EVNNPT làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2

Thứ năm, 27/8/2020 | 10:04 GMT+7
Ngày 26/8, tại Nghệ An, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, báo cáo những khó khăn vướng mắc trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia.

 

Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB báo cáo tiến độ dự án

Chủ trì buổi làm việc có ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh Nghệ An. Về phía EVNNPT có ông Phạm Lê Phú – Phó Tổng giám đốc EVNNPT, ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB).

Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB cho biết: Tuyến đường dây có chiều dài 39,6 km gồm 219 vị trí cột, đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 123 vị trí cột với chiều dài tuyến 23,35 km.

Hiện trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có 5 hộ dân xây dựng trại tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp trước năm 2004, hội đồng bồi thường đã tổ chức kiểm đếm nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, do không có cơ sở để áp giá bồi thường, hỗ trợ, 10 hộ dân đã nhận tiền bồi thường cây cối, nhưng đến nay vẫn không tận thu cây cối và cản trở không cho đơn vị thi công kéo dây, 2 hộ có cây keo trồng trên đất hàng năm khác (BHK) nằm trong hành lang không ký hồ sơ kiểm đếm và không cho thi công kéo dây.

Đặc biệt tại các khoảng cột 60-61 (tuyến 1) và 58-59 (tuyến 2), 3 hộ dân có nhà, công trình xây dựng 2018 trên đất BHK trong hành lang an toàn lưới điện không cho thi công kéo dây, các hộ dân đề nghị được đền bù, hỗ trợ đất và tài sản trên đất.

Tại huyện Quỳnh Lưu còn 4/41 vị trí móng chưa được phê duyệt phương án bồi thường, vướng mắc do các loại bản đồ không thống nhất và hiện trạng các hộ đang sử dụng trồng keo, các hộ đề nghị được bồi thường, hỗ trợ theo đất trồng cây lâu năm. Cùng với đó có 34 hộ dân trong hành lang tuyến trồng keo, UBND xã Tân Thắng chưa xác định được nguồn gốc đất do chồng chéo nhiều loại bản đồ khác nhau.

Tại huyện Nghĩa Đàn, còn 2 vị trí cột của 2 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng không cho thi công lắp dựng cột và đề nghị bổ sung giá trị chênh lệch đất và cây theo đơn giá giữa 2019 - 2020. Về hành lang tuyến còn 71 hộ dân chưa phê duyệt phương án bồi thường.

Tại thị xã Thái Hòa, hành lang tuyến còn 9 hộ dân chưa phê duyệt phương án bồi thường. Còn 2 hộ dân có công trình chăn nuôi và lán trại xây dựng trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa thống nhất đơn giá bồi thường, hỗ trợ.

Ông Phạm Lê Phú – Phó Tổng giám đốc EVNNPT phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Phạm Lê Phú – Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết đây là dự án điện cấp bách nhằm giải tỏa công suất NMNĐ BOT Nghi Sơn, nếu dự án không đảm bảo tiến độ thì Chính phủ Việt Nam sẽ phải bồi thường cho chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện này với số tiền rất lớn mỗi ngày. Cùng với đó, dự án nguồn điện này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện lớn cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính vì vậy để đáp ứng tiến độ hoàn thành đóng điện dự án vào cuối tháng 9/2020, đồng bộ với tiến độ của NMNĐ BOT Nghi Sơn 2, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét: Đối với các hộ dân trồng cây lâu năm trên đất BHK, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng từ trước đến nay không tranh chấp, hiện trạng trồng cây keo và các hộ dân đang có vướng mắc do chồng chéo của các loại bản đồ,  các hộ dân đề nghị được hỗ trợ đất trồng cây lâu năm. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân cũng như phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận giao cho UBND huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai xác định loại đất theo hiện trạng thực tế đang sử dụng đất của các hộ dân để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân.

Đối với các hộ dân có nhà ở, công trình phải di dời ra ngoài hành lang nhưng không thuộc diện được bố trí tái định cư theo quy định, nhằm giảm bớt thiệt hại và thuận lợi cho việc vận động hộ dân đồng thuận: Kiến nghị UBND tỉnh xem xét việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ  đất ở theo giá đất cụ thể (giá mua bán, chuyển nhượng thực tế thị trường).

Đối với 3 hộ dân xây dựng nhà, vật kiến trúc trái phép trên đất nông nghiệp năm 2018, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Hoàng Mai xây dựng phương án cưỡng chế tháo dỡ để bảo đảm hành lang an toàn theo quy. Đồng thời, xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự cho đơn vị thi công kéo dây theo kế hoạch đăng ký cắt điện. Đối với 5 hộ dân có trại tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp xây dựng trước năm 2004, tại địa bàn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, kiến nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ theo quy định tại khoản 5, điều 16, Quyết định 58/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND tỉnh.

Đối với các hộ dân có công trình chăn nuôi, lán trại xây dựng trên đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất nông nghiệp: Kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận theo đề xuất của Sở TC tại văn bản 2725/STC-QLG&CS ngày 13/8/2020 của Sở Tài chính.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất với tất cả các kiến nghị của EVNNPT, CPMB, đồng thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh cần kiên quyết chỉ đạo để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án. Đối với những trường hợp xây dựng trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương xây dựng phương án cưỡng chế, bảo vệ thi công.

“Cuộc họp đã giải quyết được tất cả các kiến nghị của EVNNPT, CPMB. Chính vì vậy các địa phương phải có chương trình hành động ngay sau cuộc họp và phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An nếu không đáp ứng được tiến độ. Văn phòng UBND tỉnh tham mưu để có kết luận cuộc họp hôm nay nhằm thúc các địa phương sớm bàn giao mặt bằng đường dây nhằm giải tỏa công nguồn suốt điện lên hệ thống điện quốc gia”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Lê Ngọc Hoa kết luận.

Ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi làm việc

 

 

Xuân Tiến - PV TCĐL