Sự cố rã lưới ngày 22-5: Có nguyên nhân từ thực trạng của hệ thống điện

Thứ ba, 11/6/2013 | 14:00 GMT+7
Trong thời gian qua, tiến độ nhiều dự án điện đã được thúc đẩy, việc cung cấp điện cơ bản được đảm bảo, tổng công suất nguồn điện hiện nay trên 28 nghìn MW, có thể đáp ứng cho nhu cầu phụ tải cực đại 20 - 21 nghìn MW và có dự phòng. Tuy nhiên, cân bằng giữa các vùng miền chưa cân đối, nhiều dự án điện, nhất là ở phía Nam còn chậm nên phải truyền tải công suất lớn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, sự cố rã lưới hệ thống điện miền Nam ngày 22-5 vừa qua có những nguyên nhân bắt nguồn từ bản thân thực trạng của hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện các miền hiện nay. ​

 

 



Với chiều dài trên 1.500 km, việc truyền tải công suất và sản lượng lớn luôn tiềm ẩn rủi ro cao nếu một trong 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam bị sự cố

Chưa đủ độ tin cậy

Do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đầu tư nguồn và sự phát triển của phụ tải khu vực, đến nay, cơ cấu nguồn điện giữa các miền Bắc, Trung, Nam chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng hai mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải công suất và sản lượng lớn theo hai chiều từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vào Nam tuỳ từng thời điểm. Từ năm 2010 trở lại đây, xu thế chủ yếu là truyền từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam và dự báo xu thế này còn tiếp diễn trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017. Với chiều dài trên 1.500 km, việc truyền tải công suất và sản lượng lớn luôn tiềm ẩn rủi ro cao nếu một trong 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam bị sự cố. Cộng thêm các yếu tố trùng hợp khác như nếu sự cố xảy ra vào giờ cao điểm, các nhà máy phát điện đang bám lưới không còn công suất dự phòng (tương tự như sự cố ngày 22-5-2013 vừa qua), thì mức độ nguy hiểm của sự cố sẽ càng tăng, có nguy cơ gây rã lưới một phần hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là toàn bộ hệ thống điện quốc gia.

Mặc dù hệ thống truyền tải điện 220 và 500 kV đã đưa tiêu chuẩn n-1 (tiêu chí bảo đảm nếu hệ thống điện bị mất một phần tử bất kỳ do sự cố thì sẽ không phải sa thải phụ tải hoặc hệ thống phải vận hành ngoài các giới hạn kỹ thuật cho phép. Trên thế giới, với các phần tử quan trọng, thậm chí phải áp dụng tiêu chí n-2) vào Quy hoạch điện 7 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng trong thực tế nhìn chung chưa đảm bảo độ tin cậy và dự phòng, chưa đáp ứng tiêu chí này.

Thực tế hiện nay, trong hệ thống điện quốc gia còn nhiều đường dây phải vận hành đầy hoặc thậm chí quá tải, như: đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh; các trạm 500 kV Ô Môn, Phú Lâm,  Nhà Bè,  Phú Mỹ; các đường dây 220 kV Thủ Đức - Cát Lái, Phú Lâm - Bình Tân, Hóc Môn - Bình Tân, Long Thành - Phú Mỹ, các trạm 220 kV Long Bình, Thuận An, Thanh Hoá, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, v.v... .

Thống kê số liệu vận hành tháng 5-2013 cho thấy có 17 đường dây 220/500kV và 12 trạm biến áp 220/500 kV phải vận hành quá tải. Tình trạng quá tải này dẫn đến, muốn đảm bảo an toàn thì phương án duy nhất là phải sa thải bớt phụ tải mặc dù hệ thống có đủ nguồn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là các vướng mắc của quá trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình lưới điện truyền tải, khiến nhiều công trình không thể vào vận hành như dự kiến. Trong đó nguồn vốn và đền bù giải phóng mặt bằng là 2 vấn đề chủ yếu. Về nguồn vốn, hàng năm Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (đơn vị được giao đầu tư hệ thống truyền tải điện) nhu cầu đầu tư  thuần khoảng 15.000 - 17.000 tỷ đồng/năm từ nay đến năm 2015, và dự kiến tăng lên 18.000-20.000 tỷ đồng/năm cho giai đoạn 2015-2020, nhưng vốn đối ứng còn thiếu nhiều, không đáp ứng tiêu chí cho vay và hạn mức vay cũng đã vượt các qui định hiện hành trong Luật các tổ chức tín dụng nên việc thu xếp vốn vay của các ngân hàng khó khăn mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ. Về giải phóng mặt bằng, nhiều công trình truyền tải điện quan trọng ở cấp điện áp 220 và 500 kV gặp khó khăn. Điển hình là đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn (vướng 10 vị trí cột khu vực Bình Chánh TP Hồ Chí Minh, 1 khoảng néo trên địa bàn tỉnh Long An), đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây (vướng 5 vị trí cột trong đó 4 vị trí thuộc địa bàn Đồng Nai và 1 vị trí thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu), đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định (vướng 4 khoảng néo trên địa bàn Bình Dương và Đồng Nai), đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (đường dây 500 kV mạch 3 từ Pleiku tăng cường cấp điện cho miền Nam, kế hoạch đóng điện cuối năm 2013) hiện còn 80 vị trí cột khu vực Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh chưa giải phóng được mặt bằng, dự án trạm 500 kV Cầu Bông còn 12 hộ dân chưa giải toả xong, v.v...

Giải pháp ứng phó, phòng tránh nguy cơ xảy ra sự cố tương tự

Từ sự cố vừa qua, cho thấy, cần triển khai ngay một số giải pháp để bảo đảm an toàn vận hành cho đường dây 500 kV Bắc – Nam, đặc biệt là công tác bảo vệ hành lang an toàn của đường dây, đồng thời cũng cần phải có các giải pháp trung và dài hạn nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện và hệ thống điện nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rã lưới một phần hoặc toàn bộ hệ thống điện quốc gia. Theo đó, trước mắt triển khai ngay một số giải pháp:  Tăng cường công tác bảo vệ, giảm thiểu nguy cơ vi phạm hành lang  an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220/500 kV, như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó đặc biệt là hành lang an toàn hệ thống điện 220 và 500 kV; triển khai ký hợp đồng về bảo vệ đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 và các mạch còn lại với lực lượng công an, quân đội, UBND các xã, địa phương có đường dây đi qua; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các qui định của pháp luật và nâng ý thức bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trong xã hội, dân cư và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những khu vực có đường dây đi qua.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp hợp lý nhằm giảm công suất truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc - Nam và đảm bảo điện áp khu vực miền Nam trong giới hạn cho phép; thường xuyên rà soát hệ thống rơ le bảo vệ, các hệ thống tự động chống sự cố, phương thức kết lưới và phương thức vận hành để ứng phó tốt hơn với các tình huống sự cố trong hệ thống điện, giảm thiểu nguy cơ rã lưới; Đẩy nhanh dự án trang bị Hệ thống ghi sự cố (Fault Recorders) nhằm tăng khả năng thu thập, đồng bộ thông tin, dữ liệu liên quan đến sự cố tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, phân tích; bảo đảm hoạt động của các hệ thống SCADA hiện có và đôn đốc đẩy nhanh dự án xây dựng hệ thống SCADA mới cho Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia và 3 Trung tâm Điều độ HTĐ miền (vốn vay WB) nhằm tăng khả năng giám sát và điều hành của các Trung tâm Điều độ.

Về trung và dài hạn, phải tập trung vào các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện truyền tải nói riêng và hệ thống điện nói chung, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, tình trạng điện áp thấp, v.v... Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình lưới điện truyền tải, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải của đường dây và trạm biến áp. Trong đó tháo gỡ các khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng là hết sức quan trọng.

Trước mắt, tập trung chỉ đạo để đưa vào vận hành các đường dây và trạm biến áp 220/500 kV khu vực miền Nam, đặc biệt là các công trình đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Định và trạm 500 kV Sông Mây, (theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 7-2013); đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây ( đóng điện vào tháng 9-2013); đường dây 500 kV Phú Lâm - Ô Môn ( đóng điện vào tháng 8-2013); thay máy biến áp 500 kV Phú Lâm (hoàn thành vào quí III-2013); đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây  (đóng điện vào tháng 12-2013, trong đó giai đoạn 1 phục vụ thử nghiệm nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải hoàn thành trong tháng 7-2013); đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông (đóng điện vào tháng 12-2013); trạm 500 kV Cầu Bông (hoàn thành vào tháng 12-2013)...; hoàn thành thay thế các tụ bù dọc 1.000A trên đường dây 500 kV từ Pleiku đi về phía Nam bằng các tụ bù mới  để tăng khả năng tải cho các đường dây; nâng khả năng tải đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng (hiện đang quá tải) bằng việc lắp đặt 3 bộ tụ  tại trạm 500 kV Hà Tĩnh và  trạm Nho Quan; đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện đang xây dựng tại miền Nam, trong đó tập trung vào công trình Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (dự kiến tổ 1 vào vận hành tháng 4-2014, tổ 2 tháng 10-2014; Nhiệt điện Duyên Hải 1 ( dự kiến tổ 1 vào vận hành tháng 7-2015, tổ 2 tháng 9-2015; Nhiệt điện Ô Môn (dự kiến vào vận hành tháng 9-2015; Nhiệt điện Duyên Hải 3 (dự kiến vận hành năm 2016-2017 nhằm tăng thêm nguồn điện cho khu vực phía Nam); phấn đấu khởi công nhiệt điện Vĩnh Tân 4 trong năm nay và nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng  vào năm 2015.

Bện cạnh đó, lập dự án bổ sung khẩn trương các tụ bù công suất phản kháng khu vực miền Nam để tăng độ dự trữ công suất phản kháng và độ ổn định điện áp trong lưới điện miền Nam, giảm sự phụ thuộc của điện áp trong lưới điện miền Nam vào lượng công suất phản kháng truyền từ đường dây 500 kV vào miền Nam; nghiên cứu trang bị thiết bị điều chỉnh điện áp tiên tiến tại một số vị trí trọng yếu như Đắk Nông, Phú Lâm, Tân Định, v.v... để nâng cao chế độ ổn định điện áp cho hệ thống điện miền Nam..../.

 

Thanh Mai / Icon.com.vn