
Công nhân lắp đặt định vị trên đường dây 500
kV Sơn La - Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc
gia (EVNNPT) vừa có buổi làm việc với
Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga (FGC UES), đại diện Trung tâm Xuất khẩu
Liên bang Nga tại Việt Nam, Phòng Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam và Công
ty Izolyator.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Phan Tường,
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho
biết, EVNNPT đã và đang tìm hiểu,
học tập kinh nghiệm, xây dựng quan hệ hợp tác với các tổ chức truyền tải điện
tiên tiến trên thế giới; trong đó có Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga.
EVNNPT mong muốn FGC UES - tổ chức đang quản lý và vận hành toàn
bộ hệ thống truyền tải điện có quy mô hàng đầu thế giới của Cộng hòa Liên bang
Nga chia sẻ các kinh nghiệm về quản lý để phát triển doanh nghiệp, vận hành hệ
thống truyền tải điện, cũng như các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với bề
dày kinh nghiệm của Tổng công ty Lưới điện Liên bang Nga và quyết tâm phát triển
của EVNNPT, hai bên có thể hợp tác
lâu dài và hiệu quả để cùng đạt được các mục tiêu mà mỗi bên quan tâm”, ông Đặng
Phan Tường khẳng định.
EVNNPT hiện đang quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện bao
gồm 23.701 km đường dây từ 220 đến 500 kV, 133 trạm biến áp với tổng dung lượng
74.625 MVA. Hiện tại, hệ thống truyền tải điện Việt Nam đã kết nối với lưới điện
của các nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia ở cấp điện áp 220 kV.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên
EVNNPT, hệ thống truyền tải điện Việt
Nam hiện nay tương đối hiện đại với các thiết bị sử dụng công nghệ tiên tiến của
các nhà sản xuất có uy tín trên thế giới đang được vận hành an toàn, tin cậy
trên hệ thống.
Tuy nhiên, EVNNPT đang phải tập trung giải quyết vẫn nhiều tồn tại, hạn chế
như: hệ thống truyền tải điện Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chí N-1; tỷ lệ mang tải
của các đường dây và trạm biến áp rất cao, có nơi lên tới 80-90%, thậm chí lớn
hơn 100%.
Hệ thống phải truyền tải xa, từ miền
Bắc vào miền Nam với khoảng cách hơn 1.500 km. Mặt khác, tỷ lệ tăng trưởng phụ
tải cao (hàng năm lớn hơn 10%) do đó sức ép về đầu tư xây dựng rất lớn; dòng ngắn
mạch tăng cao tại các khu vực có phụ tải lớn, tập trung...
Hiện nay, EVNNPT đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Tổng công
ty đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu: “Đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức
truyền tải điện hàng đầu ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền
tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến
trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”.
Cùng với việc đào tạo nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực, với trọng tâm là đào tạo cán bộ kỹ thuật và xây dựng đội
ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi, đẳng cấp quốc tế, Tổng công ty cũng tăng cường ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin vào các lĩnh
vực hoạt động.
Tổng công ty còn tập trung phát triển
lưới điện thông minh; Xây dựng trạm biến áp không người trực; Ứng dụng công nghệ
tiên tiến trên thế giới trong công tác sửa chữa đường dây và trạm biến áp đang
mang điện (live working); Nâng cao chất lượng công tác thí nghiệm, sửa chữa, bảo
dưỡng thiết bị; Xây dựng tiêu chuẩn thiết bị truyền tải điện .../.