Truyền tải điện Đắk Nông tập trung giải pháp, đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải

Thứ sáu, 6/2/2015 | 18:00 GMT+7
​Xác định lưới truyền tải điện vận hành an toàn, tin cậy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, giữ vai trò quyết định đến toàn bộ quá trình cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền Trung- Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Trong thời gian qua, Truyền tải điện Đắk Nông đã nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý vận hành, kiểm tra, phòng ngừa, sửa chữa hệ thống lưới truyền tải điện nhằm đảm bảo khả năng truyền tải và cung cấp điện đồng thời xem đây là yếu tố căn bản giúp cho lưới truyền tải điện luôn vận hành ổn định.
Hiện nay, Truyền tải điện Đắk Nông quản lý vận hành lưới điện với tổng chiều dài 408,5km đường dây (229,4km đường dây 220kV; 179,1km đường dây 500kV) và 01 trạm biến áp 500kV (gồm 02 máy biến áp, tổng dung lượng 900MVA). Tuyến đường dây đơn vị quản lý phần lớn đi qua địa hình rừng núi, sông suối hiểm trở. Đây là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống du canh du cư, trình độ dân trí thấp, nên tình trạng lấn chiếm hành lang để trồng cây công nghiệp, xây dựng, cơi nới nhà cửa thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số là khai hoang tự phát rồi đốt nương làm rẫy, dẫn đến dễ gây cháy lan vào hành lang tuyến. Mặt khác sự ảnh hưởng của thời tiết khí hậu trong khu vực thường có nhiều biến đổi bất thường, khắc nghiệt. Thường mùa khô nắng gắt kéo dài nên dễ gây cháy rừng trên diện rộng, mùa mưa thường mưa nhiều dễ gây sạt lở móng cột, làm hỏng đường công vụ… Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ trong công tác quản lý vận hành của đơn vị. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như trên nhưng trong nhiều năm qua, Truyền tải điện Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải.

Từ thực tế và kinh nghiệm cho thấy đặc điểm khí hậu của khu vực Tây nguyên được phân chia thành 2 mùa rõ rệt, trong đó mùa mưa thường từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô thường từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đơn vị đã đề ra các biện pháp, giải pháp thích hợp trong việc kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng thích hợp nhằm tăng cao năng suất lao động. Đối với mùa mưa, ngay từ đầu mùa đơn vị đã cho tổng kiểm tra lưới điện để nắm rõ tình trạng vận hành của thiết bị, công trình. Lập phương án, sửa chữa kịp thời các hạng mục, thiết bị hư hỏng, xuống cấp. Triển khai đào nắn dòng chảy mới, khơi thông mương thoát nước tại các vị trí xung yếu, tại các khoảng sạt sườn hay bị sạt lở trong mùa mưa bão; Lắp đặt bổ sung cọc và dây tiếp địa tại các vị trí có trị số điện trở tiếp địa không đạt; thường xuyên kiểm tra, xử lý bôi mỡ combao tại các vị trí cờ tiếp địa gốc, tiếp địa ngọn. Bên cạnh đó đơn vị đã chủ động làm việc với các chủ hộ, nông trường để triển khai cắt tỉa cành, tỉa ngọn các cây cao (cây rừng, thông…) vi phạm hành lang tuyến. Đồng thời phối hợp làm việc với các đơn vị hợp đồng bảo vệ, các ban nghành chuyên trách để xây dựng phương án PCBL hàng năm.

Đối với mùa khô, đây là thời điểm người dân khai hoang đốt rừng làm rẫy. Ngay từ đầu tháng 10 hàng năm đơn vị đã chủ động cho phát dọn triệt để các khoảng trụ có cây trong hành lang tuyến, đặc biệt là các khoảng sạt sườn, các khoảng cột có cây tre, le, cỏ tranh, di chuyển vật liệu dễ cháy ra khỏi hành lang, phân các đường ranh chống cháy lan vào hành lang. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, hướng dẫn người dân cách dọn nương rẫy, cách kiểm soát cháy. Mặt khác, đơn vị đã chủ động làm việc với các chủ hộ có nương rẫy, các già làng trưởng bản, các lâm trường, công an và các đơn vị hợp đồng bảo vệ để tuyên truyền, ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đối với các khoảng cột người dân thường tưới cà phê bằng hệ thống phun mưa, đơn vị đã phối hợp cùng lực lượng bảo vệ tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời nhắc nhở người dân. Phần thiết bị mang điện, đơn vị tăng cường kiểm tra đêm, soi phát nhiệt tại các mối nối, đầu cốt lèo, kiểm tra phát hiện kịp thời các chuỗi sứ bị nhiễm bẩn có hiện tượng phát sáng và có tiếng kêu bất thường về ban đêm khi sương mù nhiều. Như vừa qua, đơn vị kiểm tra đêm phát hiện 50 vị trí trụ của đường dây 500kV Pleiku - Đắk Nông có sứ nhiễm bẩn nặng, gây phóng điện cục bộ trên bề mặt sứ về ban đêm khi sương mù nhiều có nguy cơ gây sự cố, đơn vị đã chủ động đăng ký cắt điện đột xuất 3 tiếng đồng hồ để tập trung nhân lực vệ sinh toàn bộ số lượng sứ nhiễm bẩn, kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây sự cố đường dây.

Song song với nhiệm vụ sản xuất chính, việc thực hiện quản lý kỹ thuật và an toàn vệ sinh lao động cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Đơn vị thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quản lý kỹ thuật, quy trình vận hành thiết bị, tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để phát hiện sớm các tồn tại và xử lý kịp thời, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động.

Trong công tác bảo vệ phối hợp tuyên truyền về công tác bảo vệ an ninh, an toàn lưới điện truyền tải, đơn vị đã tạo và giữ mối quan hệ tốt với các đơn vị hợp đồng bảo vệ đường dây. Thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền các cấp, cơ quan ban ngành, người dân địa phương nơi có tuyến đường dây đi qua.

Để đạt được những thành quả trên một mặt là nhờ có một tập thể đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu ngành, yêu nghề cùng nhau vượt khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, mặt khác nhờ sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, đồng thời đơn vị đã có các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành của đơn vị, cụ thể như: Thực hiện nghiêm túc các chế độ kiểm tra định kỳ ngày, đêm, đột xuất, bất thường, sự cố và kỹ thuật theo đúng quy trình quản lý vận hành, đồng thời phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường xảy ra một cách hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho khu vực, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Nguyễn Trọng Đoàn - TTĐ Đắk Nông