Công đoàn EVNNPT tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (Sửa đổi)

Thứ ba, 28/5/2019 | 10:10 GMT+7
​Thực hiện Văn bản số 219/CV-CĐĐVN ngày 09/5/2019 của Công đoàn Điện lực Việt Nam về việc góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động, vừa qua, Công đoàn EVNNPT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên BCH Công đoàn EVNNPT; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở trực thuộc; các đồng chí trong Tổ Tư vấn Pháp luật, các Ban Chuyên đề Công đoàn EVNNPT; các đồng chí Chuyên trách công đoàn các đơn vị.

CD-BLLD_280519_1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 18/6/2012, bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013. Đây là Bộ luật có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh toàn diện mọi lĩnh vực quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tác động đến tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo lập hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động.

Sau 6 năm thực hiện, Bộ luật Lao động đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. Ngày 28/4/2019, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). 

Tại Hội nghị này, Công đoàn EVNNPT sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên BCH Công đoàn EVNNPT; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở trực thuộc; các đồng chí Tổ Tư vấn Pháp luật, các Ban chuyên đề Công đoàn EVNNPT; các đồng chí chuyên trách công đoàn các đơn vị.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu, Công đoàn EVNNPT sẽ tổng hợp và báo cáo Công đoàn Điện lực Việt Nam, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đảm bảo quyền, lợi ích của CNVCLĐ theo đúng nguyên tắc, yêu cầu đề ra trong thời kỳ mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu vào một số nội dung của Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: Vấn đề mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm; tuổi nghỉ hưu; vấn đề tiền lương; về tổ chức đại diện người lao động; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; thời gian nghỉ Tết âm lịch và bổ sung 1 ngày nghỉ 27/7 (Ngày Thương binh liệt sỹ); về tranh chấp lao động và đình công...

Đóng góp về nội dung mở rộng khung thoả thuận giờ làm việc thêm tối đa, đa số các đại biểu thống nhất với phương án trong dự thảo, theo đó, một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ nhưng không quá 400 giờ/năm.

Về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu thống nhất với phương án 1 của dự thảo. Bởi phương án này phù hợp với tình hình của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi về hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi về hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại phương án 1 sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có thời gian thích nghi và không gây sốc cho thị trường lao động.

Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, các đại biểu thống nhất với nội dung trong dự thảo và cho rằng nội dung đó phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế.

Đối với nội dung bổ sung 01 một ngày nghỉ lễ 27/7 (ngày Thương binh liệt sỹ hằng năm). Theo các đại biểu, việc nghỉ ngày này thể hiện truyền thống đạo lý cao đẹp của nhân dân ta là “uống nước nhớ nguồn”, từ đó các đại biểu thống nhất với dự thảo.

Ngoài ra, các đại biểu trong Hội nghị còn góp ý một số vấn đề khác liên quan đến: Tổ chức đại diện cho tập thể người lao động tại cơ sở, đề nghị điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp. Bởi vì trong thực tiễn tại các doanh nghiệp có sự không đồng bộ giữa người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn đồng cấp; góp ý các nội dung liên quan đến: Giao kết nhiều hợp đồng lao động, nội dung Hợp đồng lao động, tiền lương thử việc, người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trách nhiệm khi chấm dứt Hợp đồng lao động, nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động….

CD-BLLD_280519_2.jpg
Hội nghị biểu quyết

Các ý kiến đóng góp, biểu quyết tại Hội nghị cùng với các ý kiến đóng góp từ các đơn vị đối với dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được Công đoàn EVNNPT tiếp thu, ghi nhận, báo cáo Công đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định./.

Công đoàn EVNNPT