Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức Hội nghị khởi động dự án "Hiệu quả lưới điện truyền tải"

Thứ sáu, 14/11/2014 | 17:00 GMT+7
​Để triển khai hiệp định tín dụng Dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP)” vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã được ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đại diện cho Chính phủ Việt Nam và ông Axelvan Trotsenburg - Phó chủ tịch của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ký kết ngày 12/11/2011. Ngày 14/11/2014​ tại TP.Đà Nẵng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”.
1 npt to chu.JPG 
EVNNPT phối hợp với WB tổ chức Hội nghị khởi động​ dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải” 
 

Đến dự hội nghị có bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Peter Johansen - Chủ nhiệm dự án Hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP)”;  ông Trần Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ; ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Đặng Huy Cường - Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương; ông Lương Văn Kết - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Lan Anh - Phó phòng Đa phương, Cục QLN&TCĐN, Bộ Tài chính; ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng; bà Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi; bà Đinh Thị Hồng Minh - Chủ tịch UBMT tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi; ông Ngô Đông Hải - Phó Chủ tịch Tỉnh Bình Định; ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT; Ông Vũ Ngọc Minh - Tổng Giám đốc EVNNPT. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn của các Ban thuộc EVNNPT; Viện năng lượng; lãnh đạo và đại diện của các Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Các Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4; Công ty CPTVXD điện 1, 2, 3, 4.

2 ong dang phan tuong (1).JPG
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT phát biểu tại Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”

Tính đến thời điểm hiện nay, lưới truyền tải điện do EVNNPT quản lý đã phát triển đến 61/63 tỉnh thành với 21 trạm biến áp 500 kV, 76 TBA 220 kV, tổng chiều dài đường dây 17.527 km với tổng giá trị tài sản trên 60 nghìn tỷ đồng. Tổng sản lượng điện truyền tải trong 2 năm 2012-2013 đạt 214,72 tỷ kWh.  Trong đó, năm 2013 tăng 8% so với 2012. Với nỗ lực và quyết tâm của toàn thể lãnh đạo và CBCNV, kể từ khi thành lập đến nay, EVNNPT đã truyền tải hết công suất các nhà máy điện, cấp đủ điện cho các trạm biến áp phụ tải,  góp phần đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, lưới điện truyền tải chưa có dự phòng và  luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải ở nhiều khu vực miền Bắc và các vùng trọng điểm khu vực miền Nam, lưới điện truyền tải Bắc – Nam luôn vận hành trong tình trạng đầy và quá tải. Do vậy, nhu cầu tiếp tục đầu tư, mở rộng lưới truyền tải điện hiện hữu đồng bộ với nguồn, giảm thiểu tình trạng quá tải, xây dựng một hệ thống lưới truyền tải điện ngày càng vững mạnh  vẫn vô cùng cấp bách. Ước tính, trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2020, EVNNPT sẽ cần tới trên 90 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo lưới truyền tải điện.

3, dinh quang tri.JPG
Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu tại Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”

Theo ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT: Khoản vay 500 triệu USD từ nguồn của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) của WB có quy mô và giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực truyền tải điện  nhằm giải quyết một phần quan trọng nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2020 của EVNNPT. Dự án TEP được thiết kế với mục tiêu nâng cao công suất, hiệu suất và mức độ ổn định hệ thống truyền tải điện tại các khu vực trọng điểm kinh tế như Hà Nội mở rộng, thành phố Hồ Chí Minh mở rộng, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung.  Cũng trong khuôn khổ dự án TEP, EVNNPT sẽ xây dựng lưới điện thông minh thông qua việc hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống điều khiển tại 05 trạm 500 kV và 11 trạm 220 kV nhằm theo dõi, kiểm tra và bảo vệ thiết bị giúp tăng cường độ ổn định và giảm sự cố mất điện. Đồng thời dự án cũng sẽ giúp tăng cường năng lực cho EVNNPT thông qua các biện pháp hỗ trợ tăng cường tự chủ về vận hành và tài chính trong khuôn khổ chương trình đổi mới ngành Điện và cao hơn là góp phần đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế xã hội của Việt Nam.

5  Tran Tuan Anh - Thu truong BCT.JPG
Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng  Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Khoản vốn vay ODA này sẽ được đầu tư cho 21 tiểu dự án lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV (trong đó gồm 12 tiểu dự án đường dây với tổng chiều dài gần 1.000 km và 09 tiểu dự án trạm biến áp với tổng dung lượng là 3.950 MVA); 03 tiểu dự án Lưới điện thông minh triển khai ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện năng và 04 hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực tổ chức, tài chính, vận hành cho EVNNPT. Bên cạnh đó, Dự án sẽ góp phần giúp EVNNPT hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng Hệ thống truyền tải Quốc gia, tăng cường an ninh năng lượng, kiểm soát và giảm ô nhiễm môi trường cho các hoạt động về năng lượng, cũng như đẩy mạnh phát triển bền vững về kinh tế xã hội. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đóng góp khoảng 15% vào tăng trưởng lưới truyền tải điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020.

6 Ba Victoria Kwakwa - Giam đoc WB VN.JPG
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”

Tại Hội nghị này ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bày tỏ: Đối với ngành Điện từ năm 1995 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai thực hiện rất nhiều dự án nguồn, lưới điện và điện khí hóa nông thôn với tổng giá trị vốn vay ODA, vay ưu đãi luỹ kế đạt trên 10 tỷ USD, trong đó nguồn vốn WB chiếm khoảng 30% (trên 3 tỉ USD). Bên cạnh các khoản vay đầu tư, WB còn cung cấp các Hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và đặc biệt là sự tham gia của WB trong hỗ trợ Chính phủ và ngành điện thực hiện các chương trình phát triển chính sách cải cách ngành điện. Việc  triển khai dự án này thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đến sự phát triển ngành điện nói chung và lĩnh vực truyền tải điện nói riêng. Để dự án được triển khai hiệu quả và đạt được các mục tiêu đặt ra, EVN sẽ cùng với WB hỗ trợ EVNNPT trong quá trình thực hiện, đặc biệt là qua phân tích rút ra các bài học kinh nghiệm từ thực hiện các dự án có kết quả triển khai tốt nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt và làm các thủ tục cần thiết; đẩy nhanh công tác chuẩn bị; quản lý và triển khai các hạng mục hiện tại tốt hơn.

7. ong Peter Johansen - Chu nhiem du an TEP.JPG
Ông Peter Johansen - Chủ nhiệm dự án Hiệu quả lưới điện truyền tải (TEP)” phát biểu tại Hội nghị khởi động dự án “Hiệu quả lưới điện truyền tải”

Trước đó để đảm bảo dự án có qui mô lớn nhất từ trước tới nay do WB tài trợ sẽ được triển khai và thực hiện đúng tiến độ, tuân thủ các qui định của nhà tài trợ. Ngày 13/11/2014, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức đào tạo hướng dẫn các thủ tục và yêu cầu của Ngân hàng trong 3 lĩnh vực:  Đấu thầu, giám sát và lập báo cáo; Công tác quản lý tài chính;  Các chính sách an toàn môi trường và xã hội của các chuyên gia của WB với sự tham dự của các đại diện các ban chức năng của EVNNPT, các đơn vị trực thuộc của EVNNPT, các đơn vị tư vấn thiết kế có liên quan./.

Quang Thắng