NPT: Giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực đầu tư

Thứ tư, 21/12/2011 | 11:00 GMT+7
Những năm gần đây, nhu cầu điện năng của nước ta ngày càng tăng nhanh. Trong giai đoạn 2011-2015, để đáp ứng điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 15.9% năm. Trong khi đó, năng lực truyền tải của lưới 220 kV - 500 kV của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của nguồn. NPT sẽ phải đối mặt với nhu cầu đầu tư thực hiện dự án  khổng lồ trong những năm tới dây.

Tính đến cuối tháng 12/2010, tổng công suất đặt hệ thống điện Việt Nam là 21.290 MW và sản lượng điện khoảng 97 tỷ kWh, tăng gần 15% so với năm 2009. Vào năm 2015, theo chương trình phát triển nguồn điện sẽ đạt mức công suất đặt khoảng 43.000 MW và sẽ tiếp tục tăng cao trong các giai đoạn tiếp theo. Như vậy trong 5 năm tới, NPT sẽ phải đối mặt với nhu cầu đầu tư khổng lồ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải thực tế hàng năm khoảng 15%. Ước tính NPT sẽ cần 750 triệu USD cho việc đầu tư mới lưới truyền tải hàng năm. Kinh nghiệm thực tế từ các dự án đã và đang triển khai cho thấy cần phải giảm gánh nặng tài chính bằng cách đảm bảo các dự án đầu tư được lập kế hoạch một cách hiệu quả và thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Để các dự án truyền tải được đầu tư và thực hiện hiệu quả hơn trong điều kiện thu xếp vốn rất khó khăn, giải pháp tối ưu là tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý và thực thi dự án. Do vậy, trong năm 2011 NPT đã đề xuất Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ tăng cường năng lực của cán bộ NPT. ADB đã đồng ý về nguyên tắc sẽ cung cấp 01 hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) tương đương 600.000 USD dưới hình thức không hoàn lại. NPT đã lập Đề cương chi tiết dự án “Tăng cường hiệu quả của NPT thông qua tăng cường năng lực”. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ NPT tăng cường năng lực trên ba lĩnh vực chính: Tăng cường mối quan hệ hợp tác trong công việc giữa NPT và ERAV để phát triển và hoàn thiện hơn nữa cơ chế dẫn dắt việc thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2011, sau đó là thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào năm 2014 và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2020; Tăng cường hiệu quả hoạt động của NPT trong công tác lập kế hoạch và quản lý thực hiện các dự án đầu tư; Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên thực thi các vấn đề về đền bù, tái định cư, xã hội, đặc biệt nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông và tham vấn cộng đồng.


Danh mục dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt. Theo đó, thư tiếp nhận HTKT nêu trên đã được đại diện của Ngân hàng Nhà nước thay mặt cho Chính phủ, NPT - chủ dự án ký với ADB ngày 11/11/2011. Hiện tại, NPT và ADB đang phối hợp lập Điều khoản tham chiếu (TOR) để tuyển tư vấn thực hiện. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong tháng 02/2012.  Sau khi hoàn tất, dự án sẽ giúp cho NPT thiết lập được một cơ cấu tổ chức phù hợp và hiệu quả, có thể đáp ứng được các yêu cầu và các quy định trong thị trường điện; Nâng cao mô hình tài chính trong việc tính toán phí truyền tải; Tăng cường năng lực quản lý tài chính; Phát triển chiến lược truyền thông cho NPT.   

Có thể nói, tất cả các lĩnh vực mà HTKT tập trung thực hiện đều là những lĩnh vực quan trọng, góp phần quyết định nâng cao hiệu quả về nhiều mặt kinh tế, tài chính, cơ cấu tổ chức…cũng như sự phát triển của NPT.

Đinh Thị Sen - Ban HTQT NPT