đòi hỏi hàng vạn sức
người. Hàng trăm công nhân đục đá của các làng nghề ở miền Trung được huy động
làm việc suốt ngày đêm. Quá trình thi công, nhiều nhà khoa học nước ngoài vào
tham quan, khảo sát, nghiên cứu cũng thừa nhận “phục sát đất” cách làm sáng
tạo, những cách thi công mới của những người thợ đường dây Việt Nam”, ông Ngãi
kể.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
(đeo cà vạt) trên công trường đường dây 500 kV Bắc - Nam. (Trong ảnh: Ông Trần
Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc -
Nam, Tổng giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 đang giới thiệu về thiết bị an toàn
lao động với Thủ tướng). Ảnh: Toàn Thắng.
Cuộc đàm phán 37 triệu USD
Công trình thi công gần hoàn
thiện, chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là kết thúc công trình thì tại một cuộc họp
giao ban, những người tham gia mới giật mình khi có báo cáo hợp đồng nhập khẩu
dây cáp quang cho tuyến đường dây siêu cao áp trị giá 37 triệu USD sẽ bị giao
chậm 6 tháng do hợp đồng ký chậm. Tại cuộc họp khẩn sau đó, Thủ tướng Võ Văn
Kiệt yêu cầu cử gấp cán bộ sang Nhật làm việc với đối tác để đẩy nhanh việc
nhập khẩu. Ngay buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác 4 người (gồm ông Trần Viết
Ngãi, Phó trưởng ban chỉ đạo công trình đường dây; ông Nguyễn Bá Hòa, Trưởng
ban A cùng hai cán bộ khác của ngành điện) lên đường sang Tokyo.
Buổi làm việc với phía đối
tác cũng nhanh chóng được tổ chức, đích thân Chủ tịch tập đoàn Nissho Iwai cùng
các lãnh đạo cao nhất được mời đến làm việc với đoàn Việt Nam. Sau khi đọc bức
thư tay do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi, ông Chủ tịch Tập đoàn Nissho
Iwai giao cho Tổng giám đốc Suzuki xem xét giải quyết đề xuất của Việt Nam. Tuy
nhiên, vị tổng giám đốc, nổi tiếng là người rất nguyên tắc trả lời: Hợp đồng ký
muộn thì nhận hàng muộn. Đề nghị mua cáp quang sớm sẽ trả lời sau.
Suốt 5 ngày sau đó ở Tokyo,
dù nhiều lần qua làm việc, đoàn công tác vẫn chưa nhận được câu trả lời có thu
xếp được sớm mua cáp. Đến ngày thứ 6, đoàn quyết định đến nhà máy Fuzikuza nằm
dưới chân núi Phú Sĩ để tìm hiểu tình hình sản xuất cáp quang. Chuyến đi đã
giúp thu được thông tin bất ngờ: Đơn hàng của phía Việt Nam bị chậm ít nhất 6
tháng. Rất may, vị Giám đốc nhà máy đã “bật mí” hiện nhà máy có 2 đơn hàng của
Ấn Độ và Srilanka tương đồng về đặc tính kỹ thuật mà phía Việt Nam muốn mua.
Đặc biệt, tổng độ dài cáp quang của hai hợp đồng này bằng đúng chiều dài cáp
trong hợp đồng mà phía Việt Nam muốn mua. “Tất cả chúng tôi như sống lại trước
thông tin này. Tôi đã đề nghị vị Giám đốc nhà máy viết một lá thư gửi cho Chủ
tịch Tập đoàn đề xuất hướng giải quyết cho phía Việt Nam bằng cách ưu tiên cấp
trước cáp theo thời hạn. Ngay trong ngày cả đoàn lập tức lên xe trở về Tokyo.
Biết vị Chủ tịch tập đoàn là người sành uống rượu, tôi nghĩ ra cách, lấy lý do
đoàn phải về nước, mời ông Chủ tịch cùng toàn bộ lãnh đạo tập đoàn đi ăn để
chào tạm biệt. Bữa tiệc rượu, được tổ chức tại một nhà hàng của khách sạn 5 sao
với dòng rượu Sake đặc biệt, kéo dài từ 16h đến gần 3h sáng hôm sau. Trong lúc
trò chuyện, nhân khi ông Chủ tịch Tập đoàn hỏi: “Công việc của các ông đến đâu
rồi?”, tôi trả lời: Vẫn chưa mua xong và đưa bức thư của vị giám đốc nhà máy
sản xuất cáp quang và đề xuất được cấp trước đơn hàng để đảm bảo tiến độ công
trình quan trọng của đất nước. Vị Chủ tịch nghe xong liền lấy bút phê đồng ý.
Sau đó còn cởi chiếc áo vest đang mặc tặng tôi như món quà kỷ niệm. Tôi cũng
cởi chiếc cà vạt đang đeo tặng lại như một lời cảm ơn sâu sắc về việc gánh nặng
ngàn cân đã được gỡ bỏ. Ngay sau bữa tiệc, tôi lập tức điện về cho Thủ tướng
báo tin mừng. Lúc đó ở Việt Nam mới là 7h sáng”, ông Ngãi nhớ lại.
Công trình của những kỷ lục
Đường dây có chiều dài 1.487km từ Hòa Bình đến
TPHCM được khởi công ngày 5/4/1992. Đây là đường dây truyền tải điện siêu cao
áp đầu tiên tại Việt Nam với kỹ thuật phức tạp, thi công trên mọi địa bàn khó
khăn. Công trình huy động khoảng 20.000 người ngành điện và các lực lượng khác
tham gia. Ngày 27/5/1994, sau 2 năm thi công xây dựng, công trình đường dây
500kV hoàn thành với tổng giá trị thực hiện quyết toán là 5.488,39 tỷ đồng
(tương đương 544 triệu đô la Mỹ) bằng nguồn vốn trong nước, tiết kiệm 250 tỷ đồng
so với luận chứng kinh tế kỹ thuật được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê
duyệt.
Việc hoàn thành đưa vào vận hành công trình
đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện
của miền Nam và miền Trung. Điện thương phẩm tăng trưởng của toàn quốc (từ 5-6%
giai đoạn 1990-1992) đã lên đến 18,2% giai đoạn 1993-1997 và tăng trưởng đỉnh
điểm là 21% năm 1995, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn
1993-1997 và năm 1995 là 25%.
Đường dây 500 kV đã hợp nhất 3 hệ thống điện
Bắc-Trung-Nam hoạt động riêng lẻ trước đây thành hệ thống điện quốc gia thống
nhất với Trung tâm Điều độ. Đây là tiền đề quan trọng để cuối năm 1994, chính
Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam,
một trong những doanh nghiệp lớn của nhà nước được ra đời trong thời kỳ này
hoạt động theo hướng xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh của đất
nước.