Hiện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia
(EVNNPT) đang giao Công ty Truyền tải
điện 4 (PTC4) quản lý vận hành lưới điện từ 220-500kV nhằm đảm bảo cung cấp
điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho toàn bộ 19
tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Trong đó, Truyền tải điện Miền Đông 2 là
đơn vị trực thuộc PTC4 có chức năng truyền tải điện cao áp cung cấp điện cho
Tổng công ty Điện lực Miền Nam để đơn vị này phân phối điện cho các tỉnh Bình
Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Tủ định vị sự cố tại trạm biến áp 500
kV Tân Định. Ảnh: Mai Phương/TTXVN
Ông Nguyễn Tấn
Hậu, Phó Giám đốc Truyền tải điện Miền Đông 2 cho biết, để đảm bảo lưới điện
trên địa bàn vận hành tin cậy và an toàn trên địa bàn các tỉnh trên, đơn vị
được trang bị 3 bộ định vị sự cố trên đường dây 500 kV Tân Định - Di Linh dài
175 km và đường dây 220 kV Bình Long - Đắc Nông 2 mạch dài 128 km. Trong tháng
10 này sẽ lắp đặt xong, tháng 11 sau khi thí nghiệm hiệu chỉnh sẽ đưa vào
vận hành.
Truyền tải điện miền Tây 2 quản lý lưới điện cao áp của 5 tỉnh là
Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long. Phó Giám đốc Truyền tải
điện miền Tây 2, Ngô Mạnh Trung cho biết, trước đây chưa có bộ định vị sự cố
thì khi có sự cố không phát hiện được chính xác địa điểm xảy ra.
Tuy nhiên khi
lắp đặt thiết bị định vị sự cố tại 4 đường dây 500 kV do đơn vị quản lý thì sẽ
giảm thiểu thời gian xác định vị trí sự cố, từ đó tìm giải pháp khắc phục kịp
thời.
Riêng trạm biến áp (TBA) 500 kV Mỹ Tho là điểm nút của hệ thống điện
quốc gia nói chung và hệ thống điện miền Nam nói riêng. Trạm nhận điện từ các
nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch, Duyên Hải, Trị An, Hòa Bình, Ô Môn, Cà Mau….
Trong tương lai trạm sẽ nhận điện thêm từ 2 nhà máy điện chuẩn bị đi vào vận
hành là Long Phú và Sông Hậu.
Thực hiện yêu cầu PTC4 về đẩy mạnh khoa học công nghệ, Trưởng Trạm
Dương Thanh Trúc cho biết, Công ty ATS đang triển khai lắp đặt tại trạm thiết
bị định vi sự cố cho các đường dây 220-500 kV. Theo kế hoạch đến ngày 22/10 sẽ
cắt điện đường dây đi Ô Môn và trong tháng 10 sẽ hoàn tất dự án này, sau đó mới
triển khai tới các đường dây khác.
Theo ông Trúc, sau khi đi vào vận hành, hệ thống định vị sự cố này
sẽ giúp xác định nhanh, chính xác vị trí sự cố, từ đó giảm thời gian khắc phục
sự cố, nâng cao độ tin cậy cấp điện, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Dữ liệu sự cố
thu thập từ hệ thống này một mặt được khai thác tại trạm giúp điều hành viên
báo cáo chính xác thông tin sự cố, mặt khác khác được đưa về trung tâm tại
PTC4, giúp công ty nhanh chóng nắm thông tin, phân tích nhanh sự có, từ đó đưa
ra chỉ đạo xử lý, khôi phục điện trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài trang bị
thiết bị định vị sự cố trên các đường dây, PTC4 còn triển khai xây dựng Trung
tâm điều khiển xa Tân Định. Theo PTC4, hiện công ty đang quản lý vận hành hơn
33 TBA và mạng lưới điện truyền tải rất lớn từ 220-500 kV; trong đó nhiều trạm
đã sử dụng công nghệ tự động hóa trạm.
Tuy nhiên các
thiết bị hiện đang sử dụng trên lưới có rất nhiều chủng loại, sản xuất từ các
nước khác nhau và áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau gây khó khăn trong quản lý
vận hành lưới điện cũng như chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn và
đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Do vậy, PTC4 sẽ xây dựng 2 Trung tâm điều khiển xa đặt tại TBA 500
kV Mỹ Tho (Tiền Giang) và TBA 500 kV Tân Định (Bình Dương). Hai Trung tâm này
sẽ trang bị hệ thống máy tính chủ Server và các thiết bị kết nối mạng tại trung
tâm có dung lượng kết nối vận hành, thu thập dữ liệu và điều khiển xa cho 10
TBA.

Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho. Ảnh: Mai Phương/TTXVN
Hiện Trung tâm
điều khiển xa đặt tại trạm Tân Định là một trong những trạm 500 kV lớn của khu
vực phía Nam với sản lượng truyền tải nhận từ Bắc đến Nam mỗi năm tăng hơn 5%
đã được nghiệm thu hoàn tất đúng thiết kế và đưa vào vận hành thử tháng 5/2017,
giám sát vận hành các TBA 220 kV Mỹ Phước, Uyên Hưng, Thuận An và Trảng Bảng.
Việc đưa vào
vận hành trung tâm sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, giảm định mức lao động
tại các TBA và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát, điều hành từ xa tại
các trạm không người trực và bán người trực trong tương lai.
Trạm trưởng TBA 500 kV Tân Định Nguyễn Tuấn Hải cho biết, đối với
các TBA 220 kV đưa vào trung tâm thì định mức lao động là 11 người, mỗi ca có 2
người trực, khi đưa vào vận hành bán người trực (giai đoạn 1 là 5/12) thì định
mức lao động của trạm chỉ còn 5 người, mỗi ca trực còn 1 người.
Đến giai đoạn 2
là TBA không người trực (sau 4 tháng hệ thống vận hàng ổn) thì trạm chỉ
còn lực lượng bảo vệ và lực lượng vận hành sẽ không còn để chuyển sang các TBA
mới chuẩn bị vào vận hành.
Đối với TBA 220 kV Mỹ Phước, Trạm trưởng TBA 220 kV Mỹ Phước Đặng
Văn Tuấn chia sẻ, thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNNPT về ứng dụng công nghệ vào sản xuất,
góp phần tăng năng suất lao động, đến tháng 7/2016, trạm đã chuyển sang chế độ
vận hành bán người trực, từ 11 người chỉ còn 6 người trực, kể cả trưởng trạm.
Để chuẩn bị cho trung tâm điều khiển vào vận hành, trạm đã đào tạo
CBCNV phù hợp với tình hình vận hành, hiệu chỉnh các quy trình để đi vào vận
hành trung tâm từ ngày 5/12 tại Bình Hòa theo mô hình không người trực. Trong
thời gian đầu chuyển sang bán người trực, công việc của người trực sẽ tăng lên
gấp đôi. Sau thời đầu đi vào hoạt động, đến nay công nhân vận hành đã quen với
công việc mới. Trạm trưởng Đặng Văn Tuấn cho biết.
Quản lý vận hành hơn 7.026 km, chiếm tỷ lệ 30% toàn lưới điện
truyền tải Quốc gia và 47 trạm biến áp, tổng công suất 29.165 MVA, chiếm tỷ lệ
41% toàn lưới điện truyền tải Quốc gia, sản lượng điện truyền tải hàng năm của
PTC4 chiếm hơn 45% tổng sản lượng điện truyền tải Quốc gia.
Tốc độ tăng
trưởng lượng điện truyền tải hàng năm bình quân của công ty vào khoảng 11%/năm.
Riêng năm 2017 kế hoạch sản lượng truyền tải được giao là 85,5 tỷ kWh./.