Do ảnh hưởng của
đợt mưa lớn kéo dài những ngày cuối tháng 8 vừa qua, nhiều địa phương của tỉnh
Sơn La bị sạt lở nghiêm trọng. Một số vị trí móng cột của đường dây 500 kV Sơn
La - Hiệp Hòa nằm trên các khu vực núi cao, đèo dốc cũng bị sạt lở nặng, nguy
cơ ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn của đường dây. Gần 1 tháng nay, các
cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Truyền tải điện
Tây Bắc 2 (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) với sự hỗ trợ của chính quyền địa
phương và nhân dân ngày đêm bám trụ trên công trường để xử lý sự cố, đảm bảo
cho tuyến đường dây được vận hành an toàn.
Huy
động tổng lực để xử lý sự cố
Gần nửa giờ leo bộ hơn một cây số đường
núi ngoằn nghèo khúc khuỷu, 16h chiều 18/9/2018, chúng tôi đến được chân trụ cột
số 134 - một trong 5 vị trí móng cột 500 kV của tuyến đường dây 500 kV Sơn La -
Hiệp Hòa bị sạt lở nặng nề nhất. Trên độ cao hơn 600 m so với mực nước biển, gần
40 lao động là cán bộ, kỹ sư, thợ điện lành nghề được điều động, tăng cường từ
các đội truyền tải điện Phù Yên (Sơn La), Tuần Giáo (Lai Châu) cùng với sự hỗ
trợ của người dân địa phương đang có mặt trên công trường.
Ông Thái Minh Thắng - Giám đốc Truyền tải
điện Tây Bắc 2 cho biết, ngay sau khi phát hiện các sự cố trên tuyến đường dây
vào những ngày cuối cùng của tháng 8, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, dụng
cụ vật tư trang thiết bị tại chỗ để tổ chức triển khai xử lý bước đầu nhằm
khắc phục tạm thời (bằng cách chằng néo chống nghiêng cột, phủ bạt lên mặt móng
và khu vực bị sạt lở để chống thấm nước, đào thêm các rãnh thoát nước phía ta
luy dương để lái dòng chảy không cho nước chảy vào móng cột…). Bước tiếp theo của
công tác khắc phục (như đổ bê tông móng néo, lắp dây tăng néo cột và gia cố mái
dốc, kè rọ đá…) cũng đã cơ bản hoàn thành. Chiều ngày 18/9, đơn vị tư vấn thiết
kế (là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2) đã tăng cường nhân lực, thiết bị, đẩy
nhanh tiến độ khoan thăm dò địa chất để đưa ra phương án xử lý triệt để sự cố sạt
lở tại các vị trí móng cột đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa. “Có rất nhiều vị
trí phải qua hồ qua suối nên việc đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên là điều
đầu tiên, thế thì ngoài việc đảm bảo sức khỏe, huấn luyện bơi, đảm bảo áo phao…
chúng tôi phải thuê hợp đồng các thuyền có đủ tiêu chuẩn để đi sang sông.. đứng
từ vị trí này có thể nhìn thấy vị trí 139 chúng tôi thường xuyên phải thuê thuyền
đi để kiểm tra, thì đây là một khó khăn. Vị trí 137 cũng thế, đa số các trụ cột
trong tổng số 11 trụ cột của đường dây Sơn La - Hiệp hòa qua đây vào mùa này cũng
đều như thế…” - ông Thái Minh Thắng cho biết, vì thế đã có rất nhiều khó khăn
trong công tác xử lý sự cố trên tuyến đường dây này.
Cũng theo ông Thái Minh Thắng, gần một
tháng nay, để hỗ trợ cho Đội Truyền tải điện Phù Yên, Bắc Sơn, Truyền tải điện
Tây Bắc 2 đã huy động tối đa lực lượng của cả 5 Đội truyền tải điện trong đơn vị
(với tổng số gần 80 người và cán bộ nhân viên các phòng nghiệp vụ) để cùng lúc
xử lý nhanh cả 5 trụ cột đang trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm ở khu vực Phù
Yên, Bắc Sơn này.
Được mệnh danh là “lính tăng cường dẻo dai
nhất” trên công trường này, với gần 30 năm gắn bó với nghề truyền tải điện, 2 lần
biệt phái, tăng cường từ Đội Truyền tải điện Nghệ An đến với Đội Mường La, nay
về với Đội Phù Yên, công nhân thợ tay nghề bậc 5/7 Võ Xuân Trường chia sẻ: “Nói
chung địa hình của Tây Bắc 2 rất phức tạp, đồi núi rất cao. Nghệ An thì đỡ hơn.
Tất nhiên địa hình khó khăn hơn thì sẽ vất vả hơn. Bị sạt lở thì 31/8 phát hiện
ra, trong lúc mưa bão thì đi kiểm tra. Sau đó thì từ 01/9 là bắt đầu triển khai
luôn, không có ngày nghỉ. 02/9 là làm tại công trường luôn không có ngày nghỉ lễ,
Tết độc lập”.
Làm việc trong điều kiện địa hình hết sức
nguy hiểm tới tính mạng nhưng kỹ sư trẻ Hoàng Đình Cơ vẫn luôn miệt mài, quên mệt
để tìm kiếm những nguy cơ có thể xảy đến với đường dây. “Ở những vị trí sạt lở
luôn có những nguy cơ, khi mà sau khi mưa bão xảy ra thì những khu vực đồi, đất
ở phía taluy dương đã no nước rồi, nguy cơ sạt lở vẫn còn có thể xảy ra tiếp thế
nhưng anh em vẫn phải cố gắng để tiếp cận những điểm sạt lở để đánh giá nguy cơ
sạt lở cũng như độ nguy hiểm đe dọa đến móng cột”.
Theo ông Trần Minh Tuấn - Chủ tịch công
đoàn Công ty Truyền tải điện 1, xác định được tầm quan trọng đặc biệt của tuyến
đường dây huyết mạch 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa trong việc giải tỏa công suất của
Thủy điện Sơn La và Lai Châu nên cán bộ công nhân viên của Truyền tải điện Tây
Bắc 2 luôn phải làm việc trong điều kiện vất vả, đặc biệt vào mùa mưa lũ. “Rõ
ràng anh em ở đây vào mùa mưa bão là hết sức vất vả. Vì vậy chúng tôi luôn quan
tâm và có động viên từ trước. Đồng thời phối hợp với các đơn vị để có trang bị,
các điều kiện để anh em thi công được quan tâm. Thế rồi trong khi xảy ra sự cố
khắc phục thì công đoàn lên thăm động viên chia sẻ. Rồi sau những đợt như thế này
thì thường có công tác khen thưởng… Hàng năm khi làm công tác thi đua khen thưởng,
các chế độ thì chúng tôi cũng luôn ưu tiên cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa để
ghi nhận những khó khăn, vất vả, cũng là để anh em yên tâm công tác và dành tâm
sức cho công việc” – ông Trần Minh Tuấn cho biết.
Đảm bảo đường dây vận hành tuyệt đối an
toàn là nhiệm vụ đặt ra cho tập thể cán bộ, nhân viên của Truyền tải điện Tây Bắc
2 nói riêng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia nói chung. Vì vậy, cùng với
xử lý triệt để các sự cố, để nhanh chóng phát hiện, đảm bảo vận hành an toàn lưới
truyền tải điện cũng được ngành truyền tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa
phương, với tinh thần “lấy dân làm gốc”.

Ông
Trần Minh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn PTC1 thăm hỏi, động viên anh em công nhân
trên công trường
Vai
trò của địa phương
Tuyến đường dây 220 - 500 kV đi qua địa
bàn xã Song Pe, huyện Bắc Sơn, tỉnh Sơn La được Tổ bảo vệ của xã trực tiếp là anh
Đinh Văn Quang - trước là công an xã, mới được điều chuyển sang làm công tác hộ
tịch, tư pháp của xã làm Tổ trưởng. Anh Quang cho biết, cùng với nhiệm vụ chính
trị được chính quyền xã giao, từ năm 2016 Đội Truyền tải điện Bắc Sơn đã có hợp
đồng với xã nhằm tăng cường công tác quản lý lưới điện đi qua địa bàn.
Xã Song Pe có 8 trụ cột 500 kV của tuyến
đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa đi qua thì cả 8 vị trí cột đều có địa hình
phức tạp, đường đi đến các cột rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa bão, sạt lở
đất đá không có đường đi phải phát quang cây cối để tìm đường đi lên tuyến. Song,
anh Đinh Văn Quang (41 tuổi) và người anh em là Đinh Văn Quyển (34 tuổi, cùng
là người dân tộc Mường) không vì thế mà nản lòng. Để thực hiện nhiệm vụ của
mình, 2 anh thường xuyên đi tuần trên tuyến. Đợt mưa lũ lớn xảy ra trên địa bàn
Bản Tranh, xã Song Pe những ngày cuối tháng 8 vừa qua - là trận mưa lớn nhất trong
nhiều năm trở lại đây - đã để lại những thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng đường
xá, nhà cửa cho người dân địa phương. Sau khi đi tuần trong 2 ngày 30 và 31/8,
bằng mắt thường 2 anh đã phát hiện ra điểm sạt trượt tại 2 vị trí móng cột là vị
trí 340 và 341 của tuyến đường dây 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa và báo tin ngay về
cho Đội TTĐ Bắc Sơn để kịp thời xử lý. “Sắp tới đây khi có công an xã mới về nhận
nhiệm vụ, Tổ bảo vệ đường dây truyền tải điện quốc gia đi qua địa bàn chắc chắn
sẽ được củng cố và tăng cường hơn. Hiện nay chúng tôi vẫn đang kiêm nhiệm công
việc, thực hiện tốt trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ các công trình lưới điện
được an toàn nhất” – anh Đinh Văn Quang cho biết.
Bà Đinh Thị Bích - Chủ tịch UBND xã Song
Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cũng cho biết, Quyết định số 194/2017/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ xác định lưới truyền tải điện 500 kV là công trình quan trọng
liên quan đến an ninh quốc gia cũng là điều kiện để địa phương triển khai tốt
hơn công tác bảo vệ công trình lưới điện quốc gia đi qua địa bàn. “Khi được
Chính phủ quan tâm khi có đường dây đi qua địa bàn thì đối với xã cũng xác định
là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo đường dây điện đi qua an toàn, thứ nhất là bố
trí đất đai để xây dựng các vị trí cột điện cũng như tuyên truyền cho các bản
mà có vị trí cột điện đi qua phải tạo điều kiện cho các đơn vị thi công để đảm
bảo đưa sớm được đường dây điện được đi vào hoạt động… Xã chủ yếu chỉ đạo tuyên
truyền bằng cách lồng ghép thông qua các cuộc họp cũng như các buổi sinh hoạt hoặc
các hội nghị thì trực tiếp tuyên truyền bằng miệng đến với nhân dân, cảnh báo
cho nhân dân không được trèo cột điện, thứ 2 là không được phát nương cũng như
là đốt nương rẫy hay thả rông gia súc gia cầm… gần cũng như trong hành lang lưới
điện. để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi cũng như các tuyến đường dây…” -
Bà Đinh Thị Bích - Chủ tịch UBND xã Song Pe chia sẻ./.