Quá tải hệ thống
Theo
phân tích của EVNNPT, tình trạng quá tải của hệ thống điện truyền tải vẫn diễn
ra do nhiều công trình lưới điện, nguồn điện không đạt tiến độ khiến lưới truyền
tải luôn phải vận hành đầy tải. Một số thời điểm còn quá tải ở khu vực miền Bắc
và miền Nam, việc truyền tải cao trên các đường dây 500kV Bắc - Nam cũng gây
khó khăn trong công tác vận hành, dẫn đến nguy cơ sự cố và tổn thất điện năng
tăng cao. Nhiều thiết bị, công trình đưa vào vận hành trên 20 năm như các trạm
biến áp (TBA) 500 kV Hà Tĩnh, Phú Lâm, Plâycu, Đà Nẵng, Hòa Bình, đường dây
500kV Bắc - Nam mạch 1 đã xuống cấp, chất lượng vận hành không tin cậy.
Ông
Vũ Ngọc Minh, Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, các đơn vị đã tập trung thực hiện
các biện pháp quản lý kỹ thuật, kỷ luật vận hành, tiếp tục áp dụng các biện
pháp giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp tốt với chính
quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm. Do vậy, mặc dù khối lượng quản lý lưới
điện có tăng thêm nhưng số sự cố trong năm 2014 đã giảm 31 vụ so với năm 2013.
Trong năm không để xảy ra sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến
quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng.
Trong
điều kiện quá tải hệ thống, vấn đề đặt ra hiện nay đối với EVNNPT là tăng cường
công tác quản lý kỹ thuật, vận hành và giám sát trong đầu tư để giảm sự cố
trong quá trình vận hành lưới điện. Đồng thời tiếp tục tập trung nghiên cứu các
giải pháp giảm thiểu sự cố thiên tai như sét đánh và tăng cường kiểm tra, tuyên
truyền, xử lý vi phạm hành lang tuyến để giảm thiểu các sự cố do vi phạm hành
lang lưới điện.
Ngăn ngừa sự cố lưới điện
Để
vận hành an toàn các đường dây truyền tải và các trạm biến áp, đặc biệt là hệ
thống 500kV Bắc - Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải tăng cao để cấp điện
cho miền Nam từ năm 2015, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường,
Tổng Công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên tăng cường quản lý kỹ thuật,
trang bị các thiết bị tiên tiến để theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống lưới
điện truyền tải nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố trên lưới
điện. Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa sẽ được sử dụng để đơn giản hóa thao
tác và kiểm soát trình tự thao tác cho người vận hành.
Cùng
với việc kiểm tra hệ thống điều khiển bảo vệ tại các trạm biến áp nhằm hạn chế
sự cố, đảm bảo độ tin cậy trên các tuyến đường dây liên tục vận hành mang tải
cao, các đơn vị truyền tải cũng thường xuyên theo dõi tình trạng làm việc của
các máy biến áp 220kV, 500kV để báo cáo kịp thời các cấp điều độ điều chỉnh tải
phù hợp; giám sát chế độ vận hành thiết bị, không để vận hành quá điện áp, quá
tải, giữ thiết bị trong trạng thái vận hành bình thường; thực hiện nghiêm các
quy trình vận hành và hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm phát hiện kịp thời các
khiếm khuyết của thiết bị để xử lý.
Cùng
với đó, Tổng Giám đốc Vũ Ngọc Minh đề nghị các Ban Quản lý dự án và các Công ty
Truyền tải điện kiên quyết không cho phép đóng điện và không tiếp nhận đối với
các công trình không đủ tiêu chuẩn vận hành. Đặc biệt, tập trung phân loại,
đánh giá về chất lượng thiết bị vận hành trên lưới truyền tải để có giải pháp
ngăn ngừa đối với các nhà thầu cung cấp thiết bị có chất lượng không đảm bảo.
Tổng
Công ty còn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ đường dây 500kV,
chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây cao áp để
nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn lưới
điện nhằm chủ động phối hợp xử lý. Các Công ty truyền tải tổ chức xử lý các tồn
tại trên lưới điện như phát quang, chặt cây cao trong và ngoài hành lang tuyến,
vét mương thoát nước, vá kè móng, bảo dưỡng dây dẫn, dây chống sét, kiểm tra siết
phụ kiện... để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định.
Riêng
đối với giải pháp giảm tổn thất điện năng, Tổng Công ty sẽ cập nhật nhu cầu
phát triển phụ tải khu vực, trên cơ sở đó, tính toán và đề xuất phương thức vận
hành, kể cả điều chuyển thiết bị để hạn chế tối đa tình trạng quá tải, non tải
liên tục trong vận hành của một số trạm biến áp và đường dây./.