Đại diện cho Chính phủ, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam
Eric Sidgwick đại diện cho ADB đã ký hiệp định vay này.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Eric
Sidgwick cho rằng, nguồn cung điện không đủ là một trở ngại đối với tăng trưởng
kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các nhóm khách hàng, nhất là các hộ
gia đình nghèo ở nông thôn và vùng khó khăn. Chương trình đầu tư của ADB sẽ
giúp Chính phủ giải quyết kịp thời những nút thắt này bằng cách tăng công suất
của lưới truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng do tăng
trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Dự án 3 này sẽ bổ sung 60km đường
dây 500kV, 64km đường dây 220kV và 3.700 MVA công suất truyền tải tại miền Nam,
bổ sung thêm vào công suất truyền tải đã được tăng cường ở miền Bắc và miền
Trung Việt Nam thông qua các dự án 1 và 2 trước đây. Công suất truyền tải gia
tăng sẽ cho phép truyền tải điện năng từ cụm nhà máy điện ở khu vực Tây Nam Việt
Nam vào lưới điện quốc gia, tăng độ tin cậy và tính ổn định của nguồn cung điện
cho các trung tâm kinh tế lớn ở miền Nam.
Dự án cuối cùng - khoản vay 4 -
đang được chuẩn bị và dự kiến sẽ được phê duyệt trong năm 2017 cũng sẽ tập
trung vào đường dây truyền tải 500kV và các trạm biến áp ở khu vực phía Nam.
Tính cả Chương trình đầu tư này,
ADB đã hỗ trợ Việt Nam phát triển các hệ thống truyền tải điện trên khắp cả nước
với tổng cộng khoảng 1.200km đường dây 500kV và 670km đường dây 220kV, cùng các
trạm biến áp 220/500kV với tổng công suất khoảng 10.000 MVA. ADB cũng hỗ trợ
xây dựng năng lực quản lý dự án cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Chương trình đầu tư này còn mang
đến các công nghệ tiên tiến và mới nhất để nâng cấp lưới truyền tải điện theo
tiêu chuẩn quốc tế, từ đó làm giảm thất thoát trong quá trình truyền tải góp phần
giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Khi hoàn thành vào năm 2020,
Chương trình Đầu tư lưới điện truyền tải của ADB được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam
xóa bỏ những nút thắt chính của các hệ thống truyền tải điện ở miền Bắc, miền
Trung và miền Nam, thúc đẩy hiệu năng sử dụng các nhà máy điện hiện thời và
đang được quy hoạch, và gia tăng nguồn điện sẵn có trên khắp đất nước để tạo đà
cho tăng trưởng kinh tế nhanh.
Vốn vay ADB là 231,31 triệu
USD từ nguồn vốn vay thông thường (OCR), thời hạn vay 30 năm, trong đó có 7 năm
ân hạn với cơ chế lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất liên ngân hàng Luân-đôn
LIBOR 6 tháng, biên độ lãi suất là 0,6%/năm, giảm trừ là 0,1%/năm, mức phụ phí
kỳ hạn là 0,2%/năm và phí cam kết 0,15%/năm tính trên số vốn chưa giải ngân.
Ngoài ra còn có vốn vay đồng
tài trợ từ Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) là 65 triệu Euro (Bộ Tài chính là Cơ
quan được ủy quyền ký Hiệp định Vay giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và KfW); Vốn đối ứng khoảng: 145 triệu USD được huy động từ các
nguồn sau: Vốn tự có của EVNNPT khoảng 115 triệu USD và vốn vay ngân hàng
thương mại trong nước khoảng 30 triệu USD. Các hoạt động Dự án được triển khai
tại các khu vực của miền Bắc, miền Trung và miền Nam và được thực hiện trong 5
năm (2015-2019).
ADB, có trụ sở chính tại
Ma-ni-la, hoạt động với sứ mệnh giảm nghèo ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương
thông qua tăng trưởng kinh tế đồng đều, tăng trưởng bền vững với môi trường và
hội nhập khu vực. Được thành lập năm 1966, ADB sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ đối
tác phát triển trong khu vực vào tháng 12 năm 2016. ADB thuộc sở hữu của 67
thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Năm 2015, tổng vốn hỗ
trợ của ADB đạt 27,2 tỷ USD, bao gồm 10,7 tỷ USD đồng tài trợ.