Văn hóa doanh nghiệp từ góc nhìn của người trực tiếp sản xuất

Thứ ba, 16/8/2016 | 17:35 GMT+7

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (Hùynh Văn Nghệ)

Cha ông ta vào những ngày xưa vào Nam từ kinh thành Thăng Long đã đem văn hóa từ vùng đồng bằng Sông Hồng theo vó ngựa, theo con người… mà hội nhập với con người, tập tục của vùng đồng bằng sông Cửu Long, khiến cho văn hóa vốn đa dạng của vùng đất này càng thêm phong phú. Bên cạnh cái lớn, cái chung của người đàn ông mở mang bờ cõi, người con gái Bắc theo chồng vào Nam “chiếu chiều ra đứng cửa sau, ngóng về quê mẹ (miền Bắc) ruột đau chính chiều”… Lại nữa, những doanh nhân đầu tiên từ kinh thành Thăng Long, từ Phố Hiến dong buồm xuôi phương nam mua bán. Chính họ đã góp phần manh nha gầy dựng, làm phong phú thêm văn hóa mua bán, văn hóa giao tiếp… trên mảnh đất này. Và làm chúng ta tự hỏi văn hóa là gì? Văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, và duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình xã hội hóa. Văn hoá là tổ hợp những dấu hiệu thuộc tính đặc điểm biểu hiện ngôn ngữ tiêu chuẩn… giúp ta phân biệt được chủ thể này và chủ thể khác.

Văn hoá âm thầm đi bên cạnh chúng ta. Chỉ cần một cá thể tồn tại, một gia đình được kết hợp, trong một xã hội bất kỳ… chính là văn hoá rồi. Văn hoá đứng ngoài nhưng gắn chặt cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta xây dựng nó thì văn hóa phát triển tốt đẹp. Không thể không có văn hoá. Đó là nói rộng ra là nói về văn hóa chung, còn nói hẹp lại một tí thì là nói về văn hóa doanh nghiệp. Nó là sự tổng hòa của quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, quy phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và quy tắc chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tuân theo. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp, quan điểm giá trị của doanh nghiệp và sự phát triển toàn diện của cán bộ công nhân viên của mỗi doanh nghiệp chính là mục tiêu cuối cùng. Trong quá trình xây dựng, mọi doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng một hệ thống quan điểm giá trị để công nhân viên chức chấp nhận, tạo ra sự hài hòa trong nội bộ doanh nghiệp. Bởi thế, có thể coi văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tối quan trọng của thực tiễn doanh nghiệp đương đại. Quan trọng nhất là làm sao xây dựng được thái độ lao động, lao động sáng tạo, nhiệt tình cũng là thể hiện văn hoá doanh nghiệp. Làm quần quật, bở hơi tai chắc gì là biểu hiện của văn hóa.

Văn hoá doanh nghiệp có nhiều mức độ thể hiện khác nhau, mức dễ đó là báo cáo, là thiết bị, là khẩu hiệu băng rôn, là nghi thức… Mức cao hơn một tí là các giá trị mà những lãnh đạo mong muốn hoạch định và yêu cầu phải xây dựng từng bước. Và mức cao hơn nữa là nhận thức, suy nghĩ của mỗi cán bộ công nhân viên và các nhận thức này dần dần nằm trong tiềm thức mỗi người. Nó sẽ là kim chỉ nam hành động của mọi người thuộc doanh nghiệp đó. Nôm na rằng:

”Việc tuy nhỏ nhưng làm ta hết nhỏ

Chiều dài băng–rôn, chiểu ngang nhãn hiệu

Hệ số Ka-pê-I làm năng lực nâng cao bay bỗng tựa cánh diều”

Lãnh đạo doanh nghiệp phải làm cho cán bộ công nhân viên nhìn ra giá trị của doanh nghiệp là ở chỗ tầm nhìn của doanh nghiệp. Ở mỗi quốc gia cao nhất là văn hóa dân tộc, trong khu vườn văn hoá, văn hóa các doanh nghiệp là cả trăm ngàn hoa cùng đua nở. Mỗi doanh nghiệp phải có nét văn hoá riêng cho mình.

Điện lực Việt Nam không thể giống Điện lực Singapore mặc dù cùng nằm trong Asean. Trong EVN, Tổng công ty Điện lực Hà Nội không thể y hệt Tổng công ty Truyền tải ddiện Quốc gia… giống nhau về văn hoá trong mỗi doanh nghiệp có thể tăng tính ổn định của doanh nghiệp nhưng khó phát triển hơn được vì không có cái riêng. Ngày xưa chỉ cần đi ra khỏi nhà là:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

Các công ty cũng vậy, cần làm thế nào để công nhân viên xa công ty một ngày là đã thấy… trống vắng của họ. Cái cảm giác mênh mênh, mang mang làm người lao động thấy thiếu… là giá trị tinh thần, là sự găn bó với công ty và đó là văn hóa doanh nghiệp ấy nhỉ?

Và theo nhìn nhận chung, thì văn hóa doanh nghiệp phải xuất phát có gốc, có rễ bám sâu vào văn hóa dân tộc thì hiệu quả mới phát huy cao. Văn hóa dân tộc nó nằm trong tiếng ru của mẹ, câu hò của cha, lời ngân nga của ngoại… nó như nằm sẵn trong tiềm thức mỗi người. Kết hợp được cái cũ nằm ẩn mình trong tiềm thức đó và cái mới hiện thời hài hòa chắc chắn sẽ làm cho doanh nghiệp thăng hoa.

Và nhiều người đã nhìn nhận rằng trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, văn hóa doanh nghiệp cần chú ý đồng bộ những điều sau: Xây dựng quan niệm lấy con người làm gốc; Xây dựng quan niệm hướng tới thị trường; Cần phải coi nhu cầu thị trường là điểm sản sinh và điểm xuất phát của văn hóa doanh nghiệp; Xây dựng quan niệm khách hàng là trên hết; Tiến hành khai thác văn hóa đối với môi trường sinh tồn của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tốt đẹp; Tăng cường ý thức đạo đức chung, quan tâm đến an sinh xã hội; Xây dựng tinh thần trách nhiệm xã hội; Thông qua các hoạt động nhân đạo và văn hóa các doanh nghiệp đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc đổi mới, vì mục đích: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh“. Để tận đáy con tim mỗi công nhân ngành điện có thể thốt lên rằng...

“Quê hương ơi!

Hôm nay chúng con về đây, tiếp sức dựng xây

Hàng trụ điện dang tay trên trời mây

Để tiếng máy bơm rậm rịt trên đồng

Để tiếng cải lương vang lảnh lót bờ sông

Lấp lánh ánh sứ như nụ cười của điện

Gieo tin yêu thương nhớ giữa mùa vàng

Mãi yêu đời yêu khắp cả nhân gian”

Võ Tấn Cường - PTC4