Một số vấn đề từ thực tiễn yêu cầu bồi thường cho các sự kiện bảo hiểm thuộc hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Thứ sáu, 8/9/2023 | 10:41 GMT+7
Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021, Trạm biến áp có điện áp từ 110kV trở lên là một trong những tài sản của ngành Điện thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bị ràng buộc bởi quy định về điều kiện, mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.

Về lý thuyết, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ thông qua các khoản bồi thường cho các tổn thất, rủi ro cháy, nổ xảy ra ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, với hầu hết tài sản của ngành Điện là thiết bị điện, nếu áp dụng trực tiếp Nghị định số 23/2018/NĐ-CP mà không có những thỏa thuận bổ sung cho phù hợp với đặc thù về tài sản, việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chỉ có ý nghĩa chấp hành một nghĩa vụ theo quy định pháp luật, mà hầu như không mang lại lợi ích nào đáng kể cho người mua loại bảo hiểm này. Tổng phí bảo hiểm bỏ ra cao (do số tiền bảo hiểm (giá trị tài sản tham gia bảo hiểm) của ngành Điện rất lớn) nhưng số tiền được bồi thường khi không may xảy ra tổn thất không tương xứng, nếu không muốn nói là còn thấp, do hầu hết chỉ được bồi thường theo các điều khoản bổ sung, còn bị trừ đi giá trị miễn thường.

Bất lợi đầu tiên với ngành Điện nằm trong chính quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 do quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với các trường hợp cháy, nổ có nguyên nhân từ “Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh”. Tuy tác giả chưa có số liệu thống kê, đánh giá chính thức nhưng chắc cũng không cần bàn cãi nhiều về nhóm nguyên nhân này chính là những nguy cơ gây cháy, nổ (sự cố) lớn nhất đối với các thiết bị điện, tài sản của ngành Điện, lại bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Do đó, nếu không cẩn trọng khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hay lúc thương thảo, ký hợp đồng, lợi ích khi mua bảo hiểm này đối với ngành Điện sẽ không đạt được.

Ảnh minh họa

Trong quá trình nhận bàn giao tài sản (trạm biến áp) từ doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có doanh nghiệp đã khắc phục bất hợp lý trên bằng cách mua thêm sản phẩm bảo hiểm mọi rủi ro tài sản đi kèm với gói bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, khiến chi phí mua bảo hiểm đội lên rất cao. Vì ngoài mức phí tối thiểu phải trả cho bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định số 97/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021, doanh nghiệp này còn phải trả phí cho gói bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (phụ thuộc khả năng đàm phán của bên mua bảo hiểm).

Đối với nội dung này, qua thực tiễn ký kết hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và được sự công nhận của Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Tiền Giang khi chấp thuận yêu cầu bồi thường 02 máy biến áp 220 kV bị cháy do nhóm nguyên nhân nêu trên, Công ty Truyền tải điện 4 – Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (PTC4/EVNNPT) xin chia sẻ giải pháp pháp lý đã thực hiện để bảo vệ quyền lợi khi mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc này. Trước hết là không phải mua gói bảo hiểm mọi rủi ro tài sản đi kèm và không làm phát sinh phí bảo hiểm nhưng vẫn được bảo hiểm đối với các nguy cơ cháy, nổ thiết bị điện có nguyên nhân “do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh”.

Đó là vận dụng chính Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 khi lập hồ sơ mời thầu mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này quy định: Ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng”. Căn cứ quy định này, PTC4/EVNNPT đã đưa nhóm nguyên nhân bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại Khoản 2 Điều 6 nêu trên vào thành nguyên nhân được mở rộng phạm vi bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với mức phí bảo hiểm bao gồm trong mức phí tối thiểu theo Nghị định số 97/2021/NĐ-CP, vì khi tham gia đấu thầu rộng rãi, để cạnh tranh về giá, các nhà thầu đều chấp nhận cả phần mở rộng phạm vi bảo hiểm này.

Qua các giai đoạn tố tụng, từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm của Tòa án các cấp tỉnh Tiền Giang đều công nhận thỏa thuận này là hợp pháp. Từ đó, chấp thuận yêu cầu khởi kiện của PTC4/EVNNPT, buộc đơn vị bảo hiểm phải bồi thường các tổn thất cháy máy biến áp có nguyên nhân “do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh” theo phạm vi bảo hiểm chính của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP; bác quan điểm của đơn vị bảo hiểm, của Luật sư và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chuyên về bảo hiểm được bên bảo hiểm thuê bảo vệ quyền lợi, cho rằng đơn bảo hiểm này chỉ được bồi thường theo điều khoản bổ sung về hệ thống thiết bị điện 4B.

Điểm khó khăn thứ hai là xác định đúng giá trị tài sản còn lại (giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng) khi mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Hiện nay, với các tài sản đã qua thời gian sử dụng, sắp hết hoặc hết khấu hao nhưng pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng về phương thức xác định giá trị tài sản còn lại trong các trường hợp này. Nếu tùy ý mua với giá trị (hoặc tỷ lệ %) còn lại cao thì không những bị thiệt hại cho bên mua bảo hiểm vì phải trả phí bảo hiểm cao, mà có thể vi phạm quy định “cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị”, còn doanh nghiệp bảo hiểm thực tế “chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại”.

Cũng tại Điều 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có quy định mới so với Luật Kinh doanh bảo hiểm cũ) là doanh nghiệp bảo hiểm “phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, việc này cũng quay lại nghĩa vụ bên mua bảo hiểm phải là người chủ động xác định đúng giá trị còn lại của tài sản khi mua bảo hiểm và yêu cầu bên bán bảo hiểm hoàn trả để tránh thất thoát trong quản lý vốn. Thực tế, việc xác định giá trị còn lại của tài sản sẽ làm phát sinh chi phí thẩm định giá. Do đó, kiến nghị EVN có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền quy định về phương thức xác định giá trị còn lại khi mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cũng như các loại bảo hiểm tài sản nói chung, hoặc có hướng dẫn để các đơn vị trực thuộc có cơ sở thực hiện (có thể xác định tương tự như cách xác định % giá trị tài sản còn lại khi cổ phần hóa) nhằm thống nhất thực hiện và bảo vệ lợi ích của EVN.

Thứ ba, trên thực tế, ở Việt Nam không có nhiều cơ quan, đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm xác định nguyên nhân gây cháy, nổ mang tính đặc thù của các thiết bị điện như máy biến áp… Từ thực tiễn vụ kiện yêu cầu nhà thầu bảo hiểm bồi thường thiệt hại đối với 02 máy biến áp 220 kV bị sự cố năm 2020 cho thấy, khi bên bảo hiểm nhận thấy bất lợi thì trì hoãn việc chấp thuận thay đổi đơn vị giám định nguyên nhân tổn thất có năng lực, kinh nghiệm cao hơn. Kể cả khi miễn cưỡng chấp thuận một đơn vị giám định nguyên nhân tổn thất khác, bên bảo hiểm cũng cố tình ràng buộc kết luận giám định nguyên nhân tổn thất đó chỉ có tính tham khảo, kết luận cuối cùng về nguyên nhân tổn thất vẫn phải là đơn vị giám định tổn thất do bên bán bảo hiểm đưa ra khi ký hợp đồng. Lẽ thường mà nói, khi ký hợp đồng, bên mua bảo hiểm không mong muốn có tổn thất xảy ra nên thường ít quan tâm đến việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị giám định tổn thất mà bên bảo hiểm đưa ra trong hồ sơ dự thầu. Từ bài học kinh nghiệm này, PTC4/EVNNPT kiến nghị EVN tổ chức đấu thầu sơ tuyển, lựa chọn danh sách ngắn các cơ quan, nhà thầu có đầy đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện việc giám định tổn thất và khuyến nghị áp dụng như đã từng lựa chọn danh sách ngắn các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý trước đây.

Trên thực tế, kết luận nguyên nhân tổn thất mang tính quyết định đối với kết quả yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Trong vụ việc của PTC4/EVNNPT nêu từ đầu bài viết, kết luận của đơn vị giám định tổn thất do bên bảo hiểm đề xuất cho rằng không xảy ra cháy do trong môi trường máy biến áp không đủ 03 yếu tố cần thiết cho sự cháy (chất cháy, oxy và nguồn nhiệt). Nhận thấy kết luận này không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy: Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường”, PTC4/EVNNPT đã yêu cầu thay đổi đơn vị giám định tổn thất. Kết quả giám định sau đó khẳng định đã xảy ra tổn thất cháy máy biến áp có nguyên nhân “do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh” được mở rộng trong điều khoản chính của Hợp đồng, tháo gỡ toàn bộ nút thắt của vụ kiện yêu cầu bồi thường này.

Thứ tư là vận dụng quy định của pháp luật về bảo hiểm để thỏa thuận phương thức xác định giá trị bồi thường có lợi hơn cho bên mua bảo hiểm. Pháp luật về bảo hiểm trước đây và hiện nay đều có quy định: “Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm… trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”. Khoản 3 Điều 51 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định: Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm… còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm…”. Hay nói cách khác, phải hiểu rằng luật cho phép số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả có thể cao hơn số tiền bảo hiểm với điều kiện là các bên có thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, bên mua bảo hiểm chưa thật sự quan tâm chuyển hóa thế nào là “những chi phí cần thiết, hợp lý” thành các thỏa thuận có lợi hơn.

Khi ký hợp đồng, được sự tư vấn của đơn vị tư vấn môi giới bảo hiểm, PTC4/EVNNPT đã vận dụng Khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm trước đây (có hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng), trong đó xác định: “Số tiền bồi thường… được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm” để tách “giá thị trường của tài sản” thành một căn cứ bồi thường riêng, tuân thủ đúng giới hạn trần về số tiền bồi thường “không vượt quá số tiền bảo hiểm”. Phân biệt khái niệm “giá trị thị trường của tài sản” với khái niệm “các chi phí dịch vụ liên quan để sửa chữa tài sản” (như nhân công sửa chữa, chi phí vận chuyển, dỡ khỏi bệ máy, lắp đặt lại sau sửa chữa…) và chuyển chúng thành “những chi phí cần thiết, hợp lý” theo Khoản 3 Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm cũ và Khoản 3 Điều 51 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 để thỏa thuận bồi thường 100%. Do đó, khi nhà bảo hiểm cho rằng số tiền PTC4/EVNNPT yêu cầu bồi thường đối với máy biến áp 220kV-125MVA hiệu AEG bị sự cố cao hơn số tiền bảo hiểm (giá trị sau định giá) là vi phạm pháp luật, từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm đều bác luận cứ này, do các thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc ký năm 2019 là hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định nên phải được công nhận. Chi tiết nội dung Bản án số 09/2023/KDTM-PT ngày 28/07/2023 của TAND tỉnh Tiền Giang sẽ được công khai tại địa chỉ: https://congbobanan.toaan.gov.vn/0t15at1cvn1/Tra-cu-ban-an. Có thể có nhiều cách vận dụng khác, tác giả mong nhận được chia sẻ từ tất cả cán bộ, công nhân viên EVN.

Thứ năm, vẫn là câu chuyện nhiêu khê trong việc cung cấp chứng từ chứng minh thiệt hại, khiến cho con đường yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm hết sức gian nan. Đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tuy có quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP nhưng trên thực tế, bên bán bảo hiểm và một số hợp đồng mẫu trong lĩnh vực này vẫn đưa ra các yêu cầu thiên về bảo vệ quyền lợi của bên bán bảo hiểm. Đơn cử như trường hợp thiết bị bị tổn thất cần sửa chữa thì về nguyên tắc, bên mua bảo hiểm cần tiền tạm ứng hoặc thanh toán cho bên sửa chữa, nhưng bên bán bảo hiểm khăng khăng đòi phải có hóa đơn bên sửa chữa xuất mới chấp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường. Cuộc tranh cãi kiểu “giữa con gà hay cái trứng có trước” đã, đang và sẽ là những trở ngại không nhỏ cho các đơn vị thuộc EVN khi không may xảy ra tổn thất được bảo hiểm.

Người mua bảo hiểm đều phải tự đi thu thập đầy đủ các chứng từ trên mới được giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm phối hợp của bên bảo hiểm ở đâu sau khi đã thu phí bảo hiểm? Do đó, PTC4/EVNNPT kiến nghị EVN có kiến nghị với các nhà làm luật bổ sung trách nhiệm của bên bảo hiểm trong vấn đề phối hợp, thu thập chứng cứ để giải quyết quyền lợi hợp pháp của bên mua bảo hiểm. Trước mắt, PTC4/EVNNPT kiến nghị EVN có hướng dẫn thêm về bộ chứng từ hợp lý khi yêu cầu bồi thường, có lợi cho EVN và các đơn vị thành viên để đưa vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu buộc bên bán bảo hiểm phải chấp thuận ngay từ khi ký hợp đồng.

Bảo hiểm là lĩnh vực phức tạp. Không may xảy ra tổn thất hay tranh chấp hợp đồng bảo hiểm càng là dạng tranh chấp phức tạp hơn, nhất là khi kinh nghiệm áp dụng pháp luật về bảo hiểm ở cấp cơ sở chưa có nhiều thực tiễn. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho EVN, các đơn vị thành viên, PTC4/EVNNPT kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018, trong đó quy định cho phép các bên tự thỏa thuận về các nguyên nhân gây cháy, nổ nào thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tùy theo đặc thù tài sản, thiết bị phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Đồng thời kiến nghị EVN ban hành mẫu hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Trong đó có hướng dẫn về nguyên tắc xác định giá trị tài sản còn lại khi mua bảo hiểm, danh sách ngắn các đơn vị giám định tổn thất được khuyến nghị, phương thức xác định bồi thường, bộ chứng từ hợp lý khi yêu cầu bồi thường… góp phần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp khi mua bảo hiểm tài sản đặc thù là các thiết bị điện, kể cả quy trình giám định tổn thất, giải quyết bồi thường cũng phải khác với các tài sản thông thường để đáp ứng yêu cầu khẩn trương khi khắc phục sự cố, tái lập nhanh đảm bảo cung cấp điện liên tục./.

Nguyễn Xuân Phương - Phó Trưởng phòng KTTTPC PTC4