
CPMB thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho CBCNV
Phong trào với mục đích xây dựng văn hóa học tập chủ động trong toàn thể CBCNV để từng cá nhân tự nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên toàn thế giới; tạo ra môi trường học tập tích cực giúp CBCNV phát triển bản thân, sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động ở từng cá nhân, đơn vị, tổ chức. Sử dụng hiệu quả các kết quả chuyển đổi số, các nguồn dữ liệu học mở trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực để mở rộng nguồn tri thức, nâng cao hiệu quả học tập và tối ưu hóa chi phí; phát triển các chương trình học tập, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tài nguyên giáo dục. Thi đua nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và xây dựng tổ chức văn hóa học tập trong mỗi đơn vị trực thuộc EVNNPT trong đó có CPMB.
Để triển khai phong trào đó, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã có những Chỉ thị số 1411/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 24/03/2023 về việc phát động phòng trào thi đua học tập chủ động trong toàn EVN, xây dựng EVN trở thành tổ chức học tập; Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cũng đã có Nghị quyết số 35/NQ-HĐTV của Hội đồng thành viên EVNNPT về các công việc và nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, thực hiện trong năm 2023; Chỉ thị liên tịch số 1326/CTLT-EVNNPT ngày 11/4/2023 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công đoàn EVNNPT về việc phát động phòng trào thi đua học tập chủ động trong toàn EVNNPT, xây dựng EVNNPT trở thành tổ chức. Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung cũng (CPMB) đã triển khai phát động phong trào thi đua học tập với những nội dung và giải pháp cụ thể.
Trước tiên, bám sát chương trình hành động của EVNNPT để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai bảo đảm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Các nội dung kế hoạch phải cụ thể rõ ràng cho từng tiêu chí đối tượng. Nội dung công việc hoàn thành phải đo lường được, chẳng hạn CPMB trong năm 2023 phải hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu xây dựng bài giảng E-learning và micro learning, hoàn thành chỉ tiêu học tập qua E-learning của EVNNPT và phấn đấu đạt 30% CBCNV chủ động học tập ngoài các bài bắt buộc theo quy định của EVN, EVNNPT và của CPMB; xây dựng tối thiểu 05 điển hình về học tập chủ động trong đơn vị, có tối thiểu 02 sáng kiến tổ chức hoạt động thi đua về học tập chủ động hoặc xây dựng cơ chế khuyến khích có hiệu quả được áp dụng tại CPMB; thi đua chia sẻ cách học tập chủ động, khai thác tài liệu, chia sẻ tri thức trong CPMB. Đẩy mạnh việc xây dựng các bài giảng E-learning và micro learning chất lượng, hiệu quả, tuyên truyền và phổ biến tối thiểu 2 nguồn dữ liệu học mở đến CBCNV là những nội dung cần được quan tâm triển khai trong năm 2023.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về phong trào thi đua học tập chủ động toàn CPMB cũng rất cần được quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, cần chủ động tuyên truyền trên các website nội bộ, trên các báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội...Công đoàn và Đoàn Thanh niên tham mưu Lãnh đạo Ban ký kết chương trình phối hợp, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, người lao động về thời gian, môi trường, điều kiện cơ sở vật chất giúp thúc đẩy thực hiện chương trình; xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng phù hợp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua học tập.
Lợi ích của văn hoá học tập (Learning culture) mang lại là sẽ rất rõ ràng. CBCNV CPMB sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc và thành tích của đơn vị. CPMB sẽ khai phá được tài năng tiềm ẩn của nhân viên, từ đó có chính sách dụng tài phù hợp. Góp phần tăng tính đoàn kết, chia sẻ nội bộ và độ hài lòng của nhân viên và tăng độ linh hoạt và khả năng thích ứng của đơn vị trước sự thay đổi của xu thế thời đại. Đó là lý do tại sao cần phải cổ vũ một môi trường học tập liên tục ở nơi làm việc. Để làm được những việc đó, cần có một số giải pháp sau đây
Một là, xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển dài hạn, có chiều sâu góp phần xây dựng đội ngũ CBCNV có chất lượng. Khi CPMB đã có nền tảng đào tạo, việc hình thành văn hóa học tập sẽ dễ dàng hơn, bởi người lao động đã quen với việc được học tập những kỹ năng mới, nâng cao chất lượng công việc định kỳ.
Hai là, thúc đẩy đào tạo nội bộ, đào tạo nội bộ được xem là một chiến lược dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ nhân sự tinh nhuệ và đồng đều về năng lực. Một số hình thức đào tạo nội bộ hiệu quả thường được sử dụng đó là cách đào tạo thứ nhất, thông qua họp nội bộ định kỳ là cách thức đào tạo thông qua các buổi gặp mặt toàn đơn vị hoặc theo nhóm. Buổi họp này diễn ra định kỳ theo tuần, theo tháng... Sẽ rất hiệu quả để các cá nhân nâng cao năng lực, rèn luyện kỹ năng mềm phối hợp giữa các phòng chức năng. Cần sử dụng cách đào tạo này để huấn luyện về một chủ đề /kỹ năng cụ thể mà nhiều nhân viên cần phải biết. Thứ 2 là cách đào tạo qua công việc, nhân viên được đào tạo bằng cách học hỏi qua công việc thực tế. Hình thức này cần đảm bảo điều kiện là có khoảng thời gian riêng đào tạo viên và nhân sự học việc không bị ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Cách đào tạo nội bộ này sẽ thích hợp đối với những công việc mang tính thực hành cao. Thứ 3 là cách đào tạo kèm cặp là việc theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho nhân viên. Cách này sẽ giúp người quản lý hoặc người giàu kinh nghiệm dễ dàng truyền đạt những kiến thức và kỹ năng cho nhân viên ít kinh nghiệm.
Ba là, xây dựng các chỉ tiêu đo lường hiệu suất. Một cách hiệu quả là đưa ra KPI về số lượng giờ học hay những tài liệu theo lựa chọn của từng cá nhân dựa trên KPI chung cho các phòng chức năng. Mỗi phòng chức năng đều có đặc thù khác nhau vì vậy cần đưa ra những chỉ tiêu riêng, phù hợp, như vậy việc thực thi sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Thông qua các KPI đã đặt ra, lãnh đạo có thể nắm được quá trình học tập trong CPMB diễn ra như thế nào. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược tạo dựng thói quen trau dồi, đào tạo kiến thức.
Bốn là, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức. Ngoài việc đào tạo nội bộ, cần tổ chức những lớp học cho người lao động trau dồi kiến thức và những kỹ năng còn thiếu. Thông qua việc khảo sát và đánh giá nhân viên định kỳ, lãnh đạo phòng/Ban có thể nhận thấy những kỹ năng mà nhân viên còn thiếu, từ đó xây dựng những chương trình đào tạo tổng thể. Các chương trình có thể được điều chỉnh theo các phòng và đối tượng khác nhau, sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.
Năm là, chú trọng vào việc khuyến khích nhân viên tự học những kỹ năng mà họ thích. Bởi, việc học cần xuất phát từ động lực cải thiện bản thân, từ những gì họ cảm thấy thiếu, hiệu quả sẽ cao hơn. Lãnh đạo có thể cho phép nhân viên tự lập kế hoạch phát triển cá nhân và theo dõi quá trình thực hiện.
Sáu là, khuyến khích tự khám phá, tự đổi mới và sáng tạo. Người lao động được phép đưa ra những ý tưởng đổi mới khi thực hiện công việc được hiệu quả hơn. CPMB tạo môi trường cho nhân viên thể hiện sự sáng tạo và phát huy hết năng lực bản thân; tạo điều kiện cho người lao động đưa ra những ý kiến và sẵn sàng thực hiện nếu thấy điều đó là hợp lý và khả thi. Chỉ có vậy, nhân viên mới chủ động, dám đổi mới và không ngại đưa ra những ý kiến cá nhân.