Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án truyền tải điện quốc gia

Thứ hai, 23/8/2021 | 20:41 GMT+7
Đã qua 7 tháng của năm 2021, mặc dù nỗ lực để vượt qua những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, song vẫn còn nhiều vướng mắc khác như công tác giải phóng mặt bằng, hay những bất cập trong quy định về thủ tục chuẩn bị đầu tư, nên việc giải ngân vốn đầu tư của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) mới đạt khoảng 31,5% kế hoạch…

Theo Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú, công điện (số 1082/CĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đã nhấn mạnh việc “rà soát cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến các quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”. Điều này sẽ góp phần gỡ khó cho các dự án ODA của EVNNPT. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về nội dung này.

PV. Xin ông cho biết cụ thể về công tác đầu tư xây dựng trong năm 2021 của EVNNPT cũng như tiến độ thực hiện sau gần 8 tháng năm 2021?

Ông Phạm Lê Phú: Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) phải hoàn thành hơn 300 dự án đường dây và trạm biến áp công suất 220kV và 500kV, với tổng giá trị đầu tư khoảng 97.700 tỷ đồng. Khối lượng đầu tư và các dự án nêu trên chưa tính đến một số dự án sẽ được bổ sung thực hiện khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 (Tổng sơ đồ VIII) được ban hành.

Chỉ tính riêng năm 2021, EVNNPT phải khởi công được 47 dự án, đóng điện đưa vào vận hành 69 dự án, với nguồn vốn dự kiến khoảng 17.550 tỷ đồng. Tổng công ty thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng (ĐTXD) năm 2021 trong bối cảnh tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư; các khó khăn vướng mắc rất lớn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, thỏa thuận tuyến đường dây và vị trí TBA. Đặc biệt với sự bùng phát trở lại với diễn biến hết sức phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn toàn quốc, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã trực tiếp ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành, mua sắm vật tư thiết bị, giám sát và tổ chức thi công các công trình ĐTXD của Tổng công ty.

Đối mặt đối với các khó khăn vướng mắc rất lớn như trên, trong 7 tháng đầu năm, EVNNPT và các đơn vị đã có sự cố gắng nỗ lực rất lớn để khắc phục vượt qua khó khăn và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. 

Cụ thể, về thực hiện kế hoạch vốn ĐTXD, trong 7 tháng đầu năm NPT đã thực hiện được tổng giá trị khối lượng đầu tư 6.244 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư đạt 5.536 tỷ đồng, đạt 31,5% kế hoạch. Đã khởi công được 13 dự án và hoàn thành đóng điện được 21 dự án. 

Trong các dự án hoàn thành 7 tháng đầu năm của Tổng công ty có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa kịp thời công suất các NMNĐ BOT (Hải Dương, Nghi Sơn 2); các nguồn thủy điện và các nguồn NLTT (TBA 220kV Mường La, Mường Tè, ĐZ 220kV Mường Tè - Lai Châu, NCS TBA 220kV Sơn Hà, TBA 220kV Lao Bảo); các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện (ĐZ 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, NCS các TBA 500kV Nho Quan, Việt Trì; ĐZ 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, TBA 500kV Đức Hòa...). Qua đó đã góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong 7 tháng đầu năm 2021 vừa qua.

Với khối lượng đầu tư còn lại phải thực hiện trong 5 tháng cuối năm là rất lớn, EVNNPT đã và đang tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm khắc phục tối đa những khó khăn, vướng mắc nói chung, các khó khăn vướng mắc gặp phải do dịch bệnh COVID-19 nói riêng để  phấn đấu hoàn thành kế hoạch ĐTXD năm 2021 được giao. 

PV: Thưa ông, dịch COVID-19 đã và đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ các dự án EVNNPT đang triển khai ?

Ông Phạm Lê Phú: Với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực miền Nam, đặc biệt là các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, … diễn biến hết sức phức tạp từ đầu tháng 7/2021 đến nay. Theo đó, tại văn bản 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ tất cả 19 tỉnh thành phía Nam đều thực hiện cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến công tác đi lại làm việc của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện, Công ty Truyền tải Điện 4 và các nhà thầu tư vấn, xây lắp hết sức khó khăn khi vận chuyển vật tư thiết bị, thi công xây lắp, do bị hạn chế đi lại và phải cách ly xét nghiệm khi đến làm việc tại địa phương. 

Các địa phương hiện tại đang ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 và phải thực hiện giãn cách xã hội nên nên lực lượng cán bộ tham gia công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không thể thực hiện các bước tiếp theo của quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, kể cả trong việc vận động các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Bên cạnh đó, nhân lực thi công nhiều công trình bị sụt giảm do một số địa phương yêu cầu đơn vị thi công phải chia nhỏ chỗ ở cho công nhân, mỗi nơi chỉ ở tối đa 5 người. Việc di chuyển lực lượng thi công, bộ máy thi công từ địa phương này đến địa phương khác rất hạn chế và khó khăn, một số địa phương còn yêu cầu phải thực hiện cách ly 14 ngày, 21 ngày. Công tác cung cấp vật tư vật liệu (cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông thương phẩm, điện nước,…) phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị kinh doanh nghỉ hoặc cung cấp hạn chế.

Các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành và huy động nguồn lực để giải quyết, đảm bảo tiến độ hoàn thành đóng điện, khởi công theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.

PV: Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo an toàn chống dịch, vừa đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án theo đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư công trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ vùa ra Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch nguồn vốn này. Công điện này sẽ tạo thuận lợi như thế nào trong việc triển khai các dự án của EVNNPT?  

Ông Phạm Lê Phú: Liên quan đến đầu tư công tại EVNNPT, hiện nay, chúng tôi có triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là năm 2021, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Cùng chung các khó khăn trong công tác đầu tư, công tác giải ngân cũng bị ảnh hưởng rất lớn, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng không phải là ngoại lệ.

Ví dụ như khoản TEP của World Bank sẽ hết hạn ngày 31/12/2021, kế hoạch vốn được giao năm 2021 là: 739 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 213 tỷ đồng đạt 30% so với kế hoạch được giao năm 2021.

EVNNPT đang cố gắng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, để hoàn thành được công tác giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, EVNNPT đang đối diện với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sự hỗ trợ và phối hợp của nhiều bên: các địa phương nơi có dự án triển khai, các nhà thầu và sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ ngành.

Với chỉ đạo “tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến các quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định” của công điện 1082/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT hy vọng Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài sớm được ban hành trong năm 2021 và khắc phục được những bất cập trong quy định về thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải ngân các dự án ODA, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong thực tế triển khai để đảm bảo vốn đầu tư cho các dự án.

PV: Về phía doanh nghiệp đã có những giải pháp cụ thể gì để đảm bảo “mục tiêu kép” - vừa an toàn chống dịch, vừa đảm bảo các hoạt động đầu tư, thưa ông? 

Ông Phạm Lê Phú: Để đảm bảo vừa phòng chống dịch tốt vừa hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch được giao, trong đó có kế hoạch ĐTXD, EVNNPT đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vừa tăng cường tuyên truyền, động viên để cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng công ty vừa hiểu và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, vừa đồng thời đề ra và áp dụng các giải pháp phù hợp để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. 

Cụ thể, Tổng Công ty đã kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vừa tuân thủ thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, chính quyền các địa phương có liên quan và EVN về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện, đảm bảo tiến độ các dự án ĐTXD nhất là các dự án trọng điểm cấp bách phù hợp với đặc điểm về chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tiếp tục phối hợp triển khai công tác  bồi thường GPMB, tạo điều kiện cho CBCNV của EVNNPT và các nhà thầu của EVNNPT trong việc đi lại, vận chuyển vật tư thiết bị, tổ chức thi công theo nguyên tắc vừa đảm bảo phòng dịch vừa thực hiện được dự án. Các địa phương cũng đã kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị của EVNNPT và các ban QLDA nên đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh để triển khai các dự án.

Tổng Công ty cũng ứng dụng tối đa các công cụ về công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Tổng công ty và các đơn vị như: xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm Văn phòng điện tử; đẩy mạnh quản lý tiến độ dự án trên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức các cuộc họp xem xét, thông qua dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án bằng hình thức trực tuyến… Yêu cầu các nhà thầu tư vấn không thể bố trí người di chuyển từ đơn vị đến khu vực dự án thực hiện công tác khảo sát, đo đạc, thỏa thuận tuyến,… cần có giải pháp phù hợp để giảm ảnh hưởng đến tiến độ dự án như thuê nhà thầu phụ đủ năng lực, liên kết giải quyết công việc với các đơn vị khác phù hợp,…

Các ban QLDA và các nhà thầu xây lắp bố trí lực lượng bám sát công trường theo nguyên tắc hạn chế di chuyển ra ngoài địa bàn; bám sát, phối hợp tích cực, chủ động với chính quyền địa phương để khắc phục khó khăn do dịch bệnh để triển khai các công việc có thể thực hiện được trong bồi thường GPMB, thi công dự án. Các đơn vị đã tổ chức xét nghiệm và bố trí cho những người có liên quan tham gia thực hiện dự án theo mô hình bong bóng (ăn, nghỉ, sinh hoạt và làm việc trong một khu vực nhất định cách ly với môi trường xung quanh hoặc mô hình một cung đường hai điểm đến). 

Bám sát tình hình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tiến độ thực hiện hợp đồng như: tổ chức chứng kiến thử nghiệm online, bố trí cho chuyên gia nước ngoài của nhà cấp hàng giám sát quá trình lắp đặt thiết bị online,… 

Với tinh thần “tuân thủ - tận tâm - trách nhiệm” đồng bộ với việc đề ra và áp dụng những giải pháp phù hợp, kịp thời và linh hoạt nêu trên; trong thời gian vừa qua tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra để hoàn thành, đóng điện nhiều dự án như: đường dây 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2; TBA 500 kV Chơn Thành, TBA 220 kV Mường Tè và đường dây Mường Tè – Lai Châu, TBA 500 kV Đức Hòa, đường dây 500 kV đấu nối NMNĐ BOT Nghi Sơn 2; Dự án TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối hoàn thành và được gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVN lần thứ III”; Dự án nâng công suất TBA 500 kV Vĩnh Tân hoàn thành và được gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ EVNNPT lần thứ III”.

PV: Từ thực tế ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua đối với EVNNPT, theo ông, cần có sự hỗ trợ như thế nào từ phía Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện quốc gia? 

Ông Phạm Lê Phú: Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ và EVN giao, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang nỗ lực điều hành, đôn đốc các ban quản lý dự án, các nhà thầu áp dụng nhiều giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án. Tuy nhiên, thực tế thì ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tiến độ các dự án ĐTXD lưới truyền tải điện là rất lớn. Có thể khẳng định đây là các khó khăn khách quan, thuộc vào yếu tố bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Để giúp EVNNPT sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh gây ra để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chúng tôi rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, xác định ngành Điện nói chung, lĩnh vực truyền tải điện nói riêng là ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước để tạo điều kiện tối đa cho nhân lực, phương tiện, dụng cụ, vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được ưu tiên tạo điều kiện trong đi lại, di chuyển, làm việc khi đáp ứng với quy định phòng chống dịch bệnh.

Các bộ, ngành sớm có hướng dẫn bù giá đối với các vật tư, vật liệu tăng cao, bổ sung chi phí phòng dịch trong thời gian qua cũng như do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, hội đồng bồi thường GPMB các cấp và các trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp chặt chẽ với EVNNPT, các Ban QLDA để triển khai các công tác thỏa thuận tuyến, chuyển mục đích sử dụng rừng, bồi thường GPMB kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Với sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng để vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(Theo icon.com.vn).

Nguyên Long
Vận hành

Vận hành

Đầu tư

Đầu tư

Quan hệ quốc tế

Quan hệ quốc tế

Lịch sự kiện

Lịch sự kiện