EVNNPT với hoạt động hợp tác quốc tế: Nâng tầm vị thế, củng cố niềm tin

Thứ hai, 29/7/2013 | 11:00 GMT+7
Trong 05 năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế của EVNNPT đã bám sát quan điểm đổi mới trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gặt hái nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể trong việc huy động nguồn vốn vay ưu đãi cho công tác đầu tư xây dựng, đồng thời tiếp thu nhiều kinh nghiệm chuyên môn quốc tế phục vụ phát triển lĩnh vực truyền tải điện tại Việt Nam.​

Thu xếp vốn hiệu quả


Được thành lập từ tháng 07/2008, vượt lên những khó khăn, thách thức của một tổ chức mới, trong những năm qua, EVNNPT luôn duy trì thực hiện tốt các dự án được tiếp quản từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) đa và song phương từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), bao gồm: Tín dụng 3680-VN (Nâng cao hiệu suất hệ thống điện, Cổ phần hóa và Năng lượng tái tạo), Tín dụng 4107-VN (Truyền tải và Phân phối 2), khoản vay 2128-VIE (Truyền tải Điện Miền Bắc) và Khoản vay 2225-VIE (Truyền tải Điện Miền Bắc mở rộng) với tổng số vốn vay khoảng 850 triệu USD.


Công tác thu xếp vốn cho các dự án mới cũng được triển khai hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho EVNNPT trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và khó khăn về tài chính của Tổng công ty nói riêng. Trong 5 năm qua, EVNNPT đã ký kết được một số Hiệp định dự án như: Khoản vay 1 và 2 thuộc Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải với tổng vốn vay 230,69 triệu USD từ ADB; Khoản vay đồng tài trợ với ADB của AFD (75 triệu EUR) cho Khoản vay 2; Các khoản vay: Tài trợ bổ sung - Truyền tải và Phân phối 2 (180 triệu USD), Thủy điện Trung Sơn – Hợp phần đường dây truyền tải (23,95 triệu USD), Hỗ trợ phát triển chính sách cho ngành Điện giai đoạn 1 và 2 (55 triệu USD và 60 triệu USD) do WB tài trợ; Hiệp định dự án lưới đồng bộ Thái Bình (11 triệu USD) và sử dụng vốn dư của Dự án Nhiệt điện Ô Môn I và lưới điện đồng bộ Đồng bằng sông Cửu Long (60 triệu USD) vay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Song song với công tác thu xếp vốn cho các dự án mới, EVNNPT cũng đang tích cực chuẩn bị thủ tục cho các khoản vay trong giai đoạn tiếp theo như: Khoản vay 3 - Chương trình đầu tư lưới điện truyền tải do ADB đồng tài trợ với Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW (580 triệu USD), dự án Hiệu quả lưới truyền tải (TEP) vay WB (500 triệu USD), dự án đường dây 500kV Sơn La – Lai Châu dự kiến vay vốn KfW (160 triệu EUR), dự án đường dây 500kV Hatxan – Pleiku (khoảng 80 triệu USD) do ADB tài trợ và dự án lưới đồng bộ Thái Bình – giai đoạn 2 (122 triệu USD) vay vốn JICA.
Bên cạnh nguồn ODA truyền thống, nguồn vốn song phương và tín dụng thương mại cũng được EVNNPT tích cực tìm kiếm và phát huy. Bước đầu đã thu được kết quả thông qua các khoản vay không ràng buộc từ Tổ chức bảo hiểm đầu tư xuất khẩu NIPPON (NEXI) trị giá 200 triệu USD và khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US.Eximbank) cho dự án tụ bù Pleiku – Phú Lâm với giá trị khoảng 15 triệu USD. Hiện EVNNPT đang tiếp tục làm việc với các tổ chức này để có thể thu xếp các khoản vay khác trong tương lai.

Ngoài các khoản vay, các Hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu chuẩn bị dự án và tăng cường năng lực cho EVNNPT trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, quản lý, tài chính, kế hoạch…do các tổ chức cho vay vốn cung cấp không hoàn lại với tổng giá trị lên đến hàng triệu USD cũng đã được EVNNPT triển khai thực hiện hoặc đang làm thủ tục tiếp nhận, góp phần đáng kể trong việc tận dụng nguồn lực và kinh nghiệm chuyên môn quốc tế.


 

1.jpg
 

 

 

Ông Tomoyuki Kimura – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam và ông Jean – Marc GRAVELLINI – Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam thăm và làm việc tại Trạm 220 kV Vân Trì – PTC1.

 

Tích cực thiết lập quan hệ hợp tác

Trong thời gian qua, EVNNPT đã thiết lập tốt mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, đại sứ quán, công ty điện lực các nước, các ngân hàng, công ty thương mại. Mặt khác, còn tích cực tham gia các hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, các chuyến tham quan nghiên cứu tại nước ngoài, như: Hội thảo đào tạo kỹ thuật Lưới điện thông minh do các chuyên gia của Mỹ tổ chức tại Việt Nam; tham quan học tập tại Mỹ về Lưới điện thông minh, cơ chế quản lý và các công nghệ mới trong ngành điện; làm việc với các tổ chức tín dụng và đào tạo kỹ thuật tại Nhật Bản, phối hợp với các hãng lớn: Hitachi Cable, Toshiba tổ chức thành công các hội thảo chuyên đề kỹ thuật về dây dẫn siêu nhiệt, chống sét có khe hở, relay kỹ thuật số; tham quan làm việc với Công ty Điện lực Thượng Hải – Trung Quốc… 


Song hành các hoạt động trên, EVNNPT cũng tích cực hợp tác trong khu vực. Một trong những hoạt động tiêu biểu là tham gia Hội nghị HAPUA (Hiệp hội các nước đứng đầu ngành điện khu vực Đông Nam Á) tại Thái Lan; đăng cai tổ chức hội nghị HAPUA tại Hà Nội, Đà Nẵng; tham gia các cuộc họp của Nhóm công tác, Ban tư vấn đấu nối lưới điện; liên kết đấu nối lưới điện với các nước trong khu vực. Hiện tại, EVNNPT đã thực hiện một số hợp đồng đấu nối lưới điện với các nước láng giềng như Lào, Cam-Pu-Chia và dự kiến, trong những năm tới, hoạt động hợp tác trong khu vực sẽ được mở rộng hơn nữa nhằm mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích thiết thực cho EVNNPT, nâng cao vị thế và độ tin cậy của EVNNPT với các đối tác quốc tế.

 

Đẩy mạnh hợp tác cả bề rộng lẫn chiều sâu

Theo Quy hoạch điện 7, tổng nhu cầu đầu tư của EVNNPT mỗi năm xấp xỉ 1 tỷ USD từ nay đến năm 2015 và giai đoạn sau năm 2015. Do vậy, trong điều kiện tài chính EVNNPT và nền kinh tế nói chung còn khó khăn, để đảm bảo đủ vốn đầu tư xây dựng mới các dự án lưới điện theo Quy hoạch Điện 7, thì nguồn vốn ODA từ WB, ADB, JICA vẫn giữ vai trò chủ đạo. Do đó, bên cạnh việc mở rộng, thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới, EVNNPT vẫn phải tiếp tục duy trì và tăng cường các mối quan hệ hợp tác truyền thống để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa từ các tổ chức tài chính quốc tế này. Trước mắt, EVNNPT cần khẩn trương tiến hành các thủ tục tiếp nhận các khoản vay và hỗ trợ kỹ thuật từ AfD, KfW, US.TDA,… đồng thời thực hiện các thoả thuận hợp tác đã ký với các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Lào, Campuchia…

Mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết khu vực, liên kết toàn cầu là xu hướng chung của thế giới. Do vậy, trong thời gian tới, EVNNPT cần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn, hiệp hội quốc tế trong lĩnh vực truyền tải điện. Qua đó, nâng cao năng lực cũng như vị thế quốc tế của EVNNPT, đáp ứng nhu cầu đầu tư, mở rộng lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện 7, góp phần xây dựng EVNNPT ngày một lớn mạnh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung của khu vực.
​​

EVNNPT