Lưới truyền tải điện khu vực phía Bắc sẵn sàng trước bão số 8

Thứ tư, 13/10/2021 | 14:55 GMT+7
Bão số 8 được dự báo đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm có các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là khu vực lưới truyền tải điện do Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) quản lý. Để chủ động ứng phó với bão số 8, PTC1 đã có sự chuẩn bị như thế nào? PV có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Khôi – Phó Giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty Truyền tải điện 1.

Ông Hoàng Xuân Khôi – Phó Giám đốc PTC1

PV: Thưa ông, để chủ động ứng phó với bão số 8, PTC1 đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Theo thông tin dự báo khí tượng thủy văn, cơn bão số 8 là một cơn bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, có tốc độ di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Ngoài ra, hoàn lưu của bão có thể gây ra mưa lớn trên diện rộng cho các tỉnh thuộc Bắc Bộ, trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 7.

Để ứng phó với cơn bão số 8, PTC1 đã có công điện số 5677/CĐ-PTC1 ngày 12/10/2021 chỉ đạo cho tất cả các đơn vị truyền tải điện có lưới điện nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão triển khai ngay phương án PCTT&TKCN, với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Công ty tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời; đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng xây dựng phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục. Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước; khắc phục những tồn tại khiếm khuyết của lưới điện tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. 

Đồng thời Công ty đã cử đoàn công tác vào trong khu vực đó để sẵn sàng chỉ huy phòng chống thiên tai và xử lý nhanh các tình huống nếu bão đổ bộ gây thiệt hại cho lưới truyền tải điện.

PV: Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nền đất yếu do ảnh hưởng bởi bão số 7, đơn vị đã có những phương án nào khắc phục?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Bão số 7 đã trở thành áp thấp nhiệt đới, khi vào đất liền sức gió hầu như không gây ảnh hưởng tới lưới truyền tải điện. Tuy nhiên, mưa lớn do hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới gây ra có thể đe dọa đến an toàn vận hành lưới truyền tải điện, đặc biệt là đường dây cao áp và siêu cao áp có các vị trí cột tại địa điểm đồi núi cao, có nguy cơ sạt lở, hoặc các vùng vượt qua sông, hồ, nơi có mực nước dâng cao bất thường có thể ảnh hưởng đến khoảng cách an toàn vận hành đường dây.

Đây là những tình huống đã được PTC1 lường trước và sẵn sàng các phương án ứng phó. Từ đầu năm, trước mùa mưa bão, PTC1 đã cho rà soát, củng cố, xử lý các vị trí có nguy cơ sạt lở, hoàn thành trước mùa mưa bão. Các vị trí xung yếu đã được xử lý hoàn thành trước tháng 8 năm 2021. Ngoài ra, tất cả các khiếm khuyết thiết bị phần điện đã được rà soát, xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

Ngay sau đợt mưa bão số 7, các truyền tải điện đã kiểm tra, khắc phục những ảnh hưởng, đồng thời liệt kê các điểm xung yếu để tập trung theo dõi, có phương án ứng phó. Đến thời điểm hiện tại (ngày 13/10), mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8 đã được đơn vị hoàn tất.

PTC1 củng cố lưới điện trước bão số 8

PV: Trong bối cảnh mưa bão, cùng với dịch bệnh vẫn phức tạp, việc đi lại giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn? Đây có phải khó khăn cho đơn vị không? Đơn vị có giải pháp gì cho vấn đề này?

Ông Hoàng Xuân Khôi: Dịch COVID-19 đã gây khó khăn, trở ngại rất lớn trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa nói chung và công tác PCTT&TKCN nói riêng của PTC1. Trước vấn đề này, PTC1 đã có các phương án chuẩn bị chu đáo: Một mặt, tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương; mặt khác, chuẩn bị sẵn sàng cho CBCNV các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, lực lượng làm nhiệm vụ của PTC1 đã được tiêm đầy đủ 02 mũi vắc xin phòng COVID-19. Công ty cũng đã có công văn gửi các địa phương nhằm tạo điều kiện cho CNCNV truyền tải điện trong quá trình di chuyển qua các địa phương để thực hiện  nhiệm vụ; tổ chức xét nghiệm PCR đầy đủ cho người tham gia công tác theo đúng quy định.

Các Truyền tải điện khu vực cũng đã chủ động tích cực cho công tác này, như đảm bảo 4 tại chỗ, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, chuẩn bị chu đáo các phương án có thể xảy ra để chủ động hành động khi có thông tin dự báo về thiên tai có thể xảy ra.

PV: Công ty có đặt ra tình huống giả định nếu mưa bão gây ảnh hưởng lớn đến lưới truyền tải điện việc huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị được đơn vị triển khai như thế nào để nhanh chóng cấp điện trở lại? 

Ông Hoàng Xuân Khôi: Tất cả các tình huống thiên tai có thể gây ảnh hưởng, sự cố nặng nề tới lưới truyền tải điện đã được Công ty xem xét, đưa vào phương án PCTT&TKCN hằng năm để sẵn sàng ứng phó. Về vật tư, thiết bị, phương tiện để xử lý sự cố do thiên tai gây ra đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng huy động. Đối với lực lượng tham gia ứng phó, Công ty đã có phương án huy động: Ngoài lực lượng tại chỗ theo phương châm 4 tại chỗ của đơn vị TTĐ khu vực, Công ty có phương án huy động lực lượng của các TTĐ hỗ trợ. Ngoài ra, PTC1 đã có văn bản và phương án phối hợp ứng phó thiên tai với các đơn vị bạn như Công ty Dich vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), các đơn vị Xây lắp điện, các đơn vị Điện lực trong khu vực và đặc biệt là Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương để giúp đỡ khi cần. Mục tiêu là phải nhanh nhất khắc phục sự cố để cấp điện trở lại.

Tuy nhiên công tác phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, do bản thân nó ẩn chứa rất nhiều yếu tố khó lường. Đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, việc huy động các nguồn lực để ứng phó sự cố lưới điện do thiên tai càng khó khăn phức tạp hơn. Để hoàn thành nhiệm vụ, chắc chắn PTC1 phải cần tới sự hỗ trợ, giúp đỡ của EVN, EVNNPT và chính quyền địa phương.

PTC1 rất mong EVN, EVNNPT giúp đỡ Công ty phối hợp với chính quyền địa phương các cấp có hỗ trợ cụ thể trong công tác di chuyển vật tư, phương tiện, nhân lực giữa các địa phương trong điều kiện dịch COVID-19./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Công ty Truyền tải điện 1 quản lý vận hành:

Lưới truyền tải điện từ Hà Tĩnh trở ra gồm:

- Chiều dài đường dây 500kV: 6.267 km
- Chiều dài đường dây 220kV: 14.304 km
- Tổng số TBA 500kV: 14
- Tổng số TBA 220kV: 58
- Tổng dung lượng máy biến áp 500kV: 17.550 MVA
- Tổng dung lượng máy biến áp 220kV: 29.125 MVA

 
Xuân Tiến