Vay không bảo lãnh Chính phủ - Thêm một giải pháp thay thế cho nguồn vốn vay ODA truyền thống đang ngày càng bị hạn chế và thu hẹp

Thứ hai, 6/11/2017 | 00:55 GMT+7
​Chiều ngày 2/11/2017 tại trụ sở Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn đã chủ trì buổi làm việc với ông Fabio Grazi - Trưởng Ban Hạ tầng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để trao đổi về các thông tin liên quan đến hình thức vay không có bảo lãnh Chính phủ.

NPT-AFD_031117_1.jpg
Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn chủ trì buổi làm việc ​với ông Fabio Grazi - Trưởng Ban Hạ tầng của AFD

Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo chỉ số nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép, Chính phủ ngày càng siết chặt các khoản vay ODA. Theo đó, công tác thu xếp vốn ODA phục vụ cho đầu tư hệ thống truyền tải điện của EVNNPT trong giai đoạn 2018 - 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn.

Với nhu cầu đầu tư từ nay đến năm 2020 vẫn còn rất lớn, trung bình 700 - 800 triệu USD mỗi năm, viêc thu xếp đủ vốn cho công tác đầu tư đặt ra rất nhiều thách thức. Do đó, lãnh đạo EVNNPT phải đồng thời triển khai nhiều phương án và tìm các nguồn cũng như hình thức vay vốn mới. Một trong những giải pháp thay thế cho nguồn vay ODA là nguồn vay không có bảo lãnh Chính phủ từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ truyền thống.

AFD là một trong những nhà tài trợ truyền thống của EVNNPT nhưng cũng là tổ chức đi tiên phong trong áp dụng hình thức cho doanh nghiệp vay không có bảo lãnh Chính phủ.

Chiều ngày 2/11/2017 tại trụ sở của EVNNPT, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn đã chủ trì buổi làm việc với ong Fabio Grazi - Trưởng Ban Hạ tầng của AFD để trao đổi về các thông tin liên quan đến hình thức vay mới này.

NPT-AFD_031117_2.jpg
Ông Fabio Grazi -
Trưởng Ban Hạ tầng của AFD trao đổi tại buổi làm việc

Theo ông Fabio Grazi, đây là khoản vay ưu đãi về mặt tài chính nhưng không yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ như các khoản vay ODA và AFD chịu tất cả mọi rủi ro về mặt tài chính của EVNNPT cũng như của Quốc gia. Đây không phải là khoản vay thương mại. OECD coi đây là khoản vay ODA về mặt lãi suất, tuy nhiên lãi suất sẽ cao hơn so với vay ODA nhưng thấp hơn vay thương mại. Mức lãi suất áp dụng sẽ được tính toán trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính của bên vay, tình hình tài chính tốt lãi suất sẽ thấp hơn và ngược lại. Khoản vay có thời hạn vay tối đa là 15 năm, với 5 năm ân hạn. Giá trị mỗi khoản vay giới hạn ở mức tối thiểu là 50 triệu EUR. Tiêu chí lựa chọn các dự án của khoản vay là các dự án có khả năng sinh lời, có tính khả thi về mặt kỹ thuật. AFD triển khai thẩm định cả 2 yếu tố này ngay từ giai đoạn đầu trên cơ sở các tài liệu do bên vay cung cấp và đi kiểm tra thực tế khu vực dự án. Với ngành Điện, các yếu tố liên quan đến an toàn về môi trường, xã hội, giảm tổn thất, các dự án không trực tiếp đấu nối với các nguồn nhiệt điện than… là những yếu tố quan trọng để AFD xem xét quyết định việc tài trợ. Các khoản vay thực hiện theo hình thức này sẽ giảm được đáng kể thời gian thẩm định, hoàn thiện các thủ tục và đi đến ký kết Thỏa ước tín dụng do không phải thực hiện các thủ tục vay vốn ODA theo qui định của Chính phủ Việt Nam. Thỏa ước tín dụng sẽ được ký kết trực tiếp với doanh nghiệp.

Ông Fabio Grazi cho biết AFD đã ký kết Thỏa ước tín dụng dưới hình thức này với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho dự án thủy điện Huội Quảng và hiện đang triển khai tiếp 02 khoản vay với EVN. Ngoài ra, AFD cũng cho các ngành khác vay vốn dưới hình thức này như ngành nước, giao thông. AFD đã tiến hành đánh giá tình hình tài chính của EVN và kết quả cho thấy, tín nhiệm tài chính của EVN đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Do đó, EVNNPT và các đơn vị trực thuộc sẽ có cơ hội cao hơn để vay AFD theo hình thức này. Với riêng EVNNPT, bên cạnh những đánh giá về mặt tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm triển khai các khoản vay ODA và vay không có bảo lãnh Chính phủ dưới hình thức khoản vay không ràng buộc do Nexi bảo lãnh là những yếu tố cộng thêm điểm về độ tin cậy, uy tín và tính khả thi của dự án để AFD xem xét cho vay.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT Vũ Trần Nguyễn đánh giá cao các hỗ trợ AFD đã dành cho EVNNPT thông qua 02 khoản vay ODA trước đây đồng tài trợ với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): Dự án Truyền tải điện miền Bắc Dự án Đầu tư lưới điện truyền tải 2. Đồng thời mong muốn AFD tiếp tục hỗ trợ EVNNPT trong công tác đầu tư hệ thống điện truyền tải dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức vay vốn không có bảo lãnh Chính phủ. PTGĐ EVNNPT cho biết, nhu cầu đầu tư của EVNNPT trong giai đoạn tới vẫn còn rất cao, trong đó nguồn vốn nước ngoài vẫn giữ vai trò chủ đạo. Trước đây vốn vay nước ngoài chủ yếu là vốn ODA, tuy nhiên, hiện nay và trong tương lai, Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các khoản vay nữa thì các doanh nghiệp, trong đó có EVNNPT sẽ phải tìm kiếm các nguồn vay thay thế. EVNNPT cũng đã làm việc với nhiều nhà tài trợ truyền thống như: Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và các tổ chức quốc tế khác đề xuất xem xét cho vay theo hình thức không có bảo lãnh Chính phủ. Các nhà tài trợ và các tổ chức tín dụng quốc tế đều quan tâm và ủng hộ. PTGĐ EVNNPT rất vui mừng vì AFD là tổ chức đi tiên phong trong việc áp dụng hình thức cho vay không có bảo lãnh Chính phủ và mong muốn hai bên có thể sớm hợp tác và ký kết được khoản vay dưới hình thức này trong năm 2019.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ triển khác các công tác liên quan ngay trong tháng 11/2017 và cam kết phối hợp chặt chẽ để hiện thực hóa 01 khoản vay theo hình thức này./.

Đinh Thị Sen - Ban QHQT