Trong
khuôn khổ cuộc họp, phiên thảo luận giữa PPIAF với các đối tác phát triển tại
Việt Nam được tổ chức vào sáng ngày 26/6/2019 với sự tham dự của đại diện WB,
các Đại sứ quán, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông và Vận
tải, các doanh nghiệp, các ngân hàng… dưới sự chủ trì của ông Ludovic
Delplanque – Trưởng Chương trình khu vực của PPIAF.
Phiên
thảo luận được tổ chức với mục đích giới thiệu các hỗ trợ của PPIAF tại Việt
Nam, trình bày hiệu quả của các tư vấn kỹ thuật mà PPIAF cung cấp. Phiên thảo
luận tập trung vào các hoạt động hỗ trợ của PPIAF tại Việt Nam và chia sẻ các
quan điểm cũng như viễn cảnh của Việt Nam và khu vực.

Phiên thảo luận giữa PPIAF
với các đối tác phát triển tại Việt Nam
PPIAF
là Quỹ hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu đa tài trợ duy nhất gồm 11 nhà tài trợ đa
phương và song phương được thành lập để hỗ trợ xây dựng thể chế ở các nước đang
phát triển đề ra các giai đoạn cho phép khu vực tư nhân tham gia vào phát triển
cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp. PPIAF hỗ trợ Chính phủ
các nước đang phát triển tăng cường các chính sách, qui định, thể chế để xây
dựng một cơ sở hạ tầng bền vững với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Tại
Việt Nam, PPIAF bắt đầu hoạt động từ năm 2002 và đã tài trợ các hỗ trợ kỹ thuật
không hoàn lại trong nhiều lĩnh vực trị giá trên 10 triệu USD. Từ năm 2012,
PPIAF đã hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng kế hoạch tài chính
hướng tới mục tiêu đạt được và duy trì một nền tài chính ổn định dài hạn. Một
trong những giải pháp căn bản PPIAF đã hỗ trợ EVN để đạt được mục tiêu đề ra đó
là cải cách ngành điện dưới nhiều hình thức: (i) cổ phần hóa các công ty nguồn và thành lập Tổng công ty Truyền tải
điện Quốc gia (EVNNPT); (ii) chuẩn bị cho EVN và các đơn vị trực thuộc tiến
hành xếp hạng tín nhiệm.
Trong
năm 2018, PPIAF đã tài trợ 01 hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) không hoàn lại cho EVNNPT dưới
hình thức chỉ định Ngân hàng
Mizuho làm tư vấn thực hiện mô phỏng đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho EVNNPT và
chuẩn bị sẵn sàng các hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc xếp hạng tín nhiệm.
Tại
phiên thảo luận, Phó Tổng Giám đốc Vũ Trần Nguyễn cho biết EVNNPT đóng vai trò quan
trọng trong ngành điện và an ninh năng lượng quốc gia, là “xương sống” của hệ
thống điện quốc gia. Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, EVN, các nhà tài trợ,
trong đó có WB với vai trò là người dẫn đầu, EVNNPT đã phát triển nhanh chóng: Qui
mô hệ thống truyền tải điện tăng 3 lần sau 10 năm (2008 – 2018), là hệ thống
truyền tải điện có quy mô lớn trong khu vực (xếp thứ 3 ASEAN và thứ 8 châu Á về
qui mô đường dây và xếp thứ 4 ASEAN và thứ 11 châu Á về qui mô trạm biến áp);
năng suất lao động (NSLĐ) cao gấp hơn 2 lần NSLĐ bình quân chung của EVN và cao
gấp hơn 20 lần NSLĐ bình quân chung của cả nước. Đến nay, hệ thống truyền tải
điện quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn
điện và đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước.
EVNNPT đã có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với
mục tiêu phát triển bền vững, vươn lên tầm khu vực và quốc tế, EVNNPT đã đặt ra
các mốc mục tiêu chiến lược: Đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức
truyền tải điện hàng đầu ASEAN; đến năm 2025 phấn đấu trở thành một trong các
tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình
độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.
Để
đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho nền kinh tế quốc
dân với tốc độ tăng trưởng điện trên 10%/năm, EVNNPT đã và đang phải đầu tư để
xây dựng các đường dây và trạm biến áp mới. Theo kế hoạch, nhu cầu đầu tư thuần
của EVNNPT giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 225.730 tỷ đồng, trung bình 932 triệu
USD mỗi năm. Viêc thu xếp đủ vốn cho công tác đầu tư đặt ra rất nhiều thách
thức. Trong bối cảnh Chính phủ ngày càng siết chặt và cắt giảm các khoản vay
ODA, EVNNPT phải đồng thời triển khai nhiều phương án và tìm các nguồn cũng như
hình thức vay vốn mới.
Một
trong những hướng đi mới nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư là phát hành trái phiếu
trên thị trường trong nước và quốc tế. Để phát hành trái phiếu, yêu cầu đầu
tiên, giữ vai trò then chốt là Xếp hạng tín nhiệm (XHTN). XHTN sẽ giúp EVNNPT
có thể tham gia vào nhiều thị trường vốn khác nhau, có thể huy động vốn dễ
dàng, thuận lợi hơn vì các thị trường phát hành đều đòi hỏi nhà phát hành phải
được XHTN bởi các cơ quan XHTN khi tham gia thị trường để huy động vốn. Đối với
nguồn vốn vay ngân hàng, khi thẩm định hồ sơ cho vay, họ sẽ dựa vào điểm XHTN
để ra quyết định cấp tín dụng.
EVNNPT
đã lựa chọn Fitch Ratings - một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng
nhất trên thế giới - làm đơn vị tư vấn tiến hành đánh giáXHTN. Ngày 10/4/2019,
Fitch Ratings đã công bố XHTN độc lập của EVNNPT đạt mức BB+, cao hơn của công
ty mẹ - Tập đoàn điện lực Việt Nam và xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Mức xếp
hạng BB+ khẳng định năng lực tài chính vững mạnh của EVNNPT.
Kết
quả xếp hạng tích cực của EVNNPT đã củng cố mức độ tín nhiệm và tăng cường tính
minh bạch của EVNNPT, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Bước phát triển mới
này cho phép EVNNPT đa dạng hóa các nguồn tài chính và phát hành trái phiếu
quốc tế; cùng với đó là ảnh hưởng tích cực đến hạn mức cho vay, lãi suất, hình
thức bảo đảm của khoản vay. Qua đó EVNNPT sẽ có lợi thế trong công tác huy động
vốn cả dưới hình thức phát hành trái phiếu và vay ngân hàng.
Chia
sẻ những kinh nghiệm thực hiện thành công đánh giá XHTN, Phó Tổng Giám đốc Vũ
Trần Nguyễn nhấn mạnh một trong những điều kiện quan trọng để Tổ chức đánh giá
xếp hạng xem xét đưa ra đánh giá cuối cùng là cần có sự cam kết và tham gia của
lãnh đạo cấp cao nhất gồm trả lời phỏng vấn và trình bày về chiến lược (đầu tư,
vận hành lưới truyền tải điện, phát triển nguồn nhân lực…), cam kết (củng cố và
tăng cường công tác quản lý và quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh,
tăng năng suất lao động, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính…).
Bên
cạnh đó, phải thành lập Tổ dự án với sự tham gia của các Ban chức năng liên
quan, trong đó cử ra một đầu mối liên lạc với Tư vấn để việc cung cấp thông tin
được thống nhất và hiệu quả. Việc chuẩn bị đầy đủ và rõ ràng các thông tin đầu
vào mà Tư vấn yêu cầu như: Chiến lược, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, tình hình
tài chính ở thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai, quy trình vận hành
kinh doanh, mức độ tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực tài chính kế toán, việc tuân
thủ các quy định về môi trường, quản lý an toàn lao động…, đặc biệt là mô hình
tài chính (kế hoạch tài chính của TCT tối thiểu trong vòng 5 năm tới) cần phải
đặc biệt chú trọng.
Ngoài
ra, cần lưu ý đến các công tác: Phối hợp, sắp xếp lịch làm việc và phỏng vấn
với các cơ quan liên quan: EVN, ERAV, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính; chuẩn bị
bài trình bày đầy đủ các thông tin, tập trung vào những điểm mạnh có thể “ghi
điểm” với Tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên
trao đổi với tư vấn chuẩn bị hồ sơ xếp hạng tín nhiệm (Mizuho) và WB.
Bên
cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện thành công đánh giá XHTN, Phó Tổng
Giám đốc Vũ Trần Nguyễn cũng đề nghị WB tiếp tục cung cấp các HTKT và các khoản
vay cho EVNNPT, trước mắt là hỗ trợ tư vấn xây dựng chiến lược tài chính cho
EVNNPT.
Tại
phiên thảo luận, ông Ludovic Delplanque chúc mừng những thành quả mà EVNNPT đã
đạt được, bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của EVNNPT với sự hỗ trợ
của Chính phủ và EVN đồng thời khẳng định PPIAF sẽ tiếp tục đồng hành cùng
EVNNPT trong thời gian tới./.