An toàn lưới điện cao áp ở Hải Phòng

Thứ năm, 31/10/2013 | 16:00 GMT+7
Kỳ 2: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội​
Mặc dù các đường dây 220 kV do Truyền tải điện Hải Phòng quản lý đã được thiết kế thi công đúng quy định (khoảng cách tĩnh không, độ chôn sâu…) nhưng các sự cố gây mất an toàn lưới điện ngày càng gia tăng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế các sự cố này? Trách nhiệm của các ban ngành, địa phương trong việc phối hợp đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia như thế nào?
 
HP.JPG
Khoảng cột 77-78 ĐZ  220 kV Phả Lại – Hải Phòng 2 đang bị sạt lở chân móng do hút cát dưới lòng sông.
 
Riêng ngành điện không kham nổi
Anh Đỗ Hồng Thành, phụ trách an toàn điện của Truyền tải điện Hải Phòng cho biết, những năm qua, Truyền tải điện Hải Phòng đã thực hiện rất nhiều biện pháp để phòng ngừa sự cố. Cụ thể: Phối hợp với các đơn vị quản lý đường thủy nội địa tuyên truyền các quy định về bảo vệ lưới điện cao áp, giới hạn chiều cao phương tiện và những đặc điểm cần chú ý khi hoạt động tại điểm giao chéo với đường dây cao áp, các hình thức cảnh báo theo quy định, bổ sung hệ thống báo hiệu có tính đặc thù của ngành Điện.  Đồng thời, lắp đặt đủ các biển báo hiệu theo quy định. Tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 106/CP, 81/CP về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và NĐ 68/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Phối hợp đưa nội dung công tác tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện vào chương trình phát thanh – truyền hình chính thức của địa phương. Ký kết với cơ quan Công an và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các đối tượng gây sự cố lưới điện theo quy định tại NĐ 68/2010/NĐ-CP.
Dù đã hết sức cố gắng nhưng việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp ở Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn. Sự cố xảy ra vẫn ngày càng tăng, trong đó có cả những trường hợp cố ý vi phạm. Một phần do sự thiếu hiểu biết về pháp luật và các quy định bảo vệ an toàn lưới điện của người dân gây nên. Một phần do người dân ham lợi trước mắt đã cố tình làm trái pháp luật gây nguy cơ đe dọa sự cố lưới điện.

Tại khoảng cột 77-78 (đoạn bờ sông Kinh Môn địa bàn xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương) đường dây 220 kV Phả Lại – Hải Phòng 2 đang bị sạt lở chân móng do một số chủ thuyền đã hút cát dưới lòng sông. Truyền tải điện Hải Phòng phải cử người theo dõi nhưng rất khó bắt quả tang vì các thuyền thường khai thác cát trộm vào ban đêm.

Tại vị trí 53-54 đường dây 220 kV NĐ Hải phòng – Vật Cách tại địa bàn thôn Thái Lai (xã Cao Nhân -Thủy Nguyên – Hải Phòng), người dân trồng cây keo ngay dưới đường dây điện để đòi đền bù. Nếu không xử lý sớm, khi cây cao lên sẽ chạm vào đường dây thì nguy cơ sự cố chắc chắn sẽ xảy ra. Về nguyên tắc, người dân vi phạm hành lang an toàn thì phải buộc chặt bỏ nhưng ngành điện không có quyền cưỡng chế nên phải tự thỏa thuận giá đền bù để “giữ tình đoàn kết”.
Thôn 9 xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng có tới vài chục hộ gia đình có thú chơi diều. Ông Nguyễn Văn Chớ, trưởng thôn 9 cho biết: “văn hóa thả diều” của xã đã có từ lâu đời. Trước kia chỉ thả diều theo mùa, nay cứ lúc nào có gió là có diều. Ngày 10/7/2013, vụ sự cố lưới điện do diều mắc vào ĐZ 220 kV Vật Cách- Đồng Hòa 1 cũng không làm cho hội chơi diều nản lòng, tình trạng thả diều vẫn rất nhộn nhịp. Thôn 9 của ông đã có vài chục con diều nhưng không thấm gì so với thôn 10, 11 bên cạnh.
 
trong cay ngay duoi duong dien (vi tri 53-54 DZ 220 kV ND Hai phong-vat cach).jpg
 
                                                  Trồng cây ngay dưới đường dây điện
 
Thiếu chế tài cần thiết

Ông Nguyễn Văn Chớ cho rằng, nếu chính quyền xã thực sự vào cuộc thì không có gì là không làm được. Thế nhưng UBND xã chỉ ra thông báo cấm thả diều về các thôn chứ không có chế tài theo dõi. Trưởng thôn thì chỉ có thể tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt. Ngành điện cũng chẳng làm gì được vì việc chơi diều ở ngoài hành lang lưới điện. Khi diều đứt dây rơi vào lưới điện gây sự cố thì chẳng biết diều của ai để phạt.

Theo anh Đỗ Hồng Thành, hiện nay chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các ban ngành địa phương trong việc bảo vệ hành lang lưới điện nên mọi người đều coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành điện. Vì vậy, dù đã có ký kết hợp tác nhưng việc thực hiện đến đâu còn phụ thuộc vào sự nhiệt tình của các bên. Chế tài xử phạt chưa rõ ràng nên dù bắt được quả tang cũng chỉ có thể bị đền bù chi phí nhân công, vật tư để khắc phục sự cố tại chỗ chứ chưa thể đền bù hậu quả dây chuyền do việc mất điện gây nên.
 
Tình trạng vi phạm an toàn lưới điện ở Hải Phòng cũng là tình trạng chung của của lưới điện trên cả nước. Điều 12 Nghị định 106 đã quy định Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Thực tế cũng rất nhiều UBND các tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các vi phạm, đề ra phương hướng, giải pháp xử lý, tổ chức tập huấn công tác quản lý hệ thống lưới điện cho các huyện thành phố nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Bởi lẽ, giải quyết vi phạm hành lang lưới điện cao áp là vấn đề khá nhạy cảm, việc xử lý lại càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân. Chỉ khi có chế tài đủ mạnh thì hệ thống lưới truyền tải điện mới giảm những nguy cơ sự cố.​
Ngọc Loan