Tập trung chuyên môn hóa công tác quản lý vận hành

Thứ ba, 31/5/2011 | 14:00 GMT+7
Trong năm 2010, mặc dù NPT phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức  nhưng với nhiều nỗ lực, cố gắng, NPT đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng đã đặt ra, đóng điện được 9 công trình 500 kV và 30 công trình 220 kV trong đó có 25 công trình trạm biến áp góp phần chống quá tải, nâng cao độ ổn định điện năng cho phát triển kinh tế xã hội. Để đánh giá cụ thể tình hình vận hành lưới điện truyền tải, NPT đã tổ chức hội nghị quản lý kỹ thuật  trạm biến áp. Tham dự hội nghị có trên 120 đại biểu của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, các ban, các đơn vị thành viên thuộc NPT, các công ty tư vấn xây dựng điện và Viện Năng lượng. Hội nghị do Công ty Truyền tải điện 2 đăng cai tổ chức.​

​Thời điểm hiện nay, tình hình thời tiết vẫn diễn biến thất thường nên lưới điện 500 kV nói chung vận hành rất căng thẳng. Ở phía Bắc lưu lượng nước về các hồ ít, trong khi các nhà máy nhiệt điện khu vực Đông Bắc, nhà máy thuỷ điện khu vực Tây Nguyên chưa đưa vào vận hành, trong khi đó phương thức vận hành của EVN là truyền tải với công suất cao và mua điện của Trung Quốc nên lưới điện 500 kV Bắc – Nam luôn vận hành căng thẳng. Đối với lưới điện cung cấp cho phụ tải khu vực Hà Nội, các trạm 220 kV như: Mai Động, Hà Đông, Chèm được nâng công suất (lắp máy 3 – 250MVA) nên đã giảm tải cho các MBA còn lại. Với khu vực Tây nguyên, lưới điện đồng bộ nguồn chưa hoàn thiện, các đường dây Nha Trang – Krôngbuk, Krôngbuk – Pleiku truyền tải công suất cụm nhà máy thuỷ điện khu vực thường xuyên phải truyền tải cao. Ở phía Nam việc truyền tải công suất cụm NMNĐ Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch và công suất cụm NMNĐ Cà Mau, Ô Môn hết sức khó khăn do các công trình đầu tư xây dựng chậm tiến độ, các đường dây liên tục xẩy ra quá tải.
Về chất lượng điện áp, dưới sự vận hành của các Trung tâm Điều độ và sự duy trì sẵn sàng, an toàn, tin cậy thiết bị bù và máy biến áp của các Công ty TTĐ, nhìn chung chất lượng điện áp trên hệ thống điện nằm trong giới hạn cho phép. Tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện chủ yếu là tổn thất kỹ thuật, bị chi phối lớn từ phương thức vận hành của hệ thống điện cũng như lưới điện khu vực. Do thiếu nguồn, phụ tải tiêu thụ lại tăng trưởng nhanh và không đồng đều giữa các địa phương, các vùng miền nên phương thức vận hành hệ thống điện bị thay đổi liên tục, có nhiều thời điểm kết dây nhiều trạm vận hành ở sơ đồ không cơ bản. 
Cơ cấu tổ chức bộ máy và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật tại cấp Tổng Công ty đến các đơn vị cơ sở hiện nay cơ bản đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu được giao. Các Công ty đều xây dựng quy chế quy định, phân cấp quản lý rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cho các vị trí công việc. Gắn chế độ tiền lương với công tác quản lý kỹ thuật tốt, vận hành an toàn, đồng thời thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua vận hành an toàn, các đường dây kiểu mẫu, trạm kiểu mẫu. Tuy nhiên, ở một số đơn vị tổ chức sắp xếp lực lượng vận hành chưa hợp lý, chưa thực hiện chuyên môn hóa cao và phân cấp hợp lý.
Với mục tiêu để tăng cường quyền chủ động và phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác QLKT giữa các Công ty với các đơn vị trực thuộc, các Công ty đã ban hành “Quy chế phân cấp trong Công ty”. Các Công ty cần phải triển khai việc sửa đổi phân cấp QLKT theo hướng phân cấp sâu hơn cho đơn vị cơ sở để tiến độ giải quyết công việc nhanh và linh hoạt hơn. Đi đôi với chủ trương phân cấp mạnh xuống cơ sở trong các năm qua, Tổng công ty và các đơn vị luôn chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy chế, quy định của Tổng công ty và chính sách, phát luật của Nhà nước để các đơn vị rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc để khắc phục, chấn chỉnh kịp thời sự. Hiện nay NPT đang tiếp tục soạn thảo và chuẩn bị ban hành một số quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV; quy trình vận hành, sửa chữa cáp ngầm 220 kV; quy định về PCCC trong các trạm biến áp; quy chế sửa chữa lớn tài sản cố định; quy định khối lượng và tiêu chuẩn máy biến áp. Đối với các quy trình kỹ thuật vận hành mặc dù đã được các đơn vị cố gắng rà soát, bổ sung và ban hành mới nhưng vẫn còn thiếu nhiều, nhất là các thiết bị công nghệ mới. Nội dung, bố cục trong quy trình vận hành thiết bị của một số đơn vị không thống nhất, một số thông tin cần thiết cho người vận hành không được đề cập. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị để tận dụng các quy trình của nhau, giảm thời gian và lao động chưa nhiều, thời gian tới việc này cần được cải thiện.
Đồng thời, công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đều được các đơn vị áp dụng trong thực tế sản xuất, cụ thể là: Sử dụng Sứ cách điện bằng composite cho vùng bị nhiễm mặn, vùng nhiều bụi bẩn; Giải pháp xử lý tiếp địa trạm biến áp và đường dây có điện trở suất cao. Đặc biệt, một số đơn vị đã có hệ thống phần mềm để ứng dụng trong công tác QLKT và QLVH, đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành đã được các đơn vị chú trọng, một số đơn vị đã triển khai các phần mềm quản lý trao đổi thông tin dữ liệu đến mức tổ, đội, trạm biến áp. Các thiết bị cao áp được các đơn vị bảo dưỡng và sửa chữa theo đúng quy trình và các quy định của nhà chế tạo thiết bị, cơ bản đảm bảo cho thiết bị vận hành được an toàn.
Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, toàn thể cán bộ công nhân viên của NPT luôn nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình công tác. Mục tiêu chính của công tác quản lý kỹ thuật vận hành là: Đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, kinh tế, cung cấp điện với chất lượng điện năng, đồng thời giảm thiểu số sự cố, thời gian gián đoạn cung cấp điện. Tổ chức phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa và phân cấp cho các đơn vị khu vực. Từng nhân viên vận hành trạm phải nhận thấy tính đặc thù của công việc vận hành lưới điện và nghiêm khắc tuân thủ kỷ luật lao động, nắm vững các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, hướng dẫn vận hành, rèn tính cẩn thận, tập trung và luôn kiểm soát được mọi hành động của mình. Thống kê số lượng, chủng loại, thông số vận hành, hư hỏng và sửa chữa thiết bị qua đó có đánh giá chất lượng thiết bị, dịch vụ nhà cung cấp để có giải pháp đối với các nhà thầu cung cấp chất lượng thấp. Hạn chế ảnh hưởng của quá điện áp, quá dòng điện, dòng ngắn mạch dao động do thao tác đóng cắt tải, máy biến áp, tụ điện, kháng điện. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ trạm để phát hiện các tồn tại và lên kế hoạch sửa chữa ngay. Thực hiện các công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn theo kế hoạch và các công tác sửa chữa ngoài kế hoạch. Tăng tính nhanh, nhạy, chọn lọc, tin cậy của rơle bảo vệ và độ an toàn, tin cậy của hệ thống điều khiển, SCADA. Có tín hiệu cảnh báo khi thiết bị vận hành quá tải và quá điện áp. Hoàn thiện các mạch khoá liên động, lôgic kết nối thiết bị để tránh sự cố do thao tác nhầm. Đại tu mạch nhị thứ kết hợp với đại tu thiết bị nhất thứ ngăn lộ trạm biến áp theo thời hạn quy định. Rà soát chỉnh định rơle bảo vệ, xa thải tần số, tín hiệu truyền cắt. Bổ sung thiết bị thí nghiệm còn thiếu, thiết bị phục vụ công tác vận hành, sửa chữa trạm biến áp. Sử dụng công nghệ mới đảm bảo tính an toàn, kinh tế, tin cậy và cải thiện môi trường sinh thái từng bước nâng cao độ tin cậy hệ thống điện Quốc gia.

Hà My