Chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý dự án

Thứ năm, 8/7/2021 | 17:00 GMT+7
Thực hiện Chiến lược chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) nói riêng, trong năm 2021, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) đã và đang tập trung triển khai chiến lược này nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý dự án, nhất là trong đấu thầu, quản lý vật tư và giám sát tiến độ các dự án.

Theo đó, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung đã thành lập Tổ công tác để triển khai thực hiện, kèm theo đó là 6 tổ giúp việc trong từng lĩnh vực chuyển đổi số của EVNNPT đó là công tác quản trị, đầu tư xây dựng, sản xuất, viễn thông công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi nhận thức, với tổng cộng 17 đầu mục; trong đó lĩnh vực truyền thông và chuyển đổi nhận thức có 5 đầu mục; lĩnh vực sản xuất có 1 đầu mục; lĩnh vực đầu tư xây dựng 4 đầu mục; lĩnh vực quản trị nội bộ 5 đầu mục; lĩnh vực viễn thông công nghệ thông tin có 2 đầu mục… Các đầu mục đều có mục tiêu cụ thể rõ ràng cho năm 2021 và các năm tiếp theo đến năm 2025.

Bản vẽ mặt bằng TBA truyền thống

Lãnh đạo CPMB cho biết, đối với lĩnh vực quản trị, đơn vị tập trung vào 3 nội dung là quy trình nội bộ, văn phòng số và chuyển đổi số trong nhân sự. Qua đó, đối với quy trình nội bộ, đơn vị đẩy mạnh báo cáo qua phần mềm quản lý và các kênh trao đổi nội bộ (email, portal…) để đảm bảo các mục tiêu được giao. Đối với văn phòng số, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng phần mềm Doffice, các cuộc họp trực tuyến, họp không giấy tờ, số hóa hồ sơ. Đối với chuyển đổi số trong nhân sự là triển khai ký số trên phần mềm quản trị nguồn nhân lực (HMRS); tiếp tục triển khai phân hệ tiền lương tại đơn vị. Song song đó là việc hoàn thành bộ tiêu chuẩn năng lực cho CBCNV, tiêu chuẩn chuyên gia EVNNPT và phối hợp triển khai hoàn thành quy trình quản lý đào tạo chuyên gia của EVNNPT.

Với lĩnh vực đầu tư xây dựng, theo CPMB, đơn vị tập trung vào 3 nội dung: Đẩy mạnh đấu thầu, triển khai mạnh hệ chương trình quản lý dầu tư xây dựng (E-ĐTXD) và Ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế như Triển khai việc xây dựng đề án mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án lưới truyền tải điện 500 kV, 220 kV. Các lĩnh vực khác như truyền thông và chuyển đổi nhận thức, sản xuất và viễn thông công nghệ thông tin, CPMB bám sát các chỉ đạo của EVNNPT để tổ chức thực hiện đúng, đủ và đảm bảo các chỉ tiêu được giao.

Quan trọng nhất là việc ứng dụng mô hình thông tin BIM trong khảo sát thiết kế và đầu tư xây dựng. CPMB nhận thức được việc áp dụng mô hình BIM trong tư vấn thiết kế, quản lý dự án đối với ngành truyền tải điện đây là cơ hội để từng bước tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hiệu quả trong thời gian tới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến lược phát triển của EVNNPT.

Lãnh đạo CPMB cho rằng việc ứng dụng BIM sẽ làm thay đổi nhận thức, phương thức làm việc truyền thống trước đây và thay vào đó là  số hóa việc lưu trữ cũng như xử lý thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hệ chuyên gia để ra quyết định về phía chủ đầu tư. Chắn chắn mô hình thông tin BIM sẽ là xu thế thiết kế công trình điện trong tương lai, phù hợp với chiến lược phát triển của EVNNPT và của CPMB.

Trong quản lý điều hành tại đơn vị, CPMB đăng ký 2 đề tài đó là: “Chuyển đổi số trong công tác điều hành và nghiên cứu giải pháp lưu trữ hồ sơ trên Icloud”. Các đề tài khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý dự án.

Giải pháp ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án lưới điện truyền tải

Lãnh đạo CPMB cũng nhận định: Việc tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, dịch vụ kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp nhằm xây dựng hệ thống truyền tải điện hiện đại, giảm tổn thất, tăng khả năng truyền tải, giảm thời gian cắt điện, tăng tính an toàn và ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị doanh nghiệp. Qua đó động viên cán bộ, công nhân viên chức lao động phát huy sáng kiến, lao động sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, phát hiện và tôn vinh các tập thể, cá nhân có những sản phẩm, giải pháp sáng tạo về chuyển đổi số có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lĩnh vực truyền tải điện./.

Mai Phương