Tâm sự của một cán bộ tuyên truyền lĩnh vực Truyền tải điện

Thứ hai, 18/10/2021 | 20:30 GMT+7
Là một cán bộ công nhân viên ngành Điện, với tôi, những nguyên tắc về an toàn điện, cấu tạo và nguyên lý vận hành của các thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, dao cách ly,.. gần gũi hơn cầm bút viết. Ấy mà từ khi thử sức thêm mảng viết bài, câu chữ rồi lỗi chính tả của tôi tiến bộ qua từng ngày, không thể phủ nhận, việc gì làm nhiều thì sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm.

Tôi tự nhận thấy câu từ mình chỉnh chu lên từ những lần tham gia viết bài trang web của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), cách diễn đạt ngày càng tốt hơn nhờ những lần góp ý của Ban biên tập PTC4. Bài viết chất lượng hơn hẳn so với những bài viết cũ còn nhiều thiếu sót, ngôn từ hay hơn trong những bản báo cáo hay soạn thảo văn bản trong công việc.

Như bị ảnh hưởng, từ khi tham gia viết bài web cho tôi nhanh nhạy, năng động hơn trong mọi vấn đề, chỉ một chi tiết nhỏ cũng để ý cho mình những suy xét, cảm nhận riêng. Việc tham gia để có thể viết bài web về ngành Điện đối với tôi thật sự rất khó diễn đạt bằng lời, ngoài tiếp xúc trực tiếp phỏng vấn người trong cuộc, thì đòi hỏi tác giả cũng tự tìm tòi, tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau để có cái nhìn đa chiều hơn về sự việc. Công việc này vô tình mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích mà tôi chưa từng biết trước đó. Đồng thời tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, về những vất vả của họ khi công tác trong ngành Điện. Tôi đã đúc kết cho mình nhiều bài học, sức mạnh và trưởng thành trong suy nghĩ. Tự thấy những khó khăn của mình chưa là gì so với nhiều người đã gặp, nên dù trong cuộc sống có biến cố thế nào thì viết bài đã cho tôi niềm tin yêu vào cuộc sống để cố gắng nhiều hơn từng ngày.

Ngành Điện là một trong những ngành vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao. Nghề Điện lại mang đặc thù riêng, do tính chất nguy hiểm người ngoài không thể vào nơi làm việc để tận mắt chứng kiến nên phần đông mơ hồ công việc của công nhân điện. Họ chỉ nhìn thấy chỗ này mất điện, chỗ kia tăng giá hay chỉ một sự cố khách quan nhỏ thì lại được soi rất kỹ? Nhưng sự hy sinh của người thợ điện, mồ hôi và có khi phải đánh đổi cả mạng sống để chăm lo cho dòng điện ổn định, liên tục không mấy ai biết đến? Có người buột miệng sau khi được nghe tôi kể về ngành nghề mà tôi đang công tác: “Không ngờ công việc của công nhân truyền tải điện vất vả thế em nhỉ !”.  Nên việc đưa tiếng nói của anh em công nhân đến với mọi người để hiểu, thông cảm với công việc của người thợ điện có ý nghĩa rất lớn.

Cũng nhờ viết bài và tham gia nhiều lớp đào tạo về công tác truyền thông, tôi cũng được tiếp xúc và quen biết rất nhiều người, không chỉ với anh em công nhân mà còn biết rất nhiều anh chị em cùng công tác trong ngành. Những cây bút chuyên và không chuyên nhưng đều muốn hướng ngòi bút về đời sống của con người truyền tải điện. Đôi khi tự hỏi, có phải vì người nhà đèn cùng một gia đình nên các lão làng không ngại ngần chia sẻ mọi bí quyết viết lách với lớp trẻ như tôi! Những cuộc hội ngộ trong vội vã mà tôi cũng đã học được khối quy tắc về cách viết bài, chủ đề gợi mở nên viết. Một niềm xúc động, hệt như tính cách đáng quý của Người thợ điện không phải giấu nghề mà truyền cho lớp trẻ tương lai.

Thế nên với tôi, ở những người lính truyền tải điện luôn là những nét văn chưa khám phá hết. Tôi cũng như những đồng nghiệp khác, nếu đã từng trải qua hay được chứng kiến sao không thử một lần cầm bút viết lên nét đẹp của những Người thợ Điện Truyền tải chúng tôi./.

Nhân Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1930 - 2021).

Bùi Thị Mai Ngân – PTC4