Giảm sự cố do sét đánh - cần những giải pháp hiệu quả cho lưới truyền tải điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 20/7/2017 | 16:55 GMT+7
​Công ty Truyền tải điện 4 là đơn vị được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới truyền tải điện khu vực phía Nam, trải dài khắp 19 tỉnh, thành từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đến Cà Mau. Trong đó, miền Tây là khu vực đồng bằng và nhiều sông ngòi, kênh rạch, là nơi tập trung nhiều ruộng lúa, vuông tôm, vuông cá,… và cũng là vùng thường xuyên bị ngập vào mùa nước nổi nên hàng năm có tần suất sét nhiều và dễ bị sét đánh vào đường dây ảnh hưởng rất lớn cho công tác quản lý vận hành.

PTC4chongset_200717_0.png 

Nhằm mục đích ngăn ngừa và giảm tối đa sự cố đường dây do sét, Công ty đã triển khai những giải pháp cụ thể như vệ sinh bảo dưỡng cách điện; sửa chữa hệ thống tiếp địa các đường dây; thực hiện kiểm tra bản vẽ hoàn công tiếp địa các đường dây; kiểm tra hệ thống thoát sét từ đỉnh trụ xuống chân cột; bổ sung cách điện chuỗi cách điện đường dây; thay thế chuỗi cách điện truyền thống bằng cách điện composite; lắp chống sét van đường dây; giảm góc bảo vệ chống sét đường dây 220 kV, 500 kV; đảm bảo hệ thống tự động đóng lại đường dây làm việc tin cậy.

Sau khi thực hiện các giải pháp trên, số lần sự cố đường dây do sét đánh đã giảm, tuy nhiên vẫn còn xảy ra sự cố đường dây do sét đánh trực tiếp vào dây dẫn lắp đặt tại vị trí trụ có chiều cao lớn (trụ đỡ vượt sông, trụ nằm trên đỉnh đồi). Tại các trụ vượt sông lớn hoặc các vị trí vượt quan trọng, nếu xảy ra sự cố do sét tại các vị trí này thì công tác sửa chữa bảo dưỡng, thay thế hoặc xử lý sự cố gặp nhiều khó khăn do các trụ vượt rất cao, tải trọng dây dẫn lớn. Vì vậy, giảm sự cố do sét nói chung cho đường dây và các đoạn vượt sông nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng, nên cần phải xử lý triệt để.

Trong quá trình vận hành áp dụng các giải pháp giảm góc bảo vệ chống sét đường dây, lắp chống sét van đường dây, nhóm khảo sát, nghiên cứu nhận thấy chi phí cao và tính khả thi không cao do kết cấu trụ hiện hữu, phạm vi bảo vệ của chống sét van bị hạn chế. Vì vậy, nhằm đảm bảo vận hành đường dây trên không cấp điện áp 220 kV, 500 kV trong những thời điểm giông sét, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt mức yêu cầu của EVNNPT giao, trong đó chỉ tiêu giảm 50% suất sự cố đường dây do sét là chỉ tiêu quan trọng. Nhóm khảo sát, nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp phối hợp cách điện trên chuỗi cách điện, đồng thời đề xuất Ban Lãnh đạo Công ty cho phép triển khai thực hiện như sau:

Thực hiện kiểm tra khoảng cách thực tế của khe hở sừng phóng điện chuỗi cách điện (Z0hh), chiều dài phần cách điện của chuỗi cách điện (Z) tính toán tỷ lệ (Z0hh)/(Z).

- Trường hợp tỷ lệ (Z0hh)/(Z) < 0,85: Thực hiện gia công cắt ngắn sừng phóng điện (vẫn giữ lại 02 đầu của sừng phóng điện) để tăng khe hở sừng phóng điện của chuỗi cách điện đạt đúng tỷ lệ (Z0yc)/(Z) = 0,85 (Z0yc - Khoảng cách đã hiệu chỉnh của khe hở sừng phóng điện).

- Trường hợp tỷ lệ (Z0hh)/(Z) > 0,85: Yêu cầu giữ đúng thiết kế ban đầu của đường dây.

Sau đây là ví dụ hướng dẫn thực hiện tại đường dây 220 kV Phú Mỹ - Cát Lái. Tại cột 14 hướng về cột 15, sử dụng chuỗi cách điện hiệu NGK loại 2x15-210/170kN do Nhật Bản sản xuất. Chuỗi cách điện loại 2x15-210/170kN (NGK) có:

+ Chiều dài phần cách điện của chuỗi cách điện (Z): 2.550mm .

+ Khoảng cách thực tế của khe hở sừng phóng điện chuỗi cách điện: 1.800mm (Z0hh).

-> Tỷ lệ (Z0hh)/(Z) = 1.800/2.550 = 0,7 < 0,85.

Vì vậy, theo yêu cầu Công ty (Z0yc)/(Z) = 0,85, nên Z0yc = 0,85*(Z). Khe hở sừng phóng điện của chuỗi cách điện yêu cầu là: Z0yc = 0,85*(Z) = 0,85x2.550 = 2.167,5mm. Nên phải cắt ngắn sừng phóng điện hiện hữu = Z0yc - Z0hh = 2.167,5 - 1.800 = 367,5mm.

PTC4chongset_200717_1.png

Giải pháp này đã mang lại hiệu quả khi áp dụng thực hiện hiệu chỉnh khoảng cách sừng phóng điện chuỗi cách điện dây dẫn tại các vị trí trụ vượt sông lớn, và được Công ty đánh giá là sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Việc thực hiện phối hợp cách điện trên chuỗi cách điện để tăng hiệu quả chống sét trên đường dây truyền tải đã góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa và giảm sự cố do sét đánh cho các đường dây 220 kV, 500 kV./.

Phúc Nguyên - Ngọc Dung