Trở lại với đường dây 220kV Phan Thiết-Phú
Mỹ 2, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, EVNNPT, Ban Quản lý dự án các
công trình điện Miền Trung đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND
các huyện/thành phố của 2 tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với đó là sự
hỗ trợ của các Sở/ban ngành 2 tỉnh; đặc biệt là Hội đồng bồi thường, Trung tâm
phát triển quỹ đất và UBND các xã/phường có đường dây đi qua.

Công nhân trên công trường Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Nhận xét của ông Nguyễn Đức Tuyển,
Giám đốc Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung cho thấy: “Đại đa số các
hộ dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước về triển khai dự án và chấp hành
chính sách bồi thường của tỉnh. Tuy nhiên vẫn còn những hộ dân đề nghị bồi thường
với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá cụ thể mà UBND huyện đã phê duyệt. Điều
này ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án”.
Tại vị trí móng 190 thuộc ấp Bình Thắng,
xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Đây là vị trí móng cuối cùng của tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu còn vướng nằm trong diện tích đất của hộ ông Trần Văn Thạnh. Ông Lê Đức Ngọc,
Phó Phòng đền bù Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung cho biết, quá
trình vận động gia đình để giải tỏa vị trí này đã hơn một năm nay. Riêng tỉnh
Bà Rịa Vũng Tàu đã họp rất nhiều lần và huyện Xuyên Mộc cũng đã có văn bản
chỉ đạo cho các xã có đường dây đi qua và chính quyền địa phương tham gia
vận động trên 7 lần. Sau 3 lần rời cưỡng chế, sáng ngày 1/7 UBND huyện phải tổ
chức cưỡng chế hộ dân này.
Theo phương án đền bù, gia đình được
hỗ trợ 120 triệu nhưng không thống nhất, đòi thêm với số tiền lớn ngoài quy định.
Khi công bố quyết định cưỡng chế thu hồi 154m2 đất vườn giữa khu vườn nhà ông
bà Trần Văn Thạnh thì gia đình mới bàn giao số diện tích đất thu hồi nhưng lại
không cho thi công qua vườn. Vậy phương án được các đơn vị chức năng đề ra là
trong thời gian thi công móng từ 8-10 ngày và 7 ngày dựng cột phải bảo vệ thi
công.
Tại huyện Xuyên Mộc còn 3 khoảng néo
chưa thi công, dài 5km và 1 vị trí móng này với 14 hộ dân nằm trong diện giải
phóng mặt bằng. Dân ở đây đang trồng bạch đàn kỳ khai thác năm thứ 3- thứ 4 và
nhãn. Họ đòi đền bù hết đất trong hành lang và hỗ trợ cây. Và đơn vị thi công
thì sẵn sàng hỗ trợ thêm để được thi công sớm.
Về vị trí 188, 189 thuộc địa bàn xã
Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thuộc phạm vi sử dụng đất của ông
Nguyễn Ngọc Oánh. Ông Lê Đức Ngọc, Phó Phòng đền bù Ban Quản lý dự án các công
trình điện Miền Trung cho biết, UBND huyện Hàm Tân đã hoàn chỉnh thủ tục để tổ
chức cưỡng chế từ ngày 25/5/2016 nhưng ngày 22/5/2016 ông Oánh mất nên phải tạm
dừng.

Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN
Hiện nay, UBND huyện làm việc với
UBND phường 13, quận Phú Nhuận (nơi cư trú của hộ dân) để nhờ vận động gia đình
đồng ý bàn giao mặt bằng. Trường hợp gia đình không đồng ý thì phải làm thủ tục
xác định người thừa kế diện tích đất này để điều chỉnh Quyết định cưỡng chế. Việc
này mất rất nhiều thời gian và phải có sự hợp tác của gia đình. Nếu các việc
trên không đạt được thì phải báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương cho phép như trường
hợp đặc thù.
Triển khai Nghị định 47/2014/NĐ-CP
ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi
đất, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành luật điện
lực về an toàn điện …, ngày 25/8/2015, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành
Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ,
tái định cư khi Nhà nước ban hành thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Ngày 23/12/2015,
UBND huyện Xuyên Mộc đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu
hồi đất để đầu tư xây dựng công trình này đoạn qua huyện Xuyên Mộc.
Tiếp đó, ngày 29/12/2015, UBND huyện
Xuyên Mộc cũng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do ảnh hưởng bởi hành
lang bảo vệ an toàn đường dây trên không thuộc công trình này, đoạn qua địa bàn
huyện.
Còn đối với tỉnh Bình Thuận, sau khi
ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 2/3/2015 quy định về bồi thường, hỗ
trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, quy trình thu hồi, giao đất, cho
thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quy trình chủ đầu tư thỏa thuận với
người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thì UBND huyện
Hàm Tân đã ban hành Quyết định 603/QĐ-UBND ngày 13/8/2015 về việc thu hồi 371,6
m2 đất sản xuất nông nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Oánh để xây dựng công trình đường
dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2 (phần móng) đoạn đi qua xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân.
Ngay sau đó, UBND huyện Hàm Tân cũng
có Quyết định số 1520/QĐ-UBND ngày 19/8/2015 về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư cho hộ ông Nguyễn Ngọc Oánh để xây dựng đường dây với tổng số tiền là
268.224.050 đồng; trong đó bồi thường, hỗ trợ về đất là 46.112.050 đồng và bồi
thường về tài sản là 222.112.000 đồng. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối
hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung và UBND xã Thắng Hải
có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền trên cho hộ ông Oánh đúng theo quy định.
Như vậy, về trình tự thủ tục, văn bản
pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện công tác giải phóng măt bằng đường dây này
đã đầy đủ. Trên thực tế, quá trình triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tại
dự án chậm là do thời gian điều tra và hoàn tất chứng thư giá đất để trình rất
dài, có những huyện phải chỉnh sửa nhiều lần mới đáp ứng được yêu cầu của Hội đồng
thẩm định, đặc biệt là các khu vực đất giáp ranh giữa huyện và thành phố.
Với chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp
hàng năm, sau khi có công văn số 6524/BCT-TCNL ngày 30/06/2015 của Bộ Công
Thương và Công điện số 1414/CĐ- TTg ngày 18/08/2015 của Chính phủ, UBND tỉnh Bà
Rịa- Vũng Tàu đã họp các Sở ngành liên quan và có Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày
15/09/2015 xin Tỉnh ủy chủ trương hỗ trợ đất nông nghiệp hàng năm trong hành
lang tuyến (do Nghị định không có quy định). Đến ngày 6/10/2015, Thường vụ tỉnh
ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thông báo số 2075-TB/TU đồng ý về chủ trương đối với
các nội dung trên. Ngày 9/10/2015, UBND tỉnh mới có văn bản số 7621/UBND-VP chấp
thuận chủ trương hỗ trợ.
Đối với công tác xét nguồn gốc đất
và khu vực, vị trí, theo Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung, công
việc này tốn rất nhiều thời gian do phải thu thập giấy tờ nguồn gốc đất của từng
hộ dân; Kiểm tra đối chiếu với hồ sơ địa chính gốc; Họp xét từng hộ tại UBND xã
hay giữa hồ sơ địa chính và hồ sơ bồi thường khác nhau phải chỉnh sửa....
Về công tác quản lý đất đai tại địa
phương, khu vực đất do Ban quản lý rừng và Nông trường được giao quản lý trước
đây, nhưng các hộ dân đã khai hoang, sử dụng, canh tác từ rất lâu (trên 20 năm)
nên vướng khi bồi thường hỗ trợ, phải trình báo và xin ý kiến rất nhiều đơn vị
như: UBND tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Chi cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng...