Tản mạn về 5 chữ T “giá trị cốt lõi” của Văn hóa EVNNPT

Thứ hai, 4/11/2019 | 09:21 GMT+7
Có lẽ khá lâu rồi, tính cũng chừng 5 năm - kể từ Hội thảo quốc gia về “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI” (do Bộ Công Thương và một số hiệp hội doanh nghiệp tổ chức) tôi mới có may mắn được mời tham dự tọa đàm về “văn hóa doanh nghiệp”. Buổi tọa đàm không phải do cơ quan quản lý hay hiệp hội nào đứng ra tổ chức, mà của một doanh nghiệp khá đặc thù, riêng có. Gọi là “độc quyền” cũng được, bởi họ đang “độc quyền” rất tự nhiên: độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện. Và 5 chữ T “giá trị cốt lõi” ấy với cách thể hiện của từng thành viên cho thấy họ đang thực sự gắn kết trong ngôi nhà chung EVNNPT bằng tất thảy sự “tuân thủ”, “tôn trọng”, “trách nhiệm”, “tận tâm” và “tin tưởng” mà họ đã chắt lọc, lựa chọn ra.

Ấn tượng đầu tiên, phải nói là khá ngỡ ngàng với tôi khi nghe ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 với chất giọng miền Nam đầy ấm áp trình bày về ý nghĩa của giá trị “Tuân thủ”. Có ít nhất 5 lý do để ông Thủy khẳng định rằng “Tuân thủ” xứng đáng được chọn là một trong 5 giá trị cốt lõi, quan trọng trong “Văn hóa EVNNPT”.

Thứ nhất là bởi lĩnh vực hoạt động điện lực người lao động phải làm việc trực tiếp với môi trường với điện cao áp/siêu cao áp nên luôn đòi hỏi nghiêm ngặt việc chấp hành các quy trình, quy định về an toàn. Yêu cầu này gắn với mọi cá nhân và mỗi hoạt động. “Bất kỳ một sai sót nào về thiếu tính tuân thủ về an toàn đều dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng cho bản thân mình và cho đồng đội. Cũng vì đặc điểm này mà nó hình thành trong ý thức của mỗi cán bộ công nhân viên ngay từ khi tham gia vào ngành truyền tải”.

Lý do thứ hai được ông Võ Đình Thủy dẫn ra là bởi điện năng có vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội, xuất phát từ sứ mệnh của EVNNPT là đảm bảo vận hành an toàn, liên tục truyền tải điện, mà trong đó lưới điện có vai trò quan trọng - được ví như là  “xương sống của hệ thống điện” nên đòi hỏi phải thực hiện tốt tính tuân thủ, bởi “chỉ một sai sót nhỏ trong công tác quản lý vận hành có thể gây ra những sự cố lớn mất điện diện rộng”.

Thứ ba là bởi, lĩnh vực truyền tải điện là một ngành kỹ thuật cao, quy trình công nghệ nghiêm ngặt, đồng bộ và thống nhất, có liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau trong ngành điện. Để hệ thống điện được vận hành liên tục, hiệu quả, đòi hỏi yêu cầu cao trong việc tuân thủ, chấp hành các quy trình, quy định, đảm bảo tính thống nhất trong vận hành của hệ thống…

Thứ tư là từ khi thành lập đến nay EVNNPT hoạt động với chức năng của một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chịu trách nhiệm đầu tư và quản lý khối tài sản với giá trị rất lớn. Việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị chủ quản hằng năm nhằm mục đích chính là kiểm tra tính tuân thủ, giúp cho giá trị tuân thủ ngày càng được khẳng định và phát triển.

Và, một đặc điểm nữa của ngành truyền tải điện - cũng là yếu tố thứ 5 được Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 đưa ra, đó là lưới điện được phân bố trải rộng, người lao động thường xuyên chia thành nhiều tốp nhỏ, nhóm nhỏ, có tính độc lập cao, tính chủ động, linh hoạt. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác của người lao động trong việc thực hiện tốt các quy trình, quy phạm, các yêu cầu công tác thi công để đảm bảo được chất lượng công việc, tránh sai sót. Tính tuân thủ trong văn hóa doanh nghiệp do vậy mà được hình thành, tất yếu, ngay từ khi bắt đầu, nỗ lực duy trì và củng cố phát triển…

Quan trọng là thế, nhưng khi trò chuyện trong giờ giải lao bên hành lang hội thảo hôm đó, ông Võ Đình Thủy lại cho rằng cả 5 “giá trị cốt lõi” mà EVNNPT lựa chọn đều có giá trị như nhau, tạo nên một vòng tròn khép kín, không hơn, không kém và đều phải được “tuân thủ”, “tôn trọng”, “trách nhiệm”, “tận tâm” và “tin tưởng”. “Trong bài phát biểu của mình, mình có nhấn mạnh hơi nhiều về tính “tuân thủ” như là cái đầu tiên, quan trọng nhất, nhưng đó có lẽ là theo thói quen từ xưa, phản ứng an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, trước mọi thứ khác. Nhưng ở quá trình phát triển thì EVNNPT đã xác định đây là 5 giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị cốt lõi trong Văn hóa EVNNPT, nó đều quan trọng và có vị trí, vai trò và mối quan hệ biện chứng không thể thiếu được cái nào” - ông Võ Đình Thủy khẳng khái.

Lãnh đạo EVNNPT vinh danh các cá nhân đã có những thành tích đóng góp quá trình xây dựng, giữ gìn và phát triển Văn hóa EVNNPT

Ấn tượng, nhưng không lạ lẫm với tôi, đó là việc người đứng đầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Đặng Phan Tường “đứng lớp” giảng dạy về Văn hóa EVNNPT cho tập thể cán bộ, nhân viên của mình - qua lời kể của bạn Lý Minh Hằng - chuyên viên Ban Tổ chức và Nhân sự Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, cán bộ truyền thông về Văn hóa doanh nghiệp của EVNNPT: “Nhất là việc nghiên cứu, tìm tòi để đi đến đúc kết thành 5 giá trị cốt lõi ấy là của tập thể EVNNPT, nhưng trong đó phải kể đến tâm sức của người đứng đầu doanh nghiệp là Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường”.

Bạn Lý Minh Hằng kể, nhất là 2 năm qua (2018 - 2019) “khi tiến hành sửa lại tài liệu Văn hóa EVNNPT thì Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường là người trực tiếp đứng ra để chỉ đạo, góp ý cho tài liệu đó. Và sau khi tài liệu đó ra đời rồi thì trực tiếp Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường đứng lớp giảng dạy cho hai đối tượng: Đối tượng thứ nhất là lãnh đạo của Tổng công ty để có định hướng triển khai các công việc trong giai đoạn tiếp theo và đối tượng thứ 2 dành cho giảng viên nội bộ tuyên truyền viên văn hóa - tức là những người sẽ đi tuyên truyền đến tận các cán bộ công nhân viên và lao động trực tiếp..."

Có lẽ ngạc nhiên và cũng là điều tôi trăn trở nhất lại chính là vấn đề doanh nghiệp đã tính đến, đặt ra. Đó là làm sao để “những giá trị cốt lõi” ấy được hiện thực hóa trong mỗi người lao động EVNNPT, để cho văn hóa của EVNNPT ngày càng phát triển. Nghĩa là, phải làm sao để cho văn hóa doanh nghiệp thực sự “sống”, tức là cán bộ công nhân viên EVNNPT thực sự “sống” với những giá trị cốt lõi của văn hóa EVNNPT - khi mà giá trị cốt lõi văn hóa được xác định là linh hồn của doanh nghiệp này?! Hóa ra câu hỏi ấy, trăn trở ấy chính là ngọn nguồn của những lớp học mà Lý Minh Hằng kể, và buổi hội thảo, tọa đàm về “Những giá trị cốt lõi của Văn hóa EVNNPT” mà tôi được tham dự, lắng nghe.

Đại diện các đơn vị thành viên của EVNNPT tựu về ngôi nhà chung ấy để chia sẻ sự am hiểu đối với từng giá trị cốt lõi mà họ đã thống nhất, lựa chọn ra. Nếu như Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) chọn 5 lý do (đã kể trên) để đề cao giá trị “Tuân thủ”, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) chọn “Tin tưởng” để thuyết trình thì Ban Quản lý các công trình điện miền Trung (CPMB) minh chứng hết sức thuyết phục giá trị “Tận tâm” bằng thực tiễn những công trình truyền tải điện siêu cao áp 500 kV phải đi qua nhiều địa phương, địa hình phức tạp, hiểm trở nhưng luôn nỗ lực để về đích đúng hẹn. Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) cũng có rất nhiều lý do minh chứng cho giá trị “Tôn trọng”, còn Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) hấp dẫn cả hội trường bởi “Trách nhiệm” mà họ đặt ra đối với công việc, gia đình và cộng đồng, xã hội… Rất tự nhiên qua cách thể hiện, 5 giá trị cốt lõi ấy tồn tại, song hành, gắn kết không thể tách rời như chính mỗi thành viên EVNNPT trong hoạt động đầu tư, xây dựng và quản lý, vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ông Phan Hồng Phương, Phó Chánh Văn phòng Công ty Truyền tải điện 2 trình bày tham luận

Với sứ mệnh “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”; Với tầm nhìn “Vươn lên hàng đầu châu Á trong lĩnh vực truyền tải điện”; Với 5 giá trị cốt lõi: “Tuân thủ, Tôn trọng, Trách nhiệm, Tận tâm và Tin tưởng”; Với 5 chuẩn mực đạo đức: “Nhân văn - Nhân ái, Đoàn kết - Thống nhất, Tuân thủ - Tôn trọng, Trách nhiệm - Tận tâm, Lạc quan - Tin tưởng” và bằng khẩu hiệu “Truyền niềm tin” mà EVNNPT đúc kết, trở thành “cẩm nang” Văn hóa EVNNPT, có thể thấy được phần nào tâm huyết của tập thể, lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp với công tác này, không phải chỉ trong hiện tại, mà còn nghĩ cả cho tương lai, làm sao để giữ gìn và phát triển văn hóa trong doanh nghiệp EVNNPT… Điều lạ, đây lại là tâm huyết từ một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hết sức đặc thù mà rất nhiều người vẫn dùng từ “độc quyền” để nói về họ./.

Nguyên Long