Hạn
hán đã hút gần như cạn kiệt nước trên các ao hồ, sông suối...Theo cái nắng nóng
giữa mùa khô, chúng tôi rong ruổi trên quốc lộ 1 từ Bình Định vào Khánh Hòa,
hai bên đường là những quả đồi hoang hóa, nham nhở, đang trơ ra những gốc cây
khô cằn cứ thế nối tiếp nhau. Dòng sông Ba vốn dữ dội là vậy mà giờ đây cũng đã
khô kiệt. Tại Phú Yên, nhiều hộ dân ở huyện Sơn Hòa đã rơi vào tình trạng thiếu
nước sinh hoạt. Hạn hán khiến cho việc trồng trọt của người dân trở nên khó
khăn hơn bao giờ hết. Cuộc sống người dân đang khó khăn là vậy, nhưng để vận
hành an toàn đường dây truyền tải lại càng khó khăn gấp bội vì những người lính
truyền tải không chỉ chiến đấu với khô hạn, nắng nóng mà còn phải chiến đấu… với
lửa.

Công nhân Truyền tải
Điện Bình Định chủ động đốt thực bì phòng ngừa cháy rừng bạch đàn trên đỉnh đèo
Cù Mông. Ảnh Ngọc Hà
Cuộc chiến với lửa
Giám
đốc Truyền tải điện Phú Yên Nguyễn Duy Ngọ lo lắng, từ cuối tháng 4 cho đến
nay, ở bất cứ cuộc họp nào cũng rôm rả đề tài “lửa” và “cháy”. Chưa có mùa khô
năm nào tình trạng cháy rừng, cháy mía lại diễn ra nhiều và nóng bỏng đến như vậy.
Để ngăn ngừa cháy rừng, cháy mía ảnh hưởng đến vận hành đường dây 220kV trên địa
bàn Phú Yên, anh em huy động toàn bộ lực lượng trực chiến trên tuyến 24/24. Khi
chúng tôi có mặt tại hạ Sông Ba, nơi đường dây 220kV đi qua với chiều dài khoảng
20km là ruộng mía của dân. Mía đã được thu hoạch, nỗi lo đã vơi đi phần nào.
Giám đốc Nguyễn Duy Ngọ nói, nhớ vào thời điểm này của tháng trước, mía chưa được
thu hoạch, anh em “ăn không lo, ngủ không yên”, đi gặp chủ mía để xin hỗ trợ họ
chặt mía, dân không cho. Tìm cách khác, gặp lãnh đạo Nhà máy đường xin cấp giấy
để các hộ có ruộng mía nằm dưới đường dây được thu hoạch sớm. Có hộ còn tỏ ra
khó chịu khi anh em công nhân cứ đến “xin việc” như vậy. Nhưng biết làm sao, bảo
vệ đường dây để dòng điện thông suốt là công việc quan trọng nhất của người
lính truyền tải. Khi đã xảy ra sự cố thì dù vì bất cứ lý do gì cũng vẫn phải
làm kiểm điểm. Đơn cử như vụ gây sự cố đường dây do cháy mía từ tháng trước. Chỉ
đi ăn trưa khoảng 30 phút, đám cháy mía cách hành lang lưới điện khá xa nhưng
do có gió, nhiệt độ ngoài trời cao nên đám cháy lan nhanh không kiểm soát được.
Cấp trên yêu cầu kiểm điểm đi kiểm điểm lại vẫn chưa tìm ra lỗi. Cũng đúng
thôi, hành lang tuyến, nơi có nguy cơ cháy cao đã làm việc với chính quyền địa
phương cho phép phát rộng đến 14m (quy định là 7m), anh em đi vận động và giúp
dân thu hoạch mía sớm,…tất cả các quy định, quy trình đều đúng, nhưng thiên tai
quả là khó lường.
Vơi
đi nỗi lo cháy mía, còn nỗi lo cháy rừng. Theo thông báo mới đây của Cục Kiểm
lâm - Bộ NN-PTNT, 3 tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đều có
nguy cơ cháy rừng cao. Một số huyện của tỉnh Bình Định được cảnh báo cháy rừng ở
cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp 5), tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ở cấp nguy hiểm (cấp 4).
Nguyên nhân chính là do các vùng rừng của 3 tỉnh nói trên hầu như không có mưa
trong thời gian qua, thời tiết đang khô hanh nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Tại
Phú Yên, thời tiết khô hanh do nắng nóng bắt đầu từ tháng 3 và hiện đã lên đến
đỉnh điểm với nhiệt độ trên 40 độ C; trong đó, huyện Sơn Hòa có nhiệt độ cao nhất.
Hiện nhiều khu vực rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và Đèo Cả, các
Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh và một số khu vực khác
đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng,
chống hiệu quả. Gây ra cháy chủ yếu là do người dân mang thiết bị phát lửa, sử
dụng lửa trong rừng, đốt nương làm rẫy và những sơ ý khác khi dùng lửa ở những
khu vực có nguy cơ cháy cao. Phú Yên có gần 67.000 ha rừng trồng (trong đó có
61.300 ha rừng khép tán trên 3 năm tuổi) là loại rừng thực bì dày nên dễ cháy
và lan nhanh nhất.
Gặp
Giám đốc Truyền tải điện Bình Định Đặng Đình Phụng đang cùng anh em kiểm tra
tuyến tại khu vực rừng đèo Cù Mông trong cái nắng nóng lên tới 42 độC. Bình Định
có gần 311.000 ha đất có rừng, theo thống kê của ngành kiểm lâm, trong vài năm
gần đây, nạn cháy rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra ngày càng nghiêm trọng, số vụ
cháy rừng tăng theo từng năm. Năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 57 vụ cháy
rừng làm thiệt hại gần 415 ha rừng. Từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện nhiều đám
cháy nhỏ. Từ đầu năm, anh em đã ra quân làm sạch hành lang tuyến, đặc biệt, từ
tháng 4 đến nay, làm thông cả thứ 7, Chủ nhật và 6 ngày lễ 30-4 và 1-5 nên đã
giúp dân thu hoạch 62.853 m2 mía, phát quang hành lang tuyến 111.762m2 cây rừng
và 40.260m2 các cây khác có nguy cơ cháy. Khối lượng còn lại, theo Giám đốc Đặng
Đình Phụng, đến khoảng 10-6 là hoàn thành.
Cả
một dải Miền Trung suốt một tháng qua nóng như một cái chảo rang. Khắp nơi từ
đô thị, rừng núi, ruộng đồng đều quay quắt vì nắng nóng. Nên mặc dù mới vào đầu
mùa khô nhưng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tình trạng mía cháy đã xảy ra liên tục
và ở mức đáng báo động. Từ đầu vụ đến nay, thị xã Ninh Hòa ( tỉnh Khánh Hòa) có
khoảng 11.200 ha mía đang vào mùa thu hoạch nhưng liên tục xảy ra các vụ cháy,
đặc biệt là vùng mía tập trung tại xã Ninh Tây. Mía cháy hàng loạt khiến người
trồng rơi vào tình cảnh điêu đứng. Được biết, chỉ từ ngày 20 đến 30-3, trên địa
bàn xã đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy mía trên diện rộng, thiêu rụi trên 63 ha.
Tính đến nay, tổng diện tích mía bị cháy tại xã này đã lên đến trên 93 ha,
tương đương sản lượng 4.815 tấn, thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng. Ngoài ra, các
xã khác như: Ninh Sim, Ninh Xuân, Ninh Thượng… cũng bị cháy hàng chục héc-ta
mía. Nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến nguy cơ cháy rất
cao. Chỉ cần một tàn thuốc lá cũng đủ bùng phát thành đám cháy lớn, lan rộng.
Giám
đốc Công ty Truyền tải điện 3 Hoàng Xuân Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, đã
xảy ra 3 lần sự cố đều trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nguyên nhân do cháy rừng và
cháy mía nhưng đều nằm ngoài hành lang lưới điện. Vụ thứ nhất xảy ra ngày
21-3-2015, do cháy ruộng mía của ông Nguyễn Văn Đông lan sang cháy ruộng mía của
ông Nguyễn Quốc Sĩ. Lúc này có lỗ xoáy đã cuốn cột lửa, khói bốc cao trùm vào
đường dây 220kV Krông Buk-Nha Trang gây sự cố; vụ thứ 2, xảy ra ngày 20-4-2015,
do một số người dân tộc Tày chiếm rừng trái phép, phát quang làm nương rẫy bên
ngoài hành lang lưới điện phía sườn đồi làm cho một số cây trượt xuống sườn dốc
và thung lũng. Khi người dân đốt rẫy, có gió lớn đã làm lửa cháy lan theo sường
dốc đến thung lũng gây sự cố đường dây 500kV Pleiku-Di Linh; vụ thứ 3, xảy ra
ngày 12-5-2015, do cháy ruộng mía đang thu hoạch của ông Nguyễn Rơn ở phía
ngoài hành lang lưới điện cháy lan sang ruộng mía giống của ông Nguyễn Rành và
ruộng mía đang thu hoạch của ông Cao Hùng. Do lúc này thời tiết hanh khô có
giông và gió lốc nên cột lửa và khói bốc cao cuốn vào đường dây gây sự cố đường
dây 220kV Krông Buk-Nha Trang. Mặc dù, ngay từ đầu năm Công ty đã triển khai
các giải pháp phòng chống như trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương,
các ngành liên quan như Lâm nghiệp, Công an, các Nhà máy đường cùng phối hợp bảo
vệ hành lang lưới điện cao áp. Đặc biệt, đã cử lực lượng quản lý vận hành giúp
chủ các ruộng mía thu hoạch, thu dọn lá mía và canh trực khu vực có ruộng mía để
sớm phát hiện cháy để kịp thời dập tắt.
Tự hào người lính bảo vệ đường dây
Giám
đốc Công ty Truyền tải điện 3 Hoàng Xuân Phong cho biết, với tổng chiều dài hơn
4.222km đường dây do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý, đều đi quan khu vực có
khí hậu khắc nghiệt. Ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên chỉ có hai mùa là
mùa mưa và mùa khô. Vào mùa mưa thì gió bão và lũ quét thường xảy ra; mùa khô
thì nắng nóng kéo dài, đêm sương mù dày đặc, nhiệt độ môi trường dao động với
biên độ lớn, bụi đất đỏ Bazan nhiều kèm với gió lốc mạnh, sương mù nên sứ cách
điện bị nhiễm bẩn rất nhanh. Các yếu tố trên đã làm cho cách điện nhanh chóng bị
bám bụi, nhanh suy giảm cách điện. Đường dây đi qua vùng nhiễm mặn, vùng sương
muối nhanh bị rỉ mục. Các sự cố đường dây 500kV Pleiku-Phú Lâm (ngày
28-1-2009), 500kV Pleiku-ĐăkNông (ngày 21-3-2012), 500kV ĐăkNông- Phú Lâm (ngày
16-4-2012) và 500kV Plaiku-Di Linh (8-2-2013) đều do sương muối dày đặc kèm với
nhiễm bẩn gây phóng điện qua chuỗi cách điện. Công ty thường xuyên cho anh em
kiểm tra trị số tiếp địa theo quy trình và xử lý ngay các trường hợp tiếp địa
không đạt phát sinh trong vận hành, tuy nhiên, do địa hình đường dây truyền tải
đi qua nhiều địa hình phức tạp, mật độ giông sét cao nên vẫn xảy ra sự cố do
giông sét, đặc biệt là các đường dây 220kV.
Để
đảm bảo điện cho mùa khô năm 2015, ngay từ cuối năm 2014, các đơn vị truyền tải
đã triển khai đo kiểm tra vầng quang và có kế hoạch vệ sinh cách điện vùng nhiễm
bẩn, đo kiểm tra nhiệt độ mối nối, đấu cốt lèo…đồng thời, thống kê các khoảng cột
xung yếu cần theo dõi và xử lý. Tính đến nay, Công ty đã phát quang, thu dọn và
tạo hành lang chống cháy an toàn đường dây truyền tải với khối lượng
5.139.707m2 (trong đó diện tích mía là 1.123.904m2, cây rừng 3.755.893m2 và các
loại cây khác có nguy cơ cháy là 259.910m2).
Suốt
một tháng nắng nóng, anh em ở tất cả các đơn vị Truyền tải tăng cường công tác
kiểm tra ngày đêm trên tuyến. Tập trung kiểm tra các đường dây dễ bị nhiễm bẩn,
sương mù, sương muối, giông sét…, như: các đường dây 500kV: Pleiku-ĐăkNông,
ĐăkNông- Cầu Bông, Pleiku-Cầu Bông, Di Linh- Tân Định…và các đường dây 220kV;
Pleiku-An Khê-Quy Nhơn, Di Linh-Bảo Lộc…
Bữa cơm trên tuyến của người lính truyền tải là
những suất cơm hộp hết sức đạm bạc, ai cũng ăn vội vã. Tuy vậy, câu chuyện bảo
vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, phòng chống cháy rừng mùa khô không kém
phần rôm rả khi mọi người tranh luận “vật chất và ý thức cái nào có trước” khi
nói về kết quả của người làm công tác truyền tải với tuyên truyền về bảo vệ
hành lang lưới điện. Mặc cho điều gì có trước, với những người lính truyền tải,
miễn dòng điện được truyền tải an toàn, liên tục thì họ an tâm khi nghỉ tuần và
khoác hành trang về thăm nhà ngày phép với niềm tự hào là người lính bảo vệ
dòng điện cho Tổ Quốc./.