Bảo đảm lưới điện truyền tải cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ tư, 6/5/2015 | 10:00 GMT+7
​Theo các tính toán của Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), năm 2015 này, tình hình vận hành lưới điện truyền tải (LÐTT) vẫn tiếp tục xu hướng truyền tải cao trên các đường dây (ÐZ) 500 kV miền Trung vào Nam vào mùa mưa và truyền tải cao ở các ÐZ liên kết lưới miền Đông-miền Tây ở các thời điểm ngưng cung cấp khí Cà Mau. Nhiều ÐZ sẽ phải cắt điện để phục vụ thi công các công trình hạ tầng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra với PTC4 hết sức nặng nề khi phải bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định và liên tục cho các tỉnh miền Nam-khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước có mức tăng trưởng phụ tải lớn nhất.
Bao dam luoi dien truyen tai cho khu vuc kinh te trong diem phia Nam_6-5-2015.jpg 
​Công nhân Công ty Truyền tải điện 4 kiểm tra thiết bị máy biến áp 220kV tại Trạm biến áp 220kV Trà Nóc (Cần Thơ)

PTC4 thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) là đơn vị có quy mô, khối lượng quản lý và điện năng truyền tải đứng đầu trong hệ thống LÐTT quốc gia. Những năm qua, PTC4 với sáu Truyền tải điện (TTÐ) khu vực gồm TTÐ miền Ðông 1, 2; TTÐ miền Tây 1,2,3 và TTÐ TP Hồ Chí Minh luôn bảo đảm vận hành an toàn, ổn định, cung cấp điện cho 19 tỉnh, thành phố phía nam gồm Bình Phước, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh... cho đến Bạc Liêu, Cà Mau - khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện năng cao nhất cả nước. Tổng điện năng truyền tải trên lưới của PTC4 hằng năm chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện truyền tải của EVNNPT. Riêng năm 2014, sản lượng điện truyền tải đạt hơn 63,27 tỷ kW giờ. Ðến nay, PTC 4 quản lý gần 1.453km ÐZ 500kV, gần 3.907 km ÐZ 220 kV; tám TBA 500 kV và 31 TBA 220 kV với tổng dung lượng 23.842 MVA. So cách đây năm năm, tổng chiều dài ÐZ tăng 34,25%, dung lượng TBA tăng 78,51% do hằng năm, công ty tiếp nhận thêm nhiều TBA cùng ÐZ đấu nối, công trình cải tạo nâng công suất lưới điện.

Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc PTC4 Võ Ðình Thủy cho chúng tôi biết, chỉ tiêu điện truyền tải của công ty đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, mỗi năm tăng từ 7,5% đến 8,1% so cùng kỳ năm trước. Công ty đi đầu trong đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ điện tổn thất từ năm 2010 đến 2014 luôn giảm và thấp hơn chỉ tiêu trên giao từ 0,01% đến 0,31%. PTC4 là đơn vị có tỷ lệ điện tổn thất thấp nhất trong toàn EVNNPT. Nếu như năm 2003, tỷ lệ tổn thất là 3,49% thì đến năm 2014, tỷ lệ này giảm xuống còn 1,18%, giảm 0,25% so với kế hoạch. Liên tục nhiều năm qua, với ý thức tự giác, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí nhằm hạ thấp giá thành truyền tải, PTC4 đã triệt để triển khai các giải pháp trong quản lý sản xuất và kỹ thuật, nhờ đó, chi phí sản xuất hằng năm tiết kiệm được từ 3% đến 4% so với định mức được giao, là đơn vị có giá thành truyền tải điện thấp nhất trong EVNNPT.

Trong ba năm qua, khối lượng các công trình đầu tư, xây dựng mới, công trình nâng cấp, cải tạo về TBA thuộc công ty quản lý đã tăng thêm ba TBA 500 kV và năm TBA 220 kV; thực hiện cải tạo, tăng cường công suất chín TBA với tổng dung lượng tăng 6.676 MVA, tốc độ tăng bình quân 11,75%; tăng thêm năm tuyến ÐZ 500 kV và bảy tuyến ÐZ 220 kV với tổng chiều dài tăng thêm 1.207km. Ngoài ra, công ty còn thực hiện đầu tư lắp các hệ thống tụ bù dọc và thay thiết bị trên lưới 500kV nhằm nâng cao khả năng truyền tải tại các TBA Plây Cu, Di Linh, Ðác Nông, Tân Ðịnh, Phú Lâm. Các công trình trên đi vào vận hành đã góp phần giảm quá tải ÐZ và máy biến áp tại các TBA. Nếu như năm 2012, trên LÐTT có 21/72 tuyến ÐZ, 42/111 máy biến áp quá tải thì đến nay, về cơ bản, chỉ còn một ÐZ 220 kV Sông Mây-Long Bình quá tải, không còn TBA quá tải máy biến áp. Chỉ xảy ra một số trường hợp quá tải khi cắt điện công tác hoặc do phương thức vận hành. Nhờ kết quả trong sản xuất, vận hành mà công ty đã đạt kết quả tích cực trong việc tối ưu hóa chi phí mặc dù giá thành truyền tải của đơn vị đã thuộc loại thấp nhất so mặt chung của EVNNPT. Công ty cũng hoàn thành kế hoạch đạt 2/2 chỉ tiêu thuộc nhóm nâng cao năng suất lao động khi năm 2014, đơn vị tiết kiệm 115 nhân sự so khối lượng lưới điện quản lý tăng thêm và định biên lao động do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) giao.

Giám đốc TTÐ miền Tây 1 Lê Xuân Thụ cho biết, đơn vị này đang quản lý hơn 739 km ÐZ 500-220kV trên địa bàn bốn tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chủ yếu là các ÐZ mới được đầu tư. Chỉ có TBA 220 kV Trà Nóc (Cần Thơ) vận hành từ năm 1987, các thiết bị lâu năm được đơn vị quan tâm bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thay thế kịp thời, đến nay những thiết bị đó vẫn được vận hành ổn định và an toàn. Ðặc biệt, với đặc điểm địa hình lưới điện đi qua vùng đồng bằng, băng qua một số vườn cây ăn trái, là khu vực thường xuyên bị ngập từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, nhất là đối với các thiết bị cột ở những vùng ngập lũ, có khả năng bị nghiêng... Giám đốc TTÐ miền Ðông 1 Nguyễn Văn Hóa chia sẻ, đơn vị đang quản lý hai TBA 500 kV Phú Mỹ và Sông Mây, bảy TBA 220 kV và hơn 2.000 km ÐZ 500-220 kV. TTÐ miền Ðông 1 luôn quan tâm đến công tác kiểm tra định kỳ, đánh giá lại các thiết bị nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành gắn với công tác tuyên truyền bảo vệ LÐTT trong nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện; phối hợp với các đơn vị bạn trong ngành điện tuyên truyền cũng như trong quá trình cắt điện để duy tu bảo dưỡng ÐZ hay khi có sự cố xảy ra, công tác chuyển lưới giữa các đơn vị để bảo đảm cung cấp điện cho khu vực Ðồng Nai, Bình Dương.

Với nhu cầu phụ tải phát triển khá lớn như trên, cũng như sự phát triển của LÐTT, Ðảng ủy, lãnh đạo PTC4 xác định rõ, năm nay, đơn vị phải tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn các ÐZ và TBA, nhất là hệ thống 500 kV Bắc-Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải tăng cao để cấp điện cho miền Nam và những năm tiếp theo. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, giám sát hoạt động của hệ thống LÐTT, chủ động phát hiện, xử lý nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố trên lưới. Kiểm tra hệ thống điều khiển bảo vệ các TBA nhằm hạn chế sự cố. Theo dõi thường xuyên, định kỳ các thiết bị TBA, giám sát chặt chẽ chế độ vận hành thiết bị không để vận hành quá tải. Hoàn thiện hệ thống đường truyền bảo vệ trên tất cả LÐTT, có dự phòng và độc lập về mặt vật lý. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp. Áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, vận hành thiết bị, giám sát từ xa, giám sát trực tuyến... PTC4 cũng đặc biệt coi trọng đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình đầu tư xây dựng, nâng công suất LÐTT như: dự án nâng công suất TBA 500 kV Ô Môn, các TBA 220 kV Cao Lãnh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; đưa vào vận hành các TBA 500 kV Duyên Hải, Mỹ Tho...; cải tạo ÐZ 220 kV Phú Lâm - Hóc Môn, Phú Lâm - Cai Lậy lên hai mạch; đưa vào vận hành ÐZ 220 kV Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân, Cầu Bông-Ðức Hòa, Trảng Bàng - Tây Ninh... Phối hợp với các ban quản lý dự án, nhà thầu nhằm tăng cường quản lý chặt các khâu thiết kế, thi công lắp đặt, thí nghiệm thiết bị, nghiệm thu các công trình lưới điện./.

Thái Bảo