Huy động mọi thành phần vào cuộc
Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (BCĐ BVATLĐCA) từ cấp Công ty đến các Truyền tải điện, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra hành lang và ngăn ngừa sự cố lưới điện do thả diều. Lập trình tự triển khai công việc kiểm tra ngăn ngừa, xử lý sự cố hành lang bảo vệ an toàn ĐDK và cáp ngầm. Hướng dẫn an toàn điện, phát tờ rơi cho người dân sống trong, ngoài hành lang hiểu biết an toàn điện để tự phòng tránh. Triển khai công tác khai quang, chặt tỉa cây trong quản lý vận hành và nghiệm thu hành lang bảo vệ an toàn ĐDK dự án đầu tư xây dựng. Thực hiện các giải pháp phòng cháy khu vực hành lang bảo vệ an toàn lưới điện từng khu vực cụ thể. Định kỳ vào tháng 11 hàng năm trước mùa khô, các đơn vị phối hợp với địa phương tuyên truyền ngăn chặn việc đốt nương rẫy, cỏ rác, rơm rạ...vận động chủ cây chặt tỉa cây cao ngoài hành lang, kiểm tra và phối hợp di dời các bãi thả diều có nguy cơ gây sự cố đường dây, lắp biển cảnh báo hướng dẫn chống cháy hành lang bảo vệ an toàn đường dây. Rà soát thống kê vị trí cây cao có nguy cơ gây sự cố đường dây, khuyến cáo hoặc đề nghị chuyển mục đích canh tác sang trồng cây ngắn ngày; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, thông báo số điện thoại của đội quản lý đường dây, lắp đặt biển báo đường sông (biển báo đường dây điện vượt sông, biển báo chiều cao tĩnh không, biến cấm neo đậu), nơi không có biển báo đường sông thì lắp biển cảnh báo hướng dẫn xà lan, xáng cạp di chuyển bên dưới đường dây, hoạt động gần đường dây;
Phối hợp với địa phương lập biên bản hiện trường, biên bản cam kết tại các vị trí xuất hiện các phương tiện cơ giới vượt quá tải trọng cho phép khi di chuyển trên hành lang cáp lực, đình chỉ hoặc di dời toàn bộ việc san gạt mặt bằng để thi công xây dựng nhà xưởng, dự án, công trình… bên trong và gần hành lang cáp lực; đề nghị thay đổi hướng di chuyển hoặc xây dựng cầu vượt; cấm đào hố, chất hàng hoá, đóng cọc, trồng cây, xây dựng nhà ở và các công trình khác, lắp biển báo cấm tàu thuyền thả neo gần hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; khi thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm, trước ít nhất 10 ngày bên thi công phải gửi PATC&BPAT cho đơn vị quản lý lưới điện để thỏa thuận các điều kiện an toàn về điện và giám sát liên tục tại hiện trường trong suốt quá trình công tác;
Phối hợp với cơ quan cấp phép xây dựng tại địa phương trước khi cấp phép xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang ATLĐCA phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây theo quy định.Tăng cường kiểm tra, phân công quản lý và chịu trách nhiệm cho từng khoảng trụ; khảo sát hiện trường hành lang đường dây; kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn ĐĐK trước mùa mưa bão; lập sổ thống kê theo dõi và lên kế hoạch thời hạn xử lý từng công việc cụ thể; Cử người kiểm tra, cảnh báo, hướng dẫn an toàn điện khi có thông tin khai thác cây cao và theo dõi liên tục tại hiện trường tại thời điểm có nguy cơ cao gây sự cố đường dây; lập phương án phòng, chống sự cố do vi phạm hành lang cho từng đoạn đường dây trọng điểm và gửi đến chính quyền địa phương, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở trên địa bàn để lưu ý phối hợp thực hiện; Quy định thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tuần, tháng), chế độ báo cáo khẩn cấp từ công nhân quản lý cung đoạn đường dây, cấp đội đường dây, cấp Truyền tải điện về Công ty khi phát hiện nguy cơ gây sự cố để lãnh đạo các cấp chỉ đạo kịp thời, đưa ra giải pháp ngăn ngừa sự cố.
Còn nhiều khó khăn
Nhiều khi chủ phương tiện cơ giới, tàu kéo, xà lang, xáng cạp khi hoạt động trong HLATLĐCA không chủ động thông báo để được hỗ trợ và hướng dẫn các biện pháp an toàn điện. Hậu quả là đã vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố đường dây (ĐDK 220kV Long An - Cai Lậy - Ô Môn), kéo đứt cáp thép cảnh báo bảo vệ (ĐDK 220kV và 500kV khu vực Tắc Sông Chà).
Công tác đền bù để giải phóng HLATLĐCA cũng rất phức tạp vì người dân không đồng thuận với giải pháp đền bù của địa phương. Một số hộ dân, nông trường tư nhân tái chiếm đất để trồng lại cây có giá trị kinh tế cao, cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trên khu vực đất trống trước đây đã được đền bù.
Nếu chặt tỉa cây trùng vào thời điểm thu hoạch và giá cả lên cao thì rất khó khăn. Việc thống kê số lượng các cây còn nhỏ trước và sau khi công bố dự án để làm cơ sở pháp lý xác định trong việc đền bù chặt tỉa cây trong vận hành cũng rất phức tạp.
Với các đường cáp điện ngầm (220kV Nhà Bè - Tao Đàn) giao chéo bên dưới các đường giao thông đô thị, các phương tiện cơ giới vượt quá tải trọng cho phép khi di chuyển trên hành lang thường có nguy cơ xâm phạm hành lang an toàn. Ngoài ra, việc người dân tự ý chất hàng hoá, bãi để xe, thả neo tàu thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm, thi công nạo vét lòng sông, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm… vẫn còn xảy ra, gây khó khăn cho đơn vị quản lý lưới điện phải tổ chức lực lượng kiểm tra hàng ngày.
Bên cạnh đó, một số vị trí đường dây vượt sông chưa đảm bảo khoảng cách từ dây dẫn đến chiều cao tĩnh không theo quy định; Một số vị trí đường dây vượt đường bộ còn thiếu biển báo… Công ty đã chỉ đạo các đơn vị lập văn bản thỏa thuận yêu cầu chủ dự án thực hiện lắp biển báo an toàn điện đồng bộ với dự án.

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 lắp đặt máy biến áp nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm
Ảnh:Ngọc Hà
Sự thay đổi của Nghị định và Thông tư liên quan đến công tác bảo vệ HLATLĐCA, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khiếu nại của dân, chính quyền địa phương chưa nhiệt tình hỗ trợ đơn vị quản lý vận hành ngăn ngừa đối tượng vi phạm. Hơn nữa, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP không hướng dẫn đền bù trong vận hành chặt cành, ngọn cây… cũng làm khó khăn thêm cho công tác bảo vệ ATLĐCA.
Nhiều giải pháp gỡ khó
Nhằm khắc phục khó khăn trên, cùng với việc xã hội hóa bảo vệ đường dây, PTC4 đã coi trọng và áp dụng nhiều công nghệ mới như: trang bị Corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm ngăn chặn sự cố do phóng điện; sử dụng sứ composit thay cho sứ cách điện thủy tinh lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực bị nhiễm bẩn, mọc rêu; tiếp thu công nghệ cột dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) để sẵn sàng xử lý sự cố; công nghệ giám sát dầu trực tuyến và phóng điện cục bộ máy biến áp (MBA) nhằm sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố; xử lý sợi tiếp địa; tăng số điểm nối đất trực tiếp dây chống sét một số vị trí cột đỡ; tăng bát sứ trong chuỗi cách điện ở khu vực đồi núi cao; lắp đặt chống sét van đường dây… Bên cạnh đó, công tác bảo dưỡng gia cố kè móng, dây dẫn, cáp quang, tăng cường hệ thống tiếp địa, công tác bảo vệ an toàn HLLÐCA đã được các đơn vị thường xuyên thực hiện tốt.
Đặc biệt, Công ty rất chú trọng đào tạo nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, lao động kỹ thuật cao nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện truyền tải trong điều kiện mới. Hệ thống hóa toàn bộ quy chế quản lý nội bộ theo tiêu chuẩn của ngành gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính. Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ kỹ thuật an toàn có chất lượng cao, công nghệ mới giúp cho công nhân giảm nhẹ sức lao động và bảo đảm hiệu quả phòng chống tai nạn lao động; đăng ký sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và dụng cụ thi công an toàn.