Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức Tọa đàm huy động nguồn lực tài chính cho các dự án lưới điện

Thứ sáu, 11/11/2011 | 16:00 GMT+7
Ngày 11/11/2011, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã tổ chức buổi tọa đàm hợp tác thu xếp vốn xây dựng các công trình điện quốc gia từ nay đến năm 2020. Đến dự có 80 đại biểu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, NPT, hơn 20 ngân hàng, tổ chức tín dụng thương mại trong và ngoài nước. Ông Vũ Trần Nguyễn, Phó Tổng giám đốc NPT chủ trì hội nghị. Đây là lần đầu tiên, một chương trình đối thoại, cùng bàn về các giải pháp thu xếp vốn để phát triển nguồn và lưới điện quốc gia được NPT thực hiện. ​

Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII) nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Căn cứ Quy hoạch điện VII, dự kiến đến năm 2015, sản lượng điện quốc gia Việt Nam phải phát triển đạt từ 194 - 210 tỷ kWh, và đến năm 2020 phải đạt từ 330 - 362 tỷ kWh. Muốn như vậy, trong 5 năm NPT cần tập trung đầu tư từ 300 – 350 dự án lưới điện, trong đó phấn đấu đưa vào vận hành 230 dự án với tổng dung lượng các TBA là 53.900 MVA; 7.882 km đường dây 220 – 500 kV và  tổng sản lượng điện hơn 16.760 MVA. Nguồn vốn đầu tư cần thu xếp cho các dự án này xấp xỉ 76.000 tỷ đồng tương đương 1 tỉ USD/năm. Việc này đòi hỏi NPT phải tập trung huy động, thu xếp được lượng vốn đầu tư lớn, từ nhiều nguồn khác nhau như vốn thực có, vốn vay ODA của các tổ chức tín dụng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… vốn vay thương mại của các ngân hàng trong nước, các tổ chức tín dụng khác nhằm thu xếp vốn đầu tư cho các công trình điện.


toan canh hoi nghi.jpg

                           Toàn cảnh buổi tọa đàm hợp tác thu xếp vốn xây dựng các công trình điện quốc gia.


Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Trần Nguyễn, Phó Tổng giám đốc NPT bày tỏ: lợi thế của NPT là doanh nghiệp độc quyền Nhà nước về truyền tải điện, đảm nhận các nhiệm vụ đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý vận hành lưới điện truyền tải quốc gia có cấp điện áp 220 kV – 500 kV trên toàn quốc; liên kết với lưới điện truyền tải với các nước trong khu vực. Hiện tại, NPT đang quản lý vận hành 81 trạm biến áp 200 và 500 kV có tổng dung lượng 35.128 MVA; và 14.086 km đường dây từ 220 - 500 kV. Trong gần 4 năm qua, NPT đã truyền tải trên lưới điện trên 310 tỷ kWh; phê duyệt và khởi công trên 650 công trình, đưa vào vận hành trên 150 công trình điện với tổng mức đầu tư đạt trên 36.750 tỷ đồng.

o vu tran nguyen phat bieu.jpg

                                        Ông Vũ Trần Nguyễn - Phó Tổng giám đốc NPT phát biểu tại hội nghị.


Theo đánh giá quá trình thực hiện Quy hoạch điện VI, VII giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020, tốc độ tăng trưởng hiện nay sản lượng điện truyền tải năm 2011: 90,5 tỷ kWh; năm 2013 trên 118 tỷ kWh; năm 2015 khoảng 194 đến 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 đến 362 tỷ kWh. Tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối lưới điện truyền tải với các nước trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước cũng như đáp ứng nhu cầu về điện của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với các tiêu chí quy hoạch điện VII, NPT phải tập trung triển khai rất nhiều dự án, tuy nhiên hiện nay khó khăn lớn nhất đó là vốn đầu tư cho các công trình lưới điện. Một trong những khó khăn đó là phí truyền tải thấp, yêu cấu vốn đầu tư nhanh nhưng khó huy động, các điều kiện vay khắt khe, khả năng huy động vốn bị giới hạn bởi quy mô vốn điều lệ, tình hình lãi suất khó khăn và các quy định tài chính liên quan. Trong đó, yêu cầu từ các nhà tài trợ vay vốn về đầu mối nhà cung cấp, lượng hàng hóa cung cấp và sự bảo lãnh của Chính phủ là khó khăn lớn nhất giúp các gói vay đầu tư dự án truyền tải được cấp vốn vay đầy đủ. Nếu không tìm kiếm được sự chia sẻ và khả năng ưu tiên thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng và ngân hàng, NPT sẽ không bảo đảm huy động được lượng vốn lớn theo chiến lược phát triển đề ra.

dai dien ngan hnag phat bieu.jpg

                                         Đại diện Ngân hàng tham gia thảo luận tại buổi tọa đàm.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông Vũ Trần Nguyễn, Phó Tổng giám đốc NPT khẳng định, kết quả đối thoại tại buổi tọa đàm lần này sẽ góp phần giúp Tổng công ty tăng cường cơ hội hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước về vấn đề cấp vốn đầu tư cho các dự án phát triển ngành điện tại Việt Nam, đặc biệt về mặt giải tỏa công suất của các nhà máy điện mới. Điều này cực kỳ cần thiết với Tổng công ty trong mục tiêu đầu tư các dự án lưới điện quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có tầm nhìn đến 2030. Đây sẽ là cơ hội phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ và hợp tác của các ngân hàng và tổ chức tín dụng cùng ngành điện tham gia vào quá trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang Thắng - NPT