Ngày 12/11/2014, tại
khu vực cửa khẩu Bờ Y biên giới giữa Việt Nam và Lào đã diễn ra cuộc họp giữa đoàn
EVN (Việt Nam) và Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào).
Cuộc họp do ông Khammany Inthilath - Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ (Lào) chủ
trì. Phía Việt Nam, Đoàn EVN do ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc EVN làm
trưởng đoàn. Tham dự cùng đoàn còn có đại diện các Ban EVN: Quan hệ quốc tế, Đấu
thầu, Quản lý xây dựng; ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và đại diện các Ban EVNNPT: Hợp tác quốc tế, Quản lý đầu tư, Văn phòng,
Ban QLDA các công trình điện Miền Trung; Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4), đại diện Công ty CP điện Việt-Lào
thuộc Tổng công ty Sông Đà; Cùng tham dự cuộc họp, phía đối tác còn có một số lãnh
đạo khác như: ông Daovong Phonkeo - Cục trưởng Cục Chính sách và Quy hoạch; ông
Vongmany Sonketsoulin - Phó Giám đốc Tổng công ty Điện lực Lào (EDL) cùng một số
cán bộ chuyên trách thuộc các bộ phận liên quan thuộc EDL.
Cuộc họp do ông Khammany Inthilath - Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào (ngồi thứ 2 từ trái sang) chủ trì
Mục tiêu cuộc họp nhằm thảo luận về khả
năng thực hiện dự án đường dây 220kV đấu nối từ nhà máy thủy điện (NMTĐ) Xekaman
1 đến trạm Pleiku 2 nhằm truyền tải điện từ Lào về Việt Nam. Tiền thân của kế
hoạch thực hiện dự án này xuất phát từ kế hoạch dự án đường dây 500kV Hatxan-
Pleiku, dự kiến vay vốn ADB. Tuy nhiên, vì một số lý do khác nhau liên quan đến
NMTĐ Xekaman 1, ADB không đồng ý tài trợ vốn để làm phần dự án trên đất Lào, do
vậy dự án đang bị trì hoãn. Đến nay, để đáp ứng tiến độ của dự án NMTĐ Xekaman
1 đi vào vận hành vào đầu năm 2016, Chính phủ hai nước đã thỏa thuận và thống
nhất xây dựng đường dây 220kV truyền tải điện từ Xakaman 1 về trạm Pleiku 2
thay vì đường dây 500kV Hatxan - Pleiku. Chính phủ Lào đã có thư chính thức gửi
Chính phủ Việt Nam tán thành việc xây dựng đường dây này.

Đoàn
EVN do Phó Tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành làm trưởng đoàn
Tại cuộc họp, hai bên đã chia sẻ thông
tin quan trọng làm cơ sở đầu tư xây dựng dự án 220kV nêu trên. Phía đối tác cho
biết Chính phủ Lào đã họp và thống nhất với EDL về tuyến đường dây. Đoạn đường
dây từ nhà máy Xekaman 1 đến biên giới Việt- Lao là 75km, trong đó 35km sẽ sử dụng
tuyến đường dây cũ 500kV Hatxan-Pleiku trước đây đã thảo luận và khảo sát. Phần
đường dây này sẽ do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư. Về tiến độ dự án Xekaman
1, nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 3/2011. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn,
dự án đã bị trì hoãn 1 năm và đến nay do đã tìm được nguồn vốn vay từ các ngân
hàng trong nước, dự án đã hoạt động trở lại và hoàn thành được 60% khối lượng công
việc. Dự kiến, tổ máy 1 sẽ phát điện vào tháng 3/2016.
Phía Việt Nam cũng cho biết, hiện tại,
Bộ Công Thương đang điều chỉnh Quy hoạch điện 7, xem xét định hướng mua điện của
Lào. Phần đường dây từ biên giới đến trạm Pleiku 2 được giao cho EVNNPT làm chủ đầu tư. Để đầu tư xây dựng
đường dây 220kV trên lãnh thổ hai nước Việt Nam và Lào đồng bộ với tiến độ NMTĐ
Xekaman 1, sự phối hợp giữa EVN/EVNNPT
và Tổng công ty Sông Đà là rất quan trọng và cần thiết. Phó Tổng giám đốc EVNNPT Trần Quốc Lẫm cho biết tiếp sau cuộc
họp với Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, EVNNPT
sẽ có buổi làm việc chi tiết với Tổng công ty Sông Đà về phối hợp giữa hai bên
nhằm triển khai dự án đường dây đúng tiến độ phát điện của nhà máy.

Ông Khammany Inthilath - Thứ trưởng Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào tặng quà lưu niệm cho
đoàn EVN
Kết thúc cuộc họp, Ngài Thứ trưởng Bộ Năng
lượng và Mỏ nhấn mạnh Chính phủ Lào hoàn toàn ủng hộ và đánh giá cao hỗ trợ của
EVN/EVNNPT trong xây dựng đường dây
220kV nêu trên. Ông mong rằng trong thời gian tới hai bên sẽ phối hợp thường
xuyên hơn nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án theo kịp tiến độ phát điện của
NMTĐ Xekaman 1. Đại diện cho EVN và EVNNPT,
Phó Tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cam kết, với sự hỗ trợ của Chính phủ Lào,
Bộ Năng lượng và Mỏ, EDL, phía Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên
quan nhằm đẩy nhanh đầu tư xây dựng dự án theo kịp tiến độ nhà máy Xekaman 1,
nhằm truyền tải điện từ Lào về Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh
tế- xã hội của cả hai nước./.