Hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong quản lý vận hành Trạm biến áp không người trực

Thứ hai, 29/11/2021 | 14:06 GMT+7
Ứng dụng khoa học công nghệ đã làm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ quản lý, cũng như lực lượng nhân viên vận hành trong công tác quản lý kỹ thuật, cho nên đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số sẽ đáp ứng hoàn thành khối lượng lớn yêu cầu công việc ngày một cao hơn, đồng thời sẽ góp phần tăng năng suất lao động cho đơn vị.

Tổ thao tác lưu động Thủ Đức (TTTLĐ Thủ Đức) được thành lập từ tháng 01/2021 với nhiệm vụ quản lý vận hành Trạm biếp áp 220kV Thủ Đức khi đưa Trạm vào vận hành không người trực. Tổng số CBCNV TTTLĐ Thủ Đức nay chỉ còn 05 người, trên cơ sở được tuyển chọn trong lực lượng vận hành trạm biếp áp 220kV Thủ Đức.

Xác định chủ trương chính sách của EVNNPT trong việc triển khai thực hiện Chủ đề năm 2021 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là “Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia”; trong đó mục tiêu là xây dựng EVNNPT trở thành đơn vị đi đầu về công tác chuyển đổi số các mặt hoạt động sản xuất, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động để góp phần đưa EVNNPT phát triển bền vững.

Tổ TTLĐ Thủ Đức với khối lượng lớn công việc trong chức năng, nhiệm vụ, cùng với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số theo chủ đề năm 2021 của EVNNPT, đòi hỏi CBCNV phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành ngày càng cao. Xác định mục tiêu rõ ràng, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 4 và Truyền tải điện HCM, tập thể CBCNV TTTLĐ Thủ Đức luôn ý thức được nhiệm vụ trong việc thực hiện từng bước số hóa công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành; qua đó, công tác chuyển đổi số theo chức năng nhiệm vụ của TTTLĐ Thủ Đức cũng từng bước mang lại hiệu quả tích cực.

Dữ liệu thiết bị được cập nhật trên chương trình PMIS

Một điển hình mang đến hiệu quả tích cực trong quản lý vận hành Trạm biến áp (TBA) không người trực phải kể đến đó là ứng dụng chương trình PMIS. Chương trình PMIS là một trong những chương trình đầu tiên được đưa vào sử dụng và thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Chương trình PMIS được phát triển bởi Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2013. Phần mềm này được xây dựng với giao diện khá thân thiện với người dùng, dễ dàng cập nhật cơ sở dữ liệu, linh hoạt trong việc xuất báo cáo theo yêu cầu người dùng và vận hành các Module như lập, tạo phiếu kiểm tra định kỳ ngày đêm đường dây và trạm biến áp; sổ nhật ký vận hành điện tử; … Từ việc xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu, người dùng có thể quản lý khoa học các thiết bị trên lưới điện, thông tin vận hành như năm sản xuất, năm vận hành, thực hiện ca trực trên Module nhật ký vận hành điện tử,..….

Thông số đo đếm được ghi nhận trên chương trình MDMS

Ngoài chức năng quản lý toàn bộ lý lịch thiết bị, chương trình PMIS còn hỗ trợ truy xuất các thông số đo đếm, các thông số vận hành trực tuyến của trạm 220kV Thủ Đức, tất cả các phát tuyến theo dữ liệu lấy từ chương trình MDMS (giám sát công tơ đo điếm xa); tổng hợp thông tin các sự cố; hỗ trợ thiết lập, nhắc nhở và báo cáo kết quả các công việc như thí nghiệm định kỳ các thiết bị điện theo đúng tần suất quy định; so sánh đánh giá và phân tích số liệu thí nghiệm các thiết bị (CBM).

Để chương trình PMIS có thể xuất ra các báo cáo hoặc số liệu theo yêu cầu người dùng thì công tác số hóa, cập nhật dữ liệu vào chương trình đòi hỏi nhân viên vận hành luôn học tập, tiếp cận ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Thời gian đầu trong quá trình thực hiện, CBCNV còn gặp nhiều khó khăn do mới tiếp cận các phần mềm, công nghệ mới nên chưa nắm bắt và sử dụng thành thạo, TTTLĐ Thủ Đức đã vận động, quán triệt CBCNV cần thay đổi tư duy trong công tác, từng ngày tìm hiểu, trao đổi thêm với các đơn vị bạn để hoàn thiện. Đến nay tất cả CBCNV trong tổ đã sử dụng thành thạo và hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý vận hành.

CBCNV giám sát các thiết bị trong vận hành trên hệ thống máy HMI giao thức IEC 60870-5-104 (T104)

Song song đó, Trạm 220kV Thủ Đức được cải tạo thay mới hệ thống điều khiển, nâng cấp kênh truyền SCADA theo giao thức IEC 60870-5-104 (T104) giúp cho các thao thác xa, giám sát thiết bị từ trung tâm điều độ A2 nhanh chóng, đáp ứng đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin vận hành cũng như xử lý sự cố lưới điện.

Ngoài ra CBCNV TTTLĐ Thủ Đức còn chủ động ứng dụng các công nghệ hiện đại khác nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý vận hành TBA không người trực như sử dụng công nghệ Smartphone thực hiện chụp định vị tọa độ địa lý các thiết bị trong trạm để thực hiện số hóa dữ liệu quản lý kỹ thuật; cập nhật đầy đủ, kịp thời các tài liệu kỹ thuật trong thư viện kỹ thuật; ứng dụng trang tính Excel sử dụng các hàm (Functions) cho logsheets trên dữ liệu MDMS tiết kiệm thời gian không phải nhập thủ công như trước đây hay ứng dụng định dạng có điều kiện (Conditional Formatting) để cảnh báo những trị số vượt mức cho phép theo quy định; cũng như ứng dụng các phần mềm sử dụng rộng rãi trong cộng đồng như Zalo, Zoom, Google drive, Google sheet,…...

CBCNV thao tác xuất báo cáo quản lý vận hành từ chương trình PMIS

Ngoài các kết quả tích cực nêu trên, thực tiễn còn cho thấy, chuyển đổi số đã làm thay đổi về nhận thức của cán bộ quản lý, cũng như nhân viên vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu công việc ngày một cao hơn, góp phần tăng năng suất lao động. Hơn hết, chuyển đổi số đã khắc phục được một số tồn tại bất cập trong công tác quản lý kỹ thuật trước đây như khối lượng hồ sơ lưu trữ lớn, cồng kềnh, nhiều hạng mục, đa phần là bản giấy; mỗi lần tra cứu thông tin mất nhiều thời gian; dễ bị mối mọt, ẩm mốc thất lạc theo thời gian nếu bảo quản không tốt; công việc theo từng mảng, dẫn đến các tài liệu, hồ sơ được theo dõi và lưu trữ theo thói quen, chủ quan của cá nhân; việc báo cáo được thực hiện theo kiểu truyền thống, có tính kế thừa, cộng dồn theo từng tháng, trường hợp dữ liệu ban đầu không chính xác sẽ dẫn đến kết quả tiếp nối không chính xác; khi có sự biến động về lưới điện, cán bộ quản lý của đơn vị phải cập nhật dữ liệu vào nhiều file khác nhau, dễ gây nhầm lẫn, thiếu sót,….

Phát huy hiệu quả đạt được, cùng với truyền thống đoàn kết – thống nhất và tinh thần trách nhiệm – tận tâm, tập thể CBCNV TTTLĐ Thủ Đức quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai thực hiện trong công tác chuyển đổi số nói riêng, cũng như hoàn thành công tác quản lý vận hành nói chung, nhằm góp phần vận hành an toàn lưới truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu đời sống, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Phan Văn Tư - TTĐHCM - PTC4
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện