Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hoà do Ban AMT quản lý được gắn biển công trình
Tiền thân là Ban quản lý công trình điện thuộc công ty Điện lực 3, sau đó là Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, từ năm 1995 đến 2008, Ban quản lý đã thi công 2.992,72 km đường dây AMT từ 110 tới 500kV; tổng dung lượng máy biến áp AMT hoàn thành là 1.654 MVA, góp phần quan trọng truyền tải điện giữa 2 miền Nam Bắc.
Đến năm 2008, khi Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thành lập, Ban AMT thực sự có cơ hội phát triển với nhiệm vụ tiếp tục quản lý các dự án đường dây và trạm khu vực miền Trung Tây Nguyên, đồng thời, mở rộng ra một số các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Điểm nhấn đầu tiên sau khi thành lập mới là Ban AMT được giao trực tiếp quản lý Dự án đường dây 500kV Yaly – Pleiku. Với sự tham gia đấu nối kịp thời với tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Yaly (12/2000) để tiếp nhận 360MW hòa lưới điện quốc gia đã chứng tỏ sự trưởng thành của AMT. Ngay sau đó, đường dây 500kV Pleiku – Phú Lâm hoàn thành, đưa vào vận hành tháng 4/2004 mang ý nghĩa đặc biệt vì đã góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc - Trung - Nam; tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV của nước nhà. Đường dây 500kV PleiKu-Dốc Sỏi-Đà Nẵng đóng điện vượt tiến độ giao 4 tháng; Đường dây 500kV Đà Nẵng-Hà Tĩnh đóng điện, vượt tiến độ giao hơn 1 tháng…
Được biết, giai đoạn 2005 -2007, đường dây 500kV Pleiku - Đà Nẵng đã đạt công suất tải lớn nhất khoảng 1.700 - 1.800 MW, trong đó cung cấp cho các tỉnh Duyên hải miền Trung 700- 800 MW, còn lại tải ra miền Bắc trên dưới 1000 MW; hàng năm được nhận điện từ Pleiku khoảng 7,5 tỷ kWh, trong đó, cung cấp cho khu vực Đà Nẵng, Dung Quất khoảng 4 tỷ kWh, còn lại tải ra Bắc 3,5 tỷ kWh. Với công suất này, đường dây 500kV Pleiku - Đà Nẵng đã phải chịu công suất vượt quá khả năng chịu tải. Nếu hệ thống mất ổn định rất dễ xảy ra rã lưới, gây tổn thất lớn về kinh tế. Vì vậy, đường dây 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng – Hà Tĩnh hoàn tất không chỉ là giải pháp an toàn cho toàn hệ thống điện mà còn giải quyết tình trạng thiếu điện vào năm 2005 cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Năm 2007, do thiếu nguồn phát, cả nước thiếu hụt công suất gần 1.000 MW. Ban AMT được giao quản lý xây dựng 3 công trình đường dây 220 KV để mua điện từ Trung Quốc theo các tuyến: Thanh Thủy - Hà Giang -Tuyên Quang; Tuyên Quang - Bắc Kạn - Thái Nguyên; Tuyên Quang - Thái Nguyên và đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn - Thái Nguyên. Với sự nỗ lực hết mình, Ban AMT và các đơn vị thi công đưa công trình hoàn thành đùng tiến độ, giải quyết phần lớn sự căng thẳng về điện cho khu vực quanh Thủ đô Hà Nội trong năm 2007 và những năm sau đó.
Đặc biệt, công trình Trạm 500kV Hiệp Hòa và các rẽ nhánh – một công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á đưa vào vận hành đúng hẹn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc.
Mới đây nhất, công trình đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long do Ban quản lý dự án các công trình thủy điện miền Trung hoàn tất vào ngày 30/12/2012 là một trong 9 dự án trọng điểm Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện. Các dự án này không chỉ nhằm truyền tải tối đa công suất các nhà máy điện khu vực Tây Nguyên vào hệ thống điện Quốc gia; đáp ứng nhu cầu cấp bách cung cấp điện cho khu vực miền Nam ngay từ cuối năm 2012 và những năm tiếp theo; mà còn đảm bảo vận hành hệ thống điện trong mọi trường hợp bình thường và khi sự cố; hình thành mối liên kết lưới điện truyền tải 220kV giữa hệ thống điện Tây Nguyên và Miền Nam từ nay đến sau năm 2020.
Hiện nay, AMT đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông nhằm đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam sau năm 2013. Tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Đồng thời, tăng cường liên kết lưới điện truyền tải điện ở cấp 500kV, góp phần vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng miền trong cả nước. Phần thiết bị vật tư đang hết sức cố gắng để đảm bảo cung cấp đến chân công trình chậm nhất trong tháng 8 này, nhằm đảm bảo việc cắt điện thi công bắt đầu từ giữa tháng 9, hoàn thành các đoạn tuyến xây dựng cải tạo trên hành lang đường dây 500kV trong tháng 11 và toàn bộ các đoạn tuyến cải tạo trong tháng 12.
Khó khăn nhất là công việc đề bù giải phóng mặt bằng. Đến nay vẫn còn 39 vị trí trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh chưa bàn giao được do vướng mắc của hộ dân liên quan đến đơn giá đền bù đất và tài sản. Tất cả đang phải nỗ lực để hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 7 và giải tỏa hành lang tuyến và xử lý các vướng mắc trong tháng 9 năm nay.
Ghi nhận những đóng góp của Ban AMT, nhân dịp kỷ niệm Ban AMT tròn 25 tuổi, toàn thể lãnh đạo, CBCNV trong Ban AMT đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Độc Lập hạng 3.