
Ngày 15/3, tổ máy 1 Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ chính thức hòa lưới điện
quốc gia, góp phần chống thiếu điện khu vực miền Nam. Ảnh: Ngọc Hà
Trong mùa khô 2013, đã có 2 đợt ngừng cung cấp khí là Nam Côn Sơn và
Tây Nam bộ để bảo dưỡng. Theo kế hoạch, năm 2014, EVN sẽ sản xuất và mua
143,619 tỷ kWh điện, tăng 9,57% so với năm 2013, với sản lượng này sẵn
sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự kiến tăng
trưởng. Tuy nhiên, do một số công trình nguồn điện phía Nam vào chậm
tiến độ nên có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở Miền Nam. Để đáp
ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế-xã hội và không ảnh hưởng
tăng trưởng kinh tế miền nam, EVN đang nỗ lực tập trung các giải pháp
đảm bảo điện.
Theo EVN, hiện tại hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt các
nhà máy phát điện là 30.469 MW, công suất khả dụng toàn hệ thống là
23.000MW, trong khi công suất tiêu thụ cả nước chỉ 19.000MW, năm 2014 sẽ
tiếp tục bổ sung 3.482 MW thì công suất đặt ở miền Nam chỉ có 8.000 MW.
Hệ thống điện quốc gia liên tục truyền tải điện từ Bắc vào Nam và luôn
trong tình trạng quá tải. Nhu cầu điện ở miền Nam gần như phải trông
cậy vào hệ thống truyền tải này. Từ nay đến năm 2018, miền Bắc có tỷ lệ
dự phòng từ 40-56%, miền Trung dự phòng từ 67-130%. Trong khi miền
Nam, dự phòng điện từ năm 2016 không có dự phòng công suất.
Phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ - Tây Nguyên - Nam Bộ (Trung tâm Dự báo
khí tượng thủy văn Trung ương) cho biết, tổng lượng mưa tháng 1 và
2-2014 ở khu vực trung Trung Bộ, thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ
20-60%, các khu vực khác trên toàn quốc phổ biến thấp hơn từ 80% đến
trên 90%, gây nguy cơ đe dọa trực tiếp đến các nhà máy thủy điện, nhất
là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên cả nước rất ít, một số nơi
ở cả Bắc Bộ, phía nam thuộc nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cả tháng
không có mưa, trong đó đáng chú ý nhất là tại Tây Nguyên nhiều nơi
không mưa. Dự báo tháng 3 và 4-2014 cao điểm của mùa khô, lượng mưa sẽ
tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) vừa xây dựng 6 phương án
tính toán cân bằng cung cầu điện cho năm 2014 trình Bộ Công Thương.
Theo đó, EVN sẽ khai thác tối đa nguồn thủy điện trong năm nay với các
phương án điện thương phẩm tăng 10%, tần suất nước về 65%; điện thương
phẩm tăng 10%, tần suất nước về 75%; điện thương phẩm tăng 11,5%, tần
suất nước về 65%; điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 75%;
điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 75% (trong điều kiện đường
dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông có thể vận hành từ tháng
5-2014) và điện thương phẩm tăng 10%, lưu lượng nước về năm 2014 dự báo
bằng 50% theo lưu lượng thiết kế + 50% theo 5 năm vận hành gần nhất.
Theo đánh giá, cả 6 phương án này, cân bằng cung cầu điện năm 2014 đều
được đảm bảo, hệ thống sẽ không phải tiết giảm phụ tải. Tuy nhiên, sẽ
phải huy động tối đa các tổ máy tuabin khí ở miền Nam trong mùa khô đối
với tất cả các phương án để đáp ứng nhu cầu phụ tải của miền Nam. Đặc
biệt, sản lượng nhiệt điện dầu (giá cao) huy động ở mức thấp, kể cả với
phương án xấu nhất thì chỉ huy động khoảng 624 triệu kWh nhiệt điện dầu
cả năm. Tuy nhiên, trong trường hợp đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước -
Cầu Bông có thể vào vận hành sớm từ đầu tháng 5, sẽ không phải huy động
các nguồn nhiệt điện dầu.
Đối với các phương án truyền tải, đường dây 500kV luôn truyền tải ở mức
cao trong cả năm. Số giờ vận hành ở mức công suất trên 70% của các
đường dây trên giao diện Trung – Nam trong các tháng mùa khô phổ biến ở
mức 50-75% tổng thời gian trong ngày.
Để đảm bảo cung cấp điện cho miền nam, EVN đã xây dựng và tổ chức thực
hiện kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần trong cho toàn hệ thống dựa trên
kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2014 được duyệt và
diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống
điện và thị trường điện, đồng thời, yêu cầu các Tổng công ty Điện lực
xây dựng kế hoạch cung cấp điện tháng, tuần để thực hiện. Thường xuyên
theo dõi, cập nhật các yếu tố liên quan đến sản xuất điện và lưới điện
truyền tải, lưới điện phân phối để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ
thống điện quốc gia; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý các nhà
máy nhiệt điện dầu FO để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện
yêu cầu vận hành; đặc biệt, đơn với các vị phát điện quản lý các nhà
máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau đảm bảo khả năng
sẵn sàng chuyển đổi sang phát điện bằng dầu DO đáp ứng nhu cầu điện của
hệ thống điện quốc gia khi thiếu khí cho phát điện.
Nâng cao công suất khả dụng các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư, quản
lý vận hành kể cả các nguồn điện chạy dầu (FO, DO), các nguồn điện dự
phòng của khách hàng sử dụng điện đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ
máy để nâng cao độ tin cậy cung ứng điện năm 2014.
Từ đầu năm, EVN đã yêu cầu các Tổng công ty Phát điện tập trung hoàn
thiện và củng cố các thiết bị để vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện
than miền Bắc; tập trung đưa các tổ nhiệt điện than mới vào vận hành ổn
định, như: Quảng Ninh 2 (600 MW), Hải Phòng 2 (600 MW), Nghi Sơn 1 (600
MW) và Vĩnh Tân 2 (1.200 MW). Bên cạnh đó, Tổng công ty Truyền tải điện
quốc gia (NPT) cũng đang tập trung nguồn lực để đưa vào vận hành các
công trình điện trọng điểm tăng cường cung cấp điện cho lưới điện miền
Nam và các công trình nâng cấp lưới điện truyền tải miền Nam đúng tiến
độ, đặc biệt là đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.
Tổng công
ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) đang tập trung mọi nguồn lực thi công
và đưa vào vận hành đúng tiến độ đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu
Bông. Ảnh: NPT
Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp với NPT và các Tổng
công ty Điện lực rà soát phương án vận hành lưới điện truyền tải
500-220kV đặc biệt là hệ thống điện miền Nam; rà soát lại hệ thống rơ le
sa thải phụ tải theo tần số thấp (F81), kiểm tra lại chỉnh định sa thải
tổ máy phát điện, kiểm tra các hệ thống thống sa thải đặc biệt trên
toàn hệ thống điện, đặc biệt là trong hệ thống điện miền Nam, nhằm ứng
phó với tình huống sự cố mất cả hai mạch đường dây 500kV Bắc - Nam khi
đang truyền tải cao, đảm bảo các hệ thống điện miền không bị tan rã và
rút ngắn được thời gian khôi phục sau sự cố.
Đặc biệt, Tổng công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực thành
phố Hồ Chí Minh đang tiến hành rà soát, nghiên cứu, đề xuất các phương
án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt
thép, xi măng v.v…) để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối
cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam.
Để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu hệ thống
điện miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực
thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, lập kế hoạch cung ứng điện theo quy
định của Bộ Công Thương trong trường hợp hệ thống điện quốc gia thiếu
nguồn điện./