EVNNPT tổ chức thành công Hội nghị Quản lý kỹ thuật năm 2015

Chủ nhật, 15/3/2015 | 22:00 GMT+7
​Ngày 12/3/2015 tại trụ sở Công ty Truyền tải điện 4 (thành phố Hồ Chí Minh), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tổ chức Hội nghị Quản lý kỹ thuật năm 2015.
​Tham dự Hội nghị có: Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và lãnh đạo, đại diện các Ban: Kỹ thuật sản xuất, Kinh doanh, Kế hoạch - EVN; đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2); Ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, Ông Vũ Ngọc Minh - Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc EVNNPT; các Thành viên HĐTV EVNNPT; lãnh đạo các Ban EVNNPT; lãnh đạo và đại diện các phòng chuyên môn liên quan của các đơn vị trực thuộc EVNNPT.
 
P1150693.JPG 
Các đại biểu tham dự Hội nghị quản lý kỹ thuật năm 2015
 
Hội nghị Quản lý kỹ thuật năm 2015 tập trung vào 2 chủ đề chính là: (i) Tổng kết đánh giá tình hình vận hành năm 2014; đánh giá tình hình sự cố, các giải pháp giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy lưới điện và (ii) Đánh giá công tác quản lý tổn thất điện năng (TTĐN) năm 2014 và giải pháp giảm TTĐN năm 2015 và các năm tiếp theo.
 
Báo cáo tại Hội nghị khẳng định: Năm 2014, mặc dù nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục tăng so với năm 2013; khối lượng quản lý vận hành ngày càng tăng lên; vẫn xảy ra tình trạng quá tải trên lưới; lưới 500kV Bắc - Nam đầy tải, quá tải do phương thức truyền tải cao từ miền Bắc, Trung vào miền Nam; lưới điện truyền tải có độ tin cậy vận hành chưa cao, chưa đáp ứng tiêu chí N-1, tuy nhiên, nhờ tập trung làm tốt công tác quản lý vận hành, kỹ thuật, công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, thí nghiệm định kỳ… cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị và chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo EVNNPT, EVN, lưới điện truyền tải đã vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN giao phó.
 
Cụ thể, năm 2014, EVNNPT đã đảm bảo truyền tải an toàn sản lượng điện là 124,15 tỷ kWh, tăng 10,9% so với năm 2013. Tại thời điểm 31/12/2014, EVNNPT quản lý và vận hành 106 trạm biến áp (TBA) với tổng dung lượng là 56.426 MVA, bao gồm 23 TBA 500kV (tổng dung lượng 21.900MVA tăng 13,2% so với 2013), 82 TBA 220kV (tổng dung lượng 31.351 MVA tăng 15,2% so với 2013) và 01 TBA 110kV (tổng dung lượng các MBA 110 kV tại các trạm 220 ÷ 110 kV là 3.175 MVA); 19.311,8 km đường dây (ĐZ), bao gồm 6.756 km ĐZ 500kV (tăng 22,1% so với 2013), 12.513km ĐZ 220kV (tăng 5,7% so với 2013) và 42,8 km ĐZ 110kV.
 
Năm 2014, nhìn chung lưới điện đáp ứng nhu cầu công suất của phụ tải, tình hình mang tải của các MBA và ĐZ được cải thiện đáng kể so với 2013. Toàn lưới truyền tải có 50 ĐZ quá tải với tổng số lần quá tải là 177 lần (giảm 279% so với năm 2013); đối với TBA, xảy ra quá tải ở 36 trạm với tổng số lần quá tải là 309 lần (giảm 168% so với năm 2013). Kết quả này cho thấy, mặc dù sản lượng truyền tải tăng trưởng 10,9 % so với 2013, tuy nhiên tình hình quá tải trên các ĐZ và TBA đã giảm nhiều do EVNNPT đã nỗ lực đưa vào vận hành nhiều công trình đầu tư xây dựng mới cũng như các công trình nâng công suất TBA, cải tạo, nâng cấp ĐZ.
 
Trong năm 2014, tuy khối lượng quản lý vận hành lưới điện truyền tải tăng lên rất lớn nhưng EVNNPT đã hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu về sự cố: tất cả các chỉ tiêu suất sự cố ĐZ và TBA đều thấp hơn chỉ tiêu EVN giao, số sự cố giảm 31 vụ so với năm 2013 và không để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, loại sự cố do sét đánh vào ĐZ có xu hướng tăng (98/150 vụ chiếm 65,3%, do một số nguyên nhân như tiếp địa lâu ngày bị ăn mòn, thiết kế tiếp địa ban đầu chưa phù hợp...), sự cố ĐZ do vi phạm hành lang vẫn còn ở mức cao (18/150 vụ chiếm 12%).
 
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy lưới điện; giải pháp giảm TTĐN năm 2015 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các chuyên đề về quản lý kỹ thuật cũng được phân tích sâu. Công ty Truyền tải điện 1 trình bày các tham luận về sự cố do chạm chập rơ le dòng dầu, rơ le ga, cáp nhị thứ, do hư hỏng cáp trung áp, sự cố tủ 22, 35kV; Công ty Truyền tải điện 2 tham luận về sự cố ĐZ truyền tải do vi phạm hành lang an toàn; Công ty Truyền tải điện 3 tham luận về các giải pháp giảm thiểu sự cố do sét đánh trên ĐZ truyền tải 220, 500kV; Công ty Truyền tải điện 4 tham luận về các vấn đề tồn tại của các công trình đầu tư xây dựng ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành. Ngoài ra, các Công ty Truyền tải điện đều có tham luận đánh giá công tác quản lý TTĐN năm 2014, giải pháp giảm TTĐN năm 2015 và các năm tiếp theo. Các ý kiến tham luận chuyên đề đã nêu lên những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của hệ thống truyền tải điện Quốc gia và gây ra TTĐN, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cũng như giảm TTĐN. Chuyên đề về tự động hóa, điều khiển xa TBA cũng được Ban Kỹ thuật EVNNPT báo cáo, phân tích trong Hội nghị và được xác định như một xu hướng phát triển tất yếu.
 
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, kinh nghiệm quản lý vận hành năm 2014, Hội nghị đã vạch ra các giải pháp về kỹ thuật và quản lý nhằm giảm thiểu sự cố, nâng cao độ tin cậy lưới điện truyền tải và giảm TTĐN. Theo đó, về công tác kỹ thuật - vận hành, trong năm 2015, EVNNPT sẽ tập trung thực hiện các giải pháp giảm sự cố do sét đánh, giảm sự cố do vi phạm hành lang, giảm TTĐN, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền... Đối với thiết bị ĐZ vận hành lâu năm, sẽ tăng cường kiểm tra soi phát nhiệt các điểm tiếp xúc (khóa néo, ống nối, đầu cốt lèo…), kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, xử lý tồn tại ĐZ 220kV, 500kV...
 
Đối với TBA, cần lưu ý thực hiện một số giải pháp về mạch nhị thứ như: thực hiện kiểm tra, thí nghiệm định kỳ các thiết bị, mạch nhị thứ TBA theo quy định, sửa chữa khắc phục ngay khiếm khuyết phát hiện được; tiến hành cải tạo, sắp xếp, vẽ hoàn công phần nhị thứ các TBA, đánh số, dán tem, nhãn thiết bị… Bên cạnh đó, năm 2015 cần nâng cao kỷ cương, kỷ luật vận hành; tăng cường công tác khảo sát, lập phương án, công tác giám sát thi công; thực hiện rà soát các phiếu thao tác mẫu, tổ chức tập huấn, sát hạch cho các nhân viên vận hành trạm để giảm thiểu các sự cố do thao tác gây ra. Đối với thiết bị nhất thứ, phải tăng cường kiểm tra, thí nghiệm định kỳ, sửa chữa khắc phục ngay khiếm khuyết phát hiện được; trang bị các thiết bị giám sát, tăng cường kiểm tra giám sát đối với các thiết bị lâu năm, thiết bị có khiếm khuyết…
 
Các giải pháp quản lý được vạch ra là: rà soát bổ sung thiết bị, dụng cụ sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm cấp cho các Công ty TTĐ. Các Công ty TTĐ phải phối hợp với các Công ty Điện lực để xác định nhu cầu phát triển phụ tải, căn cứ tình hình mang tải thực tế của các ĐZ, TBA để đề xuất các giải pháp chống quá tải các ĐZ, TBA, cũng như giãn tiến độ các dự án chưa cần thiết; theo dõi, thống kê và đề xuất kịp thời kế hoạch nâng công suất các TBA thường xuyên vận hành đầy, quá tải.
 
Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với ĐZ 500kV Bắc - Nam, các ĐZ đấu nối các nguồn điện, lưới điện cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; công tác phân tích sự cố phải sát sao hơn để kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn ngừa; tập trung ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy định cho các thiết bị, cho thiết kế nhất thứ, nhị thứ; thực hiện các công trình trọng điểm, các công trình chống quá tải, lắp đặt các tụ bù,… để giảm tải các ĐZ, TBA, cải thiện tình trạng điện áp thấp, điện áp cao; hoàn thiện, tổng kết, đánh giá và triển khai trên diện rộng các trung tâm điều khiển xa và áp dụng TBA không người trực…
 
Hoi nghi QLKT 2015_2.jpg 
 Ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện của các Công ty TTĐ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ kỹ thuật và lực lượng trực tiếp quản lý vận hành trong toàn Tổng công ty. Ông Đặng Phan Tường đã tổng kết khối lượng quản lý vận hành, cơ cấu tổ chức khối TTĐ đến thời điểm hiện tại và các kết quả đã đạt được trong công tác quản lý vận hành của Tổng công ty năm 2014 và phổ biến các chiến lược, định hướng phát triển của Tổng công ty trong những năm tới. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý vận hành như: số vụ sự cố mặc dù giảm so với các năm trước nhưng vẫn còn cao; TTĐN không đạt chỉ tiêu EVN giao; vẫn xảy ra tình trạng đầy tải và quá tải tại nhiều thời điểm trên lưới; nhiều thiết bị đưa vào vận hành lâu năm và thường xuyên phải vận hành đầy, quá tải dẫn đến tình trạng xuống cấp, không đảm bảo tin cậy trong vận hành; lưới truyền tải điện chưa đáp ứng  tiêu chí N-1 trong toàn hệ thống, đặc biệt là lưới điện cấp cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; vẫn còn hiện tượng điện áp cao vào thời gian thấp điểm và điện áp thấp do huy động cao các nguồn điện… Đồng thời, Ông cũng đã nêu lên một số công việc trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2015, đó là: (i) Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan, giảm tối đa sự cố do sét, do sai sót trong thiết kế, thi công; (ii) Chỉ tiêu TTĐN đạt 2%, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải tìm mọi giải pháp để thực hiện cho bằng được; (iii) Rà soát xây dựng và thực hiện các quy định, quy trình trong công tác quản lý kỹ thuật và vận hành; (iv) Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong công tác đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng; (v) Xây dựng, tổ chức lại hệ thống viễn thông phục vụ công tác vận hành; (vi) Giải quyết lực lượng trèo cao đã hết tuổi theo quy định; (vii) Nâng cao chất lượng tư vấn giám sát; (viii) Các Công ty Truyền tải điện và các Ban A cần tăng cường phối hợp, tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết tồn tại của các dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành; (ix) Khắc phục tình trạng quá tải, đầy tải, điện áp thấp, cao; (x) Sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực thí nghiệm, sửa chữa, xử lý sự cố.
 
Chủ tịch Đặng Phan Tường cũng đã yêu cầu lãnh đạo, các Ban Tổng công ty, các đơn vị phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ nói chung, các nội dung liên quan đến công tác kỹ thuật và quản lý vận hành nói riêng đã được Hội đồng thành viên EVNNPT giao tại Nghị quyết số 828/NQ-HĐTV ngày 05/3/2015, cụ thể là: (i) Tập trung đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện Quốc gia, lập và triển khai thực hiện Đề án xây dựng hệ thống truyền tải điện Quốc gia hiện đại, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển. Lưu ý các giải pháp đảm bảo tiêu chí N-1, N-2; (ii) Đánh giá thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; (iii) Lập đề án và thực hiện các giải pháp bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị vận hành lâu năm và vật tư thiết bị dự phòng; (iv) Nghiên cứu sự cần thiết xây dựng ĐZ 500kV mạch 3 từ Pleiku ra miền Bắc, rà soát các mạch vòng 220kV, 500kV; (v) Hoàn thiện, tổng kết, đánh giá và triển khai trên diện rộng các trung tâm điều khiển xa và áp dụng TBA không người trực; (vi) Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh cách điện hotline trong toàn Tổng công ty, sửa chữa nóng, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; (vii) Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hiện có, xác định nhu cầu trong tương lai và xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong toàn EVNNPT (trong đó ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành); (viii) Xây dựng và triển khai Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động của EVNNPT giai đoạn 2016 - 2020; (ix) Xây dựng và thực hiện Chiến lược thông tin truyền thông và quan hệ cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, trong đó tập trung tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ tất yếu là phải đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của EVN giao cho Tổng công ty, của Tổng công ty giao cho các đơn vị.
 
 P1150868.JPG
 Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Cũng tại Hội nghị, Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc EVN đã phát biểu chỉ đạo và đánh giá cao các kết quả đạt được của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, cũng như các giải pháp giảm thiểu sự cố, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục. Để tiếp tục đảm bảo nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng tăng, Ông Đặng Hoàng An yêu cầu Tổng công ty: (i) Lập kế hoạch triển khai khắc phục ngay các tồn tại; (ii) Rà soát, hoàn thiện ngay hệ thống kỹ thuật trong toàn Tổng công ty (đặc biệt các quy trình, quy phạm, kiểm tra TTĐN hàng ngày, hàng giờ…); (iii) Rà soát lưới điện truyền tải trong QHĐ VII hiệu chỉnh để có các kiến nghị cần thiết, trong đó xem xét sự cần thiết xây dựng ĐZ 500kV mạch 3 từ Pleiku ra miền Bắc, rà soát các mạch vòng 220kV, 500kV; (iv) Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác đầu tư xây dựng; (v) Tăng cường trang bị công nghệ mới cho vận hành, thi công (vệ sinh cách điện hotline, sửa chữa nóng, hệ thống viễn thông…); (vi) Kiến nghị đưa toàn bộ ĐZ 220kV, 500kV vào hệ thống công trình an ninh Quốc gia và (vii) Nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, vận hành và lưu ý giải pháp cho công nhân trèo cao hết tuổi theo quy định.
Lê Hoan