NPTS Thực hiện nghiên cứu khoa học với đề tài “Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm”

Thứ hai, 26/7/2021 | 16:07 GMT+7
Việc thực hiện nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm sẽ: Số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu công tác thí nghiệm thiết bị điện, tiến đến chuyển đổi số theo mục tiêu chung của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của (Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện) NPTS, các Công ty Truyền tải điện (PTCs) cũng như EVNNPT nói chung; cải cách hành chính trong hoạt động thí nghiệm, giảm chi phí, thời gian và nhân công.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN), ngày nay KH&CN đã trở thành lực lượng sản xuất hiện đại, là động lực phát triển và nền tảng của nền kinh tế tri thức, là nền tảng then chốt cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp.

Với xu thế tất yếu đó, những năm gần đây ngành điện đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và triển khai sâu, rộng công cuộc chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng cũng như các khâu dịch vụ... Trong đó, điểm sáng là hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn.

Hoạt động NCKH, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã và đang đưa EVNNPT nói chung và NPTS nói riêng từng bước tiến tới làm chủ công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện, nhiều đề tài NCKH đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp nối sự thành công ở các đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp trên nền tảng giao thức IEC 61850 sử dụng phần mềm giám sát điều khiển độc lập” và đề tài “Nghiên cứu chế tạo máy thí nghiệm bộ đếm sét và đồng hồ đo dòng rò của các Chống sét van”, NPTS tiếp tục tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm”.

Hiện nay, trên Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đang quản lý vận hành 162 trạm biến áp 220 – 500 kV, và trung bình hàng năm lại có thêm khoảng trên 10 trạm biến áp 220 – 500 kV mới được đưa vào vận hành. Chính vì thế khối lượng công tác thí nghiệm định kỳ thiết bị trên lưới điện hàng năm tăng đáng kể. Hiện nay trong NPTS chưa công cụ nào cập nhật, lưu trữ, đánh giá, theo dõi và quản lý các hoạt động về công tác thí nghiệm thiết bị điện nên gây nhiều khó khăn và hạn chế nhất định.

Việc lập, duyệt danh mục thiết bị thí nghiệm hàng năm, cũng như việc lập kế hoạch thực hiện; tổng hợp báo cáo,... chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công theo dõi rà soát từng thiết bị vận hành trên lưới điện đối chiếu với các biên bản thí nghiệm và các công việc này được thực hiện qua nhiều cấp nên sẽ cần nhiều nhân lực tham gia, mất nhiều thời gian, và dữ liệu báo cáo tổng hợp giữa các cấp/đơn vị không đồng nhất, gây khó khăn trong quá trình tổng hợp, lập kế hoạch, theo dõi, triển khai thực hiện và khó khăn cho công tác quản lý. Chính vì thế mà việc thực hiện Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm là hết sức thiết thực và cần thiết.

Phiếu thí nghiệm định kỳ được thực hiện bằng thủ công

Đề tài Nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm” do ông Phạm Thành Long - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và ông Vũ Ngọc Trung - Cán bộ phòng Kỹ thuật an toàn NPTS đồng chủ nhiệm đề tài.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã lập kế hoạch thực hiện các nội dung một cách khoa học và trình tự:

- Nội dung 1: Khảo sát hệ thống, thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin của NPTS, EVNNPT.

- Nội dung 2: Khảo sát, tìm hiểu, phân tích xây dựng dữ liệu đầu vào cho HTQLTN.

- Nội dung 3: Nghiên cứu, phân tích và xây dựng nghiệp vụ, quy trình tác nghiệp về công tác thí nghiệm.

- Nội dung 4: Thiết kế, xây dựng HTQLTN.

- Nội dung 5: Tiến hành test kiểm tra, hiệu chỉnh các chức năng của phần mềm. Đánh giá các chức năng đáp ứng so với yêu cầu và đưa vào ứng dụng.

- Nội dung 6: Đào tạo, hướng dẫn sử dụng HTQLTN.

- Nội dung 7: Triển khai mở rộng cho toàn bộ thiết bị trên lưới; kiểm tra các chức năng, hiệu chỉnh, hoàn thiện phần mềm (sau khi triển khai mở rộng); xây dựng báo tổng kết, báo cáo tóm tắt đề tài nhiệm vụ KHCN; tổ chức nghiệm thu đề tài.

Sơ đồ khối liên kết giữa các ứng dụng phần mềm với phần mềm HTQLTN

ệ thống quản lý thí nghiệm (HTQLTN) được xây dựng trên nền tảng web, sau khi hoàn thành sẽ liên kết được với cơ sở dữ liệu của phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm quản lý nhân sự (HRMS) với mục tiêu cụ thể sau:

- Xây dựng và quản lý danh mục thiết bị điện trên HTQLTN ® Tự động lập, quản lý, theo dõi danh mục thiết bị thí nghiệm hàng năm trên lưới điện, kế hoạch thí nghiệm (tuần, tháng, quý, năm).

- Xây form mẫu các biên bản thí nghiệm chuẩn, các form biểu mẫu báo cáo cho người dùng theo từng cấp quản lý và nhu cầu (PTCs, NPTS, EVNNPT) được tích hợp trên HTQLTN phục vụ công tác quản lý theo dõi, chỉ đạo sản xuất.

- Số hóa dữ liệu thí nghiệm và quản lý lưu dữ biên bản thí nghiệm; số hóa các tiêu chuẩn thí nghiệm theo các quy định hiện hành của Bộ, EVN, EVNNPT.

- Tự động đưa ra cảnh báo về kết quả số liệu thí nghiệm theo các tiêu chuẩn, quy định. Tự động theo dõi xu hướng biến đổi số liệu thí nghiệm của thiết bị qua các lần thí nghiệm ® đưa ra đánh giá về tình trạng thiết bị;

- Thực hiện: ký số biên bản thí nghiệm, giấy chứng nhận kiểm định và phát hành biên bản thí nghiệm (ký số bằng hệ thống chữ ký số của các nhà mạng như Viettel/Mobiphone/Vinaphone,... cho phép ký số được cả bằng hệ thống chữ ký số nội bộ của EVN).

Công nhân NPTS đang thực hiện thí nghiệm định kỳ

Việc thực hiện nghiên cứu xây dựng Hệ thống quản lý thí nghiệm sẽ: Số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu công tác thí nghiệm thiết bị điện, tiến đến chuyển đổi số theo mục tiêu chung của EVNNPT; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất của NPTS, PTCs cũng như EVNNPT nói chung; cải cách hành chính trong hoạt động thí nghiệm, giảm chi phí, thời gian và nhân công./.

Nguyễn Hòa - PTH NPTS