Làm việc với KfW về tiến độ và kế hoạch thực hiện dự án hiện tại và tương lai

Thứ sáu, 15/5/2015 | 18:00 GMT+7
Tiếp tục chuyến công tác Châu Âu, ngày 13/5/2015, Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã dẫn đầu Đoàn công tác EVNNPT làm việc với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tại trụ sở chính ở Frankfurt, Đức. Đây là chuyến thăm KfW lần đầu tiên của Chủ tich HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường và Đoàn công tác EVNNPT, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo EVNNPT đến việc thực hiện dự án do KfW tài trợ cũng như mong muốn phát triển quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Tiếp đón Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường và Đoàn công tác của EVNNPT, phía KfW có bà Christine Heimburger - Giám đốc KfW khu vực Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương, ông Patric Shirzadi - Trưởng ban Năng lượng Châu Á, ông Jochen Meyer-Lohmann - Quản lý dự án, bà Charlotte Berkenfeld - Chuyên gia năng lượng. Bà Christine Heimburger vui mừng được tiếp đón và làm việc với Đoàn tại trụ sở KfW.

Chu tich NPT lam viec voi KfW_15-5-2015_1.jpg
Đoàn EVNNPT trao đổi, thảo luận với lãnh đạo KfW

Bà Christine cho biết, Việt Nam là khách hàng quan trọng của KfW, trong đó việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam là lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, KfW đánh giá cao việc thực hiện dự án Đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng Trạm biến áp 500kV Sơn La - dự án đầu tiên được thực hiện nhanh nhất tại KfW từ trước đến nay.

Bà cũng chia sẻ về lịch sử hình thành của KfW, theo đó, KfW được thành lập năm 1948 nhằm mục tiêu tái thiết nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ 2. KfW có trụ sở chính tại Frankfurt và các trụ sở khác tại Berlin, Praha và 80 văn phòng thường trực tại các nước khác nhau. Năm 2014, KfW được đánh giá hạng AAA và xếp hạng ngân hàng lớn nhất nước Đức. Nhiệm vụ chính của KfW là tái thiết, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cũng như tài trợ nước ngoài. Những năm gần đây, KfW tài trợ nhiều cho các ngành công nghiệp, năng lượng, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thuộc các nước đang phát triển. Việt Nam là nước được KfW cam kết tài trợ vốn lớn thứ 3 tại khu vực Châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Tiếp lời bà Giám đốc KfW, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường nêu rõ mục đích làm việc của Đoàn là trao đổi, thảo luận về tiến độ các dự án KfW tài trợ đang triển khai và đề xuất dự án mới. Ông cũng cảm ơn bà Christines Heimburger và các đồng nghiệp KfW vì sự hỗ trợ trong thời gian qua, đặc biệt trong tài trợ khoản vay 87 triệu EUR cho dự án ĐZ 500kV Sơn La - Lai Châu và Mở rộng Trạm biến áp 500kV Sơn La. Đây cũng là dự án đầu tiên KfW tài trợ cho EVNNPT kể từ khi thành lập, đánh dấu kết quả hợp tác giữa hai bên khởi đầu tốt đẹp.

Dự án ĐZ 500kV Sơn La - Lai Châu và Mở rộng Trạm biến áp 500kV Sơn La là dự án lớn, có tầm quan trọng quốc gia. Thực tế tiến độ thu xếp vốn và triên khai dự án được thực hiện nhanh chóng là một việc đáng ghi nhận nhờ nỗ lực của cả KfW và EVNNPT. Các hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị đã được ký kết nhưng chưa thể giải ngân vốn KfW, dự án đang phải giải ngân bằng nguồn vốn vay trong nước sau đó thực hiện hồi tố sau khi mọi thủ tục giải ngân vốn KfW được hoàn tất. EVNNPT đang cố gắng sớm hoàn tất các thủ tục trong nước nhằm giải ngân tối ưu nguồn vốn vay trước 31/12/2016.

Đại diện Đoàn công tác EVNNPT cũng cập nhật thông tin về tiến độ triển khai Phân kỳ 3 của Khoản vay MFF, trong đó KfW tham gia đồng tài trợ với ADB. Hiện tại, EVNNPT đang gấp rút hoàn thiện các tài liệu phục vụ cho công tác thẩm định dự án theo yêu cầu của KfW. Sắp tới, tư vấn của KfW sẽ làm việc với EVNNPT và các đơn vị liên quan để tiến hành thẩm định các tiểu dự án để kịp tiến độ ký kết khoản vay vào cuối năm 2015.  Trong khoản cam kết tài trợ 160 triệu EUR của KfW, EVNNPT đã thu xếp sử dụng khoảng 65 triệu EUR. Vì vậy để sử dụng được hơn 90 triệu EUR còn lại, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường đề xuất KfW xem xét tài trợ các dự án đấu nối nguồn vì các dự án còn lại của EVNNPT hầu hết là dự án đấu nối nguồn và các dự án khác thì thường có vốn đầu tư thấp.

Với thực tế của EVNNPT, nhu cầu đầu tư hàng năm dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ USD từ nay đến 2020, EVNNPT phải tìm tài trợ từ nhiều nguồn tài chính khác nhau: vốn vay ODA ưu đãi, vốn vay song phương, vay tín dụng thương mại trong nước, v.v, trong đó vốn vay ODA, vay ưu đãi vẫn là chủ yếu. Do vậy, nguồn vốn KfW là rất quý giá, góp phần giúp EVNNPT hoàn thành nhiệm vụ to lớn trong đầu tư lưới điện truyền tải mà Chính phủ giao phó.

Lãnh đạo KfW nhất trí với quan điểm trên và khẳng định sẽ duy trì phối hợp chặt chẽ với EVNNPT để dự án được thực hiện hiệu quả nhất, đồng thời cam kết triển khai thẩm định dự án mới ngay sau khi EVNNPT cấp danh mục. KfW cũng bày tỏ sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực trên cơ sở đề xuất của EVNNPT.

Tạm biệt đối tác, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường hài lòng với kết quả thu được và thể hiện hy vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển cao hơn, bền chặt hơn trong tương lai.

Chu tich NPT lam viec voi KfW_15-5-2015_2.png
Đoàn EVNNPT chụp ảnh lưu niệm cùng các lãnh đạo KfW

Lương Lan Dung - Trưởng ban HTQT