Mưa lớn bất thường, vượt mốc lịch sử
năm 1991, những đợt mưa quá nhiều và quá dài đã làm cho đất không còn có thể ngấm
được nước. Những khối đất đỏ rắn chắc ngày nào không còn có thể giữ được mình
nguyên vẹn, chúng bở ra và tràn xuống bất cứ nơi nào có thể. Nhiều ngả đường bị
đất vùi cao ngun ngút, giao thông bị tê liệt nhiều ngày. Trên những ngọn đồi
cao hay những vùng trũng sâu, nơi có đường dây 220 kV, 500 kV đi qua đất đá ở chân móng cột cũng sạt lở vô vàn. Tính đến thời điểm
hiện tại, tổng có 22 vị trí móng cột bị sạt lở tập trung
chủ yếu vào hai địa bàn thuộc đội Truyền tải điện Mai Sơn và đội Truyền tải điện
Phù Yên quản lý, trong đó có 13 vị trí thuộc đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp
Hòa, 03 vị trí thuộc đường dây 500 kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan và
06 vị trí thuộc đường dây 220 kV Sơn La - Việt Trì.

Vị trí 122 đường dây
500 kV Sơn La - Hiệp Hòa
Địa bàn rộng, quân số thưa, đường
xá ách tắc phần thì do đất đá sạt lở chắn hết đường, phần thì nước ngập sâu xe
không qua nổi đã làm cho khó khăn tăng lên gấp bội. Vượt lên khó khăn vì dòng
điện thân yêu của Tổ quốc, lãnh đạo Truyền tải điện Tây Bắc 2, trực
tiếp là đồng chí Lê Tùng Lâm - Phó Giám đốc phụ trách khối đường dây, cùng toàn bộ lực
lượng của phòng Kỹ thuật, cũng như anh em Công nhân đội Truyền tải điện Mai
Sơn, Phù Yên đã bất chấp mưa gió, lũ lụt ngâm mình trong nước, trong đất để tiếp
cận được những vị trí móng cột bị sạt lở, kịp thời nắm bắt, kịp thời đánh giá
và kịp thời xử lý đó là những gì cần phải làm lúc này.

Tìm cách tiếp cận những
cột bị sạt lở để xử lý
Nhiều ngày liền những người lính Truyền tải phải đi từ tờ mờ sớm, khi chưa nhìn rõ mặt người, các anh đi hàng
chục cây số và nhiều khi trước mắt là biển nước, biển đất ngập trong bùn lầy,
các anh đã phải quay lại chừng ấy chặng đường về nơi xuất phát ban đầu để tìm
cho mình một hướng đi khác mới có thể đến được vị trí cột. Lúc các
anh về mặt trời đã xế bóng từ lâu, là lúc những đứa con thơ đã chìm vào giấc
ngủ.
Cũng có những đồng chí vì địa hình đi lại quá khó khăn, khi màn đêm buông
xuống họ buộc phải dừng chân tại một nhà dân trên tuyến ở lưng chừng đồi; điện
mất, ống dẫn nước bị vỡ, sóng điện thoại không có, muốn báo cáo công việc phải
di chuyển mấy trăm mét mới tìm được chỗ có sóng.
Khó khăn chồng chất khó khăn, không dừng lại ở những gì nhìn thấy được, khi
sạt lở đương nhiên phải xử lý. Vì vậy, song song với việc tìm kiếm các vị trí
sạt lở thì Lãnh đạo Truyền tải điện Tây bắc 2 cũng kịp thời chỉ đạo huy động
nhân lực khắc phục sạt lở tức thời. Vật tư, dụng cụ thi công lần lượt được di
chuyển tới từng móng cột.

Khẩn trương xử lý, khắc
phục những điểm sạt lở
Đi qua những ngày mưa là những ngày nắng, cái nắng sau cơn mưa gay gắt đến
khó chịu. Những Người lính truyền tải vẫn thầm lặng không quản mệt nhọc ra sức
gia cố thi công để chằng néo tạm chống nghiêng cột, phủ bạt lên khu vực bị sạt
lở để chống thấm nước các vị trí cột. Những ngày làm việc xuyên trưa, thay vì
những bát cơm ngon, canh ngọt, ngồi trong nhà mát thì bữa trưa của các anh là những
thân chuối mọc dại bên sườn đồi, dưới cái nắng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại thay
canh. Vượt lên trên muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng các Anh vẫn luôn gồng mình
và bước qua tất cả, biến vất vả thành hành động để truyền niềm tin. Cảm ơn các
Anh những người lính Truyền tải điện Tây Bắc 2 hùng dũng./.
Một số hình ảnh:

Mưa lớn đã gây sạt lở
cột 220 kV, vị trí 278 đường dây Việt trì - Sơn La

Tìm kiếm và tiếp cận
bằng cả đường thủy

Di chuyển đưa các
phương tiện đến nơi xử lý sạt lở

Ngôi nhà ở tạm trong
thời gian xử lý sạt lở móng cột